PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

12/06/2024
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Ứng dụng các đề tài, dự án khoa học công nghệ ở Chợ Đồn
Từ năm 2017 đến nay, trên địa bàn huyện Chợ Đồn đã và đang triển khai 17 đề tài, dự án khoa học và công nghệ. Qua thực tế triển khai, nhiều đề tài, dự án đã phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội, được duy trì và nhân rộng.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Nhằm bảo tồn nguồn gen giống cây Đào toáng địa phương để nhân giống và xây dựng mô hình trồng loại cây này tạo ra sản phẩm đặc trưng của địa phương theo Đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm”, từ năm 2020, huyện Chợ Đồn đã đề xuất và được Hội đồng khoa học tỉnh phê duyệt Đề tài “Nghiên cứu và phát triển cây Đào toáng tại xã Nam Cường”.

Đào toáng vốn được trồng tại một số xã khu Bắc của huyện như Tân Lập, Nam Cường từ rất lâu. Giống đào này có đặc điểm ra hoa, tạo quả muộn, hoa có cánh to, màu hồng đẹp; quả to, khi chín có vị ngọt, giòn, thịt dày, ít sâu bệnh… đem lại giá trị kinh tế cao nếu được trồng tập trung để tạo thành sản phẩm hàng hóa đặc hữu kết hợp với phát triển du lịch sinh thái. Vì thế, ngay khi Đề tài “Nghiên cứu và phát triển cây Đào toáng tại xã Nam Cường” được triển khai, gia đình chị Bàn Thị Âm ở thôn Bản Lồm đã đăng ký tham gia.

Diện tích trồng Đào toáng của gia đình chị Bàn Thị Âm ở thôn Bản Lồm, xã Nam Cường đang phát triển tốt

Được hỗ trợ về kỹ thuật, cây giống, phân bón… nên trên phần diện tích đất đồi cạnh nhà, gia đình chị trồng 137 cây Đào toáng. Chị Bàn Thị Âm cho biết, quá trình trồng, gia đình áp dụng đúng kỹ thuật được chuyển giao nên cây phát triển tốt. Từ năm thứ 3, một số cây đã ra hoa, bói quả và năm nay số lượng cây cho quả nhiều hơn. Thực tế thời gian qua cho thấy, việc tiêu thụ loại quả này khá tốt và tới đây dịch vụ du lịch sinh thái ở địa phương phát triển hơn, gia đình sẽ mở rộng diện tích nhằm nâng cao thu nhập.

Để phát huy lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng và đặc tính sinh học của cây Đào toáng, đồng thời giúp địa phương và bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên những diện tích đất ven đồi, lưu giữ và phát triển loại cây này theo hướng tập trung, tạo thành hàng hóa đặc hữu gắn với phát triển du lịch sinh thái, giai đoạn 2020 - 2024, huyện Chợ Đồn phấn đấu cải tạo 40 cây Đào toáng; bình tuyển 5 - 10 cây đầu dòng để lấy cành ghép nhân giống; xây dựng mô hình trồng mới 3 ha. Qua thực hiện, đến nay đã có 40 cây của 16 hộ dân được cải tạo, thí điểm trồng mới 3 ha, diện tích phát triển tốt và tuyển chọn, công nhận được 6 cây đầu dòng để nhân giống. Các hộ thực hiện làm cỏ, bón phân, quét vôi gốc, cắt tỉa cành sâu bệnh, cành vượt... theo hướng dẫn kỹ thuật, chú trọng trồng xen giữa khoảng cách các cây Đào bằng một số loại cây họ đậu để tăng thu nhập và làm phân xanh, cố định đạm trong đất, góp phần hạn chế xói mòn đất, cải tạo đất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, từ đó người dân có thể canh tác lâu dài, bền vững trên mô hình của mình.

Từ quá trình tham gia các đề tài, dự án khoa học công nghệ được triển khai, hằng năm, UBND huyện Chợ Đồn đều chỉ đạo tổ chức duy trì, nhân rộng kết quả các nhiệm vụ khoa học công nghệ đã được nghiệm thu. Thực tế đã có nhiều đề tài, dự án được duy trì, nhân rộng và phát huy hiệu quả thiết thực như: Dự án “Ứng dụng khoa học công nghệ tổ chức sản xuất, chế biến và tiêu thụ Chè Shan tuyết tại xã Bằng Phúc”; Dự án “Nghiên cứu đặc điểm sinh học và kỹ thuật gây trồng Chè hoa vàng (Camellia spp) tại tỉnh Bắc Kạn”; Dự án “Phát triển sản xuất một số cây trồng hàng hóa góp phần nâng cao thu nhập cho nông hộ tại huyện Chợ Đồn”…

Thực tế cũng khẳng định, các đề tài, dự án ứng dụng khoa học và công nghệ thực hiện có hiệu quả đã từng bước làm thay đổi nhận thức của người dân trong vùng dự án về chuyển đổi cơ cấu cây trồng và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Cùng với đó, thông qua các đề tài, dự án khoa học công nghệ còn góp phần thúc đẩy việc tạo ra các sản phẩm theo hướng đa dạng hơn, giúp hình thành tư duy sản xuất hàng hóa và nâng cao giá trị sản phẩm tại địa phương.

Tuy nhiên, qua quá trình triển khai các đề tài, dự án ứng dụng khoa học công nghệ những năm gần đây cũng cho thấy, do nhiều nguyên nhân nên việc tuyên truyền, vận động người dân tiếp tục duy trì và nhân rộng các đề tài dự án còn gặp khó khăn nhất định. Hoạt động chuyển giao công nghệ và các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất tuy đã được triển khai và có tác động tích cực nhưng vẫn chưa tạo được điểm nhấn, chưa tạo được sự đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Sau khi kết thúc đề tài, dự án, nhiều UBND cấp xã chưa thực sự chủ động trong chỉ đạo, tiếp tục hướng dẫn người dân duy trì và tổ chức nhân rộng kết quả.

Do vậy, cùng với sự nỗ lực của địa phương và tuân thủ chặt chẽ các bước theo quy định, Sở Khoa học và Công nghệ tiếp tục chỉ đạo chủ nhiệm các đề tài, dự án phối hợp chặt chẽ với địa phương trong quá trình thực hiện; tập huấn, hướng dẫn để các đơn vị, địa phương sau khi tiếp nhận kết quả đề tài, dự án tổ chức xây dựng kế hoạch duy trì, nhân rộng; đồng thời tiếp tục chuyển giao ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.

Thu Trang