PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

07/12/2023
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Ứng dụng khoa học và công nghệ nâng cao giá trị sản phẩm chuối tây
Nhằm nâng cao giá trị sản phẩm chuối tây và các sản phẩm từ chuối tây, góp phần tăng thu nhập cho người dân, doanh nghiệp, năm 2019, dự án khoa học “Ứng dụng khoa học và công nghệ trong bảo quản và chế biến nhằm đa dạng hóa, nâng cao giá trị sản phẩm chuối Bắc Kạn” đã được triển khai thực hiện.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Sở Khoa học và Công nghệ kiểm tra dây chuyền sản xuất rượu chuối tại HTX Tân Dân

Chuối tây canh tác đơn giản, ít tốn công chăm sóc, nhanh cho thu hoạch; đem lại hiệu quả kinh tế khá cao trên diện tích đồi.

Tại tỉnh Bắc Kạn, cây chuối tây đã được trồng nhiều năm gần đây và đang được nhân rộng. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, có thời điểm, toàn tỉnh Bắc Kạn có khoảng 400 ha cây chuối tây trồng rải rác ở tất cả địa phương trên địa bàn tỉnh; trong đó tập trung nhiều nhất tại xã Nông Thượng (thành phố Bắc Kạn), xã Thanh Vận (huyện Chợ Mới). Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ chưa thực sự ổn định, gây ảnh hưởng đến tâm lý người trồng. Nhiều diện tích đã trồng lâu năm trở nên cằn cỗi, nhiễm sâu bệnh khiến người dân không chú trọng đầu tư chăm sóc. Trình độ thâm canh của người dân còn thấp nên năng suất, chất lượng chuối thấp, rất khó để thu hút các doanh nghiệp vào liên kết tiêu thụ.

Việc sản xuất, tiêu thụ chuối tây nguyên quả và sản phẩm chế biến từ chuối tây còn manh mún, nhỏ lẻ, tự phát, dẫn đến gặp nhiều khó khăn từ khâu sản xuất, bảo quản, chế biến đến hệ thống phân phối đưa tới người tiêu dùng. Hiện nay, các sản phẩm chế biến từ chuối tây còn ít, mẫu mã, chất lượng chưa cao.

Việc áp dụng khoa học công nghệ vào chế biến các sản phẩm từ chuối, hiện đại hóa, mở rộng quy mô sản xuất sẽ giúp tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, tăng năng suất sản xuất, nâng cao giá trị của sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Chính vì vậy, năm 2019, UBND tỉnh đã đồng ý cho Trường Đại học Nông Lâm (Đại học Thái Nguyên) chủ trì thực hiện dự án khoa học “Ứng dụng khoa học và công nghệ trong bảo quản và chế biến nhằm đa dạng hóa, nâng cao giá trị sản phẩm chuối Bắc Kạn” trong thời gian 30 tháng.

Qua khảo sát, nghiên cứu, Dự án lựa chọn vườn chuối ông Bàn Văn Lâm ở thôn Bản Bung, xã Dương Quang với diện tích 2 ha để thực hiện cải tạo và chăm sóc vườn chuối theo hướng hữu cơ. Sau cải tạo, chăm sóc, mô hình cho chuối mẫu mã đẹp, 100% chuối đạt loại A và cho năng suất tăng từ 20 - 30%. Dựa trên kết quả thực hiện mô hình, Dự án xây dựng được quy trình trồng và chăm sóc chuối tây theo hướng hữu cơ.

Sau 3 tháng triển khai, Dự án đã xây dựng được quy trình bảo quản và rấm chuối tây sau thu hoạch đạt yêu cầu, giảm tỷ lệ hao hụt; xây dựng được quy trình rấm chín chuối tây sử dụng ethylen cho chuối chín đồng đều, mẫu mã đẹp, thời gian chín 3 ngày. Dự án đã đánh giá được các thông số ảnh hưởng tới quá trình sản xuất giấm chuối, rượu chuối, chuối sấy dẻo và xây dựng được quy trình công nghệ sản xuất giấm chuối, công nghệ sản xuất rượu chuối men lá, công nghệ sản xuất chuối sấy dẻo trên quy mô phòng thí nghiệm.

Cùng với đó, hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất giấm chuối, công nghệ sản xuất rượu chuối men lá, công nghệ sản xuất chuối sấy dẻo trên quy mô sản xuất cho Hợp tác xã Tân Dân tạo ra sản phẩm giấm chuối, rượu chuối, chuối sấy dẻo và được thương mại trên thị trường. Qua đánh giá, sản phẩm rượu chuối men lá, năng suất đạt khoảng 4 tấn chuối cho 1.540 lít rượu, quy mô sản xuất đạt khoảng 15.400 lít rượu/tháng, sản phẩm được khử andehyt; sản phẩm giấm chuối, năng suất đạt khoảng 2 tấn chuối cho 4.000 lít giấm, quy mô sản xuất đạt khoảng 19.200 lít giấm/tháng, sản phẩm được lọc thanh trùng; sản phẩm chuối sấy dẻo, năng suất đạt 1.500 kg chuối/mẻ sấy, cho 300 kg chuối sấy thành phẩm, quy mô sản xuất đạt 12 tấn chuối/tháng. Các sản phẩm đều có công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm.

Các liên kết trong chuỗi giá trị chuối tây được xây dựng, kết nối, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm từ chuối nguyên liệu tới sản phẩm chuối chế biến, tăng thu nhập cho người dân, Hợp tác xã Tân Dân, tạo việc làm cho các lao động địa phương.

Anh Bàn Văn Chiến - Giám đốc Hợp tác xã Tân Dân cho biết, khi liên kết với với Trường Đại học Nông lâm thực hiện Dự án, vùng nguyên liệu chuối tây của Hợp tác xã được hướng dẫn cải tạo, chăm sóc tốt hơn, cho quả chuối to, đẹp hơn khi chưa áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc, thu hoạch. Ứng dụng các quy trình kỹ thuật vào sản xuất, các sản phẩm từ quả chuối tây của Hợp tác xã Tân Dân được nâng cao hơn về chất lượng.

Với những kết quả đạt được, dự án “Ứng dụng khoa học và công nghệ trong bảo quản và chế biến nhằm đa dạng hóa, nâng cao giá trị sản phẩm chuối Bắc Kạn” đã được Hội đồng khoa học và công nghệ tư vấn, đánh giá, nghiệm thu cấp tỉnh xếp loại khá.

Sau khi Dự án được nghiệm thu, UBND thành phố Bắc Kạn đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn và UBND các xã, phường, Hợp tác xã Tân Dân tuyên truyền người dân duy trì, chăm sóc vùng trồng chuối hiện có; nghiên cứu, ưu tiên các nguồn vốn để phát triển vùng trồng chuối hữu cơ làm nguyên liệu chất lượng phục vụ chế biến.

UBND thành phố Bắc Kạn cũng đã đề nghị Hợp tác xã Tân Dân tiếp nhận sản phẩm tạo ra của Dự án, tiếp tục hoàn thiện các sản phẩm, kết nối với vùng trồng chuối tại tỉnh Bắc Kạn để tiêu thụ cho người dân; kết nối mở rộng thị trường tiêu thụ, tăng dần quy mô sản xuất; tiếp cận các chính sách để phát triển hoàn thiện thêm các sản phẩm từ chuối tây./.

Hương Dịu