Độ tương phản
Với sự tài trợ của Quỹ Môi trường toàn cầu, từ tháng 6/2021 - 6/2023, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh đã chủ trì thực hiện Dự án “Khai thác, sử dụng kiến thức bản địa trong bảo vệ rừng (BVR) và phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) của đồng bào dân tộc thiểu số góp phần bảo vệ đa dạng sinh học hệ sinh thái rừng tại vùng đệm Vườn Quốc gia Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn”.
Dự án được thực hiện tại 3 thôn: Nà Lẻ (xã Quảng Khê), Nà Lườn, Nà Sải (xã Hoàng Trĩ) với diện tích 866,69 ha rừng khoanh nuôi bảo vệ. Đây là vùng đệm, giáp ranh với vùng lõi Vườn Quốc gia Ba Bể, có gần 1.000 ha rừng phòng hộ đầu nguồn của sông Lèng - nguồn cung cấp nước chủ yếu cho hồ Ba Bể; là nơi sinh sống của các dân tộc Tày, Nùng, Dao với tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo trung bình 35%.
Trong 866,69 ha rừng tự nhiên của 3 thôn tham gia Dự án, Ban Điều hành Dự án đã lựa chọn được 300 ha rừng để xây dựng mô hình vệ sinh rừng, bảo tồn và phát triển một số loài dược liệu quý với 60 hộ dân tham gia. Các hộ dân tham gia mô hình được tập huấn vệ sinh rừng theo kỹ thuật đảm bảo chức năng phòng hộ của rừng, gìn giữ cây mục đích theo Thông tư 29/2018/TT-BNNPTNT quy định về biện pháp lâm sinh trong nuôi dưỡng, chăm sóc rừng và kiến thức, kinh nghiệm bản địa. Đến nay, các hộ dân đã có khả năng thực hiện công việc vệ sinh rừng theo đúng kỹ thuật lâm học; xác định được 107 cây mục đích cần gìn giữ. Danh sách các loại cây và kỹ thuật vệ sinh rừng là nội dung trong tài liệu khuyến lâm được in ấn, lưu giữ ở các nhà họp thôn.
Dự án xác định bảo tồn loài kiến đen (kiến Lày) trong diện tích 300 ha rừng của mô hình vệ sinh rừng; hướng dẫn người dân khai thác trứng kiến theo phương pháp truyền thống, đảm bảo việc duy trì đàn, bảo tồn loài, qua đó góp phần quan trọng vào bảo tồn hệ sinh thái với nghĩa bảo tồn đa dạng hệ sinh học cũng như việc giảm thiểu nguy cơ gây độc hại cho môi trường, giảm thiểu nguy cơ cháy rừng. Việc bảo vệ kiến và cây chủ, không sử dụng khói, hóa chất để tách đuổi kiến khi lấy trứng… đã trở thành quy định nghiêm ngặt về bảo tồn và được đưa vào Hương ước bảo vệ rừng của các thôn.
Chị Hoàng Thị Xoa ở thôn Nà Slải, xã Hoàng Trĩ cho biết, nhờ có Dự án, Nhân dân địa phương mới biết bảo vệ loài kiến Lày cho trứng để làm bánh, làm xôi - một loại đặc sản quý giá được ví như “lộc trời cho” bấy lâu nay để tăng thêm thu nhập. Nhân dân cùng khai thác trứng kiến theo cách truyền thống để không tận diện loài kiến, gây ô nhiễm môi trường và thêm nguy cơ cháy rừng; mọi người cũng đã chú ý giữ lại những cây kiến làm tổ. Chính vì vậy, năm 2023, số tổ kiến Lày đã tăng nhiều so với năm 2022, trứng thu hoạch được nhiều hơn.
Để giảm áp lực phụ thuộc vào rừng, đồng thời vẫn đảm bảo nguồn thu nhập cho người dân, Dự án đã xây dựng được 2 mô hình sinh kế cho người dân là mô hình trồng dược liệu gồm 0,3 ha cây giảo cổ lam và 1,2 ha cây hoài sơn (củ mài); mô hình cải tạo 2 ha cây hồng không hạt của địa phương và trồng mới 1 ha giống hồng không hạt LT1.
Trên cơ sở những kiến thức thu thập được, Ban Điều hành Dự án đã soạn thảo 3 hương ước, quy ước của 3 thôn trên cơ sở hướng dẫn của Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg, đồng thời dựa vào điều kiện cụ thể của các thôn bản; lồng ghép các câu thành ngữ, tục ngữ phù hợp vào hương ước, quy ước nhằm tăng thêm tác dụng, hiệu quả. Đến nay, Ban Điều hành Dự án đã in ấn phát hành 227 hương ước, quy ước về bảo vệ rừng dưới dạng thơ ca cổ; 227 tập tài liệu hướng dẫn khuyến nông, khuyến lâm đến bà con Nhân dân…
Các hoạt động truyền thông được Ban Điều hành Dự án quan tâm thực hiện với nhiều hình thức. Trong đó, có tổ chức cuộc thi BVR, PCCCR thông qua các làm điệu thơ ca cổ, thi làm bánh trứng kiến để quảng bá sản phẩm trứng kiến - Đây cũng là cơ sở để đề nghị công nhận sản phẩm OCOP, sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm và là sản phẩm phục vụ du lịch hồ Ba Bể…
Đánh giá về kết quả Dự án, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Đường - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh cho biết, Dự án cơ bản đạt được các mục tiêu đề ra đó là góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, BVR và bảo tồn đa dạng sinh học Vườn Quốc gia Ba Bể thông qua kiến thức bản địa. Những kiến thức bản địa trong bảo vệ rừng, PCCCR vốn đã “ngủ quên” trong đời sống sinh hoạt của bà con vùng đồng bào dân tộc nay lại được khơi dậy đã tác động đến nhận thức của người dân. Họ nhận thức tốt hơn trong việc quản lý rừng bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học, từ đó thay đổi hành vi hướng đến giảm tác động tiêu cực đến tài nguyên rừng và đa dạng sinh học. Những kiến thức bản địa ấy tuy còn ít ỏi nhưng đã góp phần khơi lên niềm tự hào của người dân vùng đệm Vườn Quốc gia Ba Bể về truyền thống tốt đẹp của ông cha trong hoạt động BVR. Các mô hình phát triển sinh kế bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế tốt, góp phần giảm phụ thuộc của người dân vào tài nguyên rừng.
Những kiến thức bản địa về BVR, PCCCR trong thơ ca cổ của đồng bào địa phương đã được vận dụng để xây dựng hương ước, quy ước; những kiến thức bản địa kết hợp với khoa học kỹ thuật được biên tập xây dựng tài liệu hướng dẫn quản lý rừng cộng đồng và tài liệu khuyến lâm. Các hoạt động của Dự án đã góp phần nâng cao năng lực quản lý của cán bộ cấp xã, thôn và các tổ chức đoàn thể của địa phương./.
Văn phòng Tỉnh ủy triển khai nhiệm vụ năm 2025 (13/01/2025)
Báo Bắc Kạn khẳng định vị thế cơ quan báo Đảng địa phương trong thời đại công nghệ số (13/01/2025)
Đánh giá công tác phối hợp giữa ban tuyên giáo các cấp với cơ quan nhà nước cùng cấp năm 2024 (11/01/2025)
UBND tỉnh tổng kết, đánh giá kết quả sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và Chương trình OCOP năm 2024 (10/01/2025)
Triển khai toàn diện các nhiệm vụ y tế năm 2025 (09/01/2025)