Độ tương phản
Người dân xã Quảng Bạch, huyện Chợ Đồn thu hoạch hồng không hạt
Để phát triển cây trồng đặc sản này, tỉnh Bắc Kạn đã triển khai nhiều dự án khoa học để nâng cao giá trị sản phẩm. Trong đó, Dự án “Nghiên cứu tuyển chọn cây đầu dòng và xây dựng mô hình thâm canh giống hồng không hạt ở tỉnh Bắc Kạn” và Dự án “Ứng dụng khoa học công nghệ phát triển giống hồng không hạt đặc sản tỉnh Bắc Kạn” được thực hiện từ năm 2007; Dự án “Xây dựng chỉ dẫn địa lý Bắc Kạn cho sản phẩm hồng không hạt của tỉnh Bắc Kạn” thực hiện từ năm 2009… Thông qua các chương trình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, diện tích hồng không hạt của tỉnh tăng dần qua các năm, chất lượng quả được nâng lên.
Với sự nỗ lực của các cấp, các ngành trong việc duy trì và phát triển giống hồng không hạt, sản phẩm hồng không hạt đã trở thành loại quả đặc sản đầu tiên của tỉnh được nhận văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp năm 2010. Năm 2013, sản phẩm hồng không hạt Bắc Kạn một lần nữa khẳng định vị trí trên thị trường khi lọt vào danh sách 100 thương hiệu, nhãn hiệu nổi tiếng do Tạp chí Sở hữu trí tuệ và Sáng tạo - Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam bình chọn.
Thương hiệu đã được xây dựng, hồng không hạt Bắc Kạn dần có chỗ đứng trên thị trường. Người dân đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Để phát triển diện tích đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, nâng cao giá trị sản phẩm, tỉnh đã quy hoạch hồng không hạt là cây trồng thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2010 - 2015, tầm nhìn đến năm 2020. Thấy được giá trị sản xuất, người dân đã mạnh dạn mở rộng diện tích. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành vùng sản xuất hàng hóa cây hồng không hạt tại các xã Quảng Khê, Khang Ninh, Địa Linh, Hà Hiệu (Ba Bể); Quảng Bạch, Đồng Lạc, Ngọc Phái, Nam Cường (Chợ Đồn)… Các địa phương khác cũng phát triển mạnh cây trồng này.
Quá trình phát triển, cây hồng không hạt xuất hiện một số sâu bệnh hại, gây rụng lá và quả. Năm 2020, UBND tỉnh phê duyệt Đề tài khoa học “Nghiên cứu sâu bệnh hại chính và ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng mô hình nâng cao năng suất, chất lượng cây hồng không hạt Bắc Kạn”, trong quá trình nghiên cứu đã xác định bệnh thán thư là bệnh hại chính, từ đó đề xuất giải pháp phòng chống bệnh hại để nâng cao chất lượng cây trồng.
Với nhiều dự án, đề tài khoa học được triển khai, cây hồng không hạt đang dần trở thành cây trồng thế mạnh cho thu nhập cao, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 800 ha cây hồng không hạt, trong đó hơn 460 ha đang cho thu hoạch. Huyện Ba Bể là địa phương trồng nhiều nhất tỉnh với 380 ha, trong đó có 143 ha diện tích đã cho thu hoạch và 20 ha trồng theo hướng VietGap hữu cơ. Với diện tích trồng lớn, hiện nay, huyện Ba Bể đã tập trung trồng chuyên canh, đưa loại cây này thành chủ lực, giúp người dân xoá nghèo, giảm nghèo.
Huyện Na Rì cũng là địa phương có tiềm năng phát triển cây hồng không hạt vì có diện tích đất vườn, đồi rộng, khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp để nhân rộng loại cây trồng này. Đây là loại cây ăn quả cho năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao, dễ trồng. Năm 2021, huyện triển khai Dự án "Ứng dụng khoa học và công nghệ xây dựng mô hình thâm canh và nhân giống hồng không hạt Na Rì LT-1 tại huyện Na Rì". Viện Nghiên cứu rau quả, đơn vị trực tiếp triển khai ghép, cung cấp giống, chuyển giao khoa học kỹ thuật “cầm tay chỉ việc” cho bà con trồng, chăm sóc hồng LT-1 tại huyện Na Rì. Huyện xác định, cây hồng không hạt sẽ là loại cây được huyện tập trung phát triển theo mô hình liên kết theo chuỗi giá trị. Trong thời gian tới, huyện sẽ thực hiện đồng thời việc hỗ trợ kỹ thuật, cây giống, phân bón với tuyên truyền, vận động để người dân tập trung phát triển loại cây trồng có giá trị kinh tế này.
Còn tại huyện Chợ Đồn, xã Quảng Bạch được coi là vùng hồng không hạt, với tổng diện tích 45 ha cho thu hoạch 25 ha. Ngành nông nghiệp địa phương đang tiếp tục đẩy mạnh xây dựng vùng nguyên liệu gắn với liên kết, tiêu thụ sản phẩm hồng không hạt, giải pháp là vận dụng các chính sách, tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật theo hướng hữu cơ, hỗ trợ kết nối, liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã trong hình thành vùng trồng, liên kết tiêu thụ nông sản.
Cùng với ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, vấn đề mở rộng thị trường tiêu thụ cũng đang được các địa phương có thế mạnh về trồng hồng ở Bắc Kạn quan tâm. Sở Công Thương tạo điều kiện cho các địa phương, hợp tác xã tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, hỗ trợ đưa hồng không hạt Bắc Kạn lên các sàn thương mại điện tử, các nền tảng mạng xã hội để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Nhờ vậy, sản phẩm hồng không hạt ngày càng được nâng cao giá trị, được người tiêu dùng biết đến và lựa chọn. Những năm qua, giá hồng không hạt Bắc Kạn dao động bình quân 15.000 - 40.000 đồng/kg tùy loại; với sản lượng khoảng 2.200 tấn mỗi năm đã mang lại giá trị kinh tế không nhỏ cho người dân.
Trong thời gian tới, Bắc Kạn tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào trồng, chăm sóc và phòng trừ bệnh hại để nâng cao giá trị sản phẩm đặc sản của tỉnh, nâng cao giá trị sản phẩm đạt chỉ dẫn địa lý đã được công nhận, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương./.
Kinh tế 9 tháng duy trì đà tăng trưởng (13/10/2024)
9 tháng năm 2024: Thành lập mới 95 doanh nghiệp (05/10/2024)
Chỉ số CPI tháng 9 cơ bản ổn định (03/10/2024)
200 khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 (30/09/2024)
Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (30/09/2024)