PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

06/03/2024
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Xây dựng huyện Chợ Đồn đạt chuẩn nông thôn mới
UBND tỉnh vừa phê duyệt Đề án xây dựng huyện Chợ Đồn đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Theo đánh giá, huyện Chợ Đồn có nhiều tiềm năng, thế mạnh để trở thành huyện nông thôn mới thứ hai của tỉnh Bắc Kạn. Đó là có hệ thống giao thông thuận lợi; có di tích lịch sử quốc gia đặc biệt ATK Chợ Đồn; khí hậu ôn hòa, môi trường trong lành, thích hợp cho phát triển du lịch nông thôn; có trữ lượng khoáng sản lớn, có tiềm năng về vật liệu xây dựng… Đó là những tiềm năng thế mạnh, là điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư, giúp Chợ Đồn tăng trưởng kinh tế theo hướng nhanh, mạnh, bền vững để sớm hoàn thành huyện đạt chuẩn nông thôn mới gắn với phát triển đô thị theo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.


Lãnh đạo tỉnh và đại biểu tham quan sản phẩm OCOP của huyện Chợ Đồn

Với sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự đồng thuận, vào cuộc tích cực của toàn dân, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân trên địa bàn huyện ngày càng được cải thiện, tình hình kinh tế - xã hội có nhiều chuyển biến rõ rệt. Đặc biệt, khu vực nông thôn đang có bước phát triển khá toàn diện, sản xuất nông nghiệp tăng, hình thành mới và đi vào hoạt động có hiệu quả của các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, an ninh - chính trị được giữ vững.

Bên cạnh đó, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Chợ Đồn đã đạt được một số kết quả khá toàn diện, có chiều sâu, bền vững; đã có 7 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 36,84%) gồm Quảng Bạch, Ngọc Phái, Đồng Thắng, Yên Thượng, Nghĩa Tá, Phương Viên, Yên Thịnh; có 9 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí gồm Bằng Lãng, Đồng Lạc, Nam Cường, Lương Bằng, Yên Phong, Bằng Phúc, Đại Sảo, Tân Lập, Yên Mỹ; có 3 xã đạt dưới 10 tiêu chí là Xuân Lạc, Bản Thi, Bình Trung; không có xã đạt dưới 5 tiêu chí. Tuy nhiên, giai đoạn 2016 - 2021, huyện Chợ Đồn chưa có xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Mục tiêu của Đề án là xây dựng huyện Chợ Đồn đạt chuẩn nông thôn mới dựa trên nền tảng các giá trị văn hóa truyền thống của quê hương, có kết cấu hạ tầng phù hợp với quy hoạch không gian làng, xã, quy hoạch kinh tế - xã hội của ngành và địa phương; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc; đảm bảo về an ninh trật tự, vệ sinh môi trường sinh thái… nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, rút ngắn khoảng cách giàu nghèo giữa các xã; nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, kết nối vùng miền về cả hạ tầng kinh tế - xã hội và phát triển sản xuất, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, xây dựng huyện Chợ Đồn trở thành trung tâm kinh tế văn hóa của tỉnh Bắc Kạn.

Để hoàn thành yêu cầu 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, duy trì và củng cố chất lượng các tiêu chí của các xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2022 gồm: Đồng Thắng, Yên Thượng, Nghĩa Tá, Phương Viên, Yên Thịnh, Quảng Bạch, Ngọc Phái.

Lộ trình dự kiến đạt chuẩn năm 2023 gồm 4 xã: Bằng Lãng, Lương Bằng, Đồng Lạc, Nam Cường.

Lộ trình dự kiến đạt chuẩn năm 2024 gồm 4 xã: Yên Phong, Bằng Phúc, Tân Lập, Yên Mỹ.

Lộ trình dự kiến đạt chuẩn năm 2025 gồm 4 xã: Bản Thi, Bình Trung, Xuân Lạc, Đại Sảo.

Lộ trình hoàn thành ít nhất 10% số xã trên địa bàn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao: Mục tiêu năm 2023 là xã Đồng Thắng; năm 2024 là xã Yên Thượng và năm 2025 là xã Nghĩa Tá.

Xây dựng thị trấn Bằng Lũng đạt chuẩn đô thị văn minh và được công nhận vào năm 2024.

Lộ trình hoàn thành 9 tiêu chí huyện nông thôn mới:

Năm 2023: Hoàn thành tiêu chí 1 - Quy hoạch.

Năm 2024: Hoàn thành tiêu chí số 4 - Điện.

Năm 2025: Hoàn thành tiêu chí 6 - Kinh tế; hoàn thành tiêu chí 5 - Y tế - Văn hóa - Giáo dục.

Giai đoạn 2026 - 2030: Hoàn thành tiêu chí 2 - Giao thông; tiêu chí số 7 - Môi trường; tiêu chí số 8 - Chất lượng môi trường sống.

Tổng nhu cầu nguồn vốn thực hiện Đề án là 792.077,32 triệu đồng, trong đó nguồn vốn đã có là 401.960,92 triệu đồng; nguồn vốn chưa xác định là 390.116,40 triệu đồng.

Về phương án huy động nguồn vốn, đối với nguồn vốn từ ngân sách, giải pháp đưa ra là tranh thủ cơ chế, chính sách của tỉnh và quy định hiện hành để đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng dân sinh, chỉnh trang đô thị gắn với lợi ích trực tiếp của Nhân dân, như đường giao thông thôn xóm, giao thông nội đồng, kiên cố hóa kênh mương, mương thoát nước thải khu dân cư, nhà văn hóa thôn, điện chiếu sáng, cơ sở vật chất trường học, thiết chế văn hóa cơ sở. Đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình, dự án được bố trí vốn, làm tốt công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để giải ngân kịp thời các nguồn vốn được giao. Khai thác các nguồn thu ngân sách địa phương, phấn đấu tăng thu ngân sách trên địa bàn huyện hằng năm để có thêm nguồn lực hoàn thành huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Cùng với đó là huy động nguồn lực đóng góp của Nhân dân. Tập trung tuyên truyền chủ trương huy động vốn xã hội hóa với phương châm dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng lợi; có Nghị quyết thông qua HĐND huyện, HĐND xã, thị trấn gắn với phong trào chung tay xây dựng nông thôn mới.

Xác định các công trình cụ thể, tính toán các hạng mục đầu tư. Trên cơ sở định mức hỗ trợ của ngân sách huyện cho các công trình cụ thể, giao các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn huy động từ cán bộ, công chức, viên chức đóng góp; giao thôn xóm bàn bạc, thống nhất lựa chọn quy mô công trình, mức huy động đóng góp, hình thức tổ chức thi công công trình. Lồng ghép các nguồn vốn từ các tổ chức từ thiện trong và ngoài tỉnh để thực hiện các nội dung tiêu chí nông thôn mới gắn với đời sống người dân như làm đường giao thông, xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, xoá nhà tạm, hỗ trợ trang thiết bị dạy và học cho các nhà trường...

Huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp. Hoàn chỉnh việc quy hoạch, công khai quy hoạch. Tổ chức các cuộc hội thảo, xúc tiến đầu tư, kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp tham gia đầu tư bằng nhiều hình thức góp vốn, liên doanh, liên kết theo quy định của pháp luật. Cung cấp các thông tin về thị trường, cấp điện, cấp nước, hướng dẫn doanh nghiệp đầu tư lựa chọn địa điểm theo đúng quy hoạch. Giúp doanh nghiệp đầu tư làm việc với các đơn vị liên quan để đấu nối các hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho dự án của nhà đầu tư (điện, nước, thông tin liên lạc, cấp thoát nước…).

Thu hút các doanh nghiệp, công ty các tổ chức kinh tế đầu tư các dự án, công trình thuộc nhiều lĩnh vực để góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương. Xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn và chỉnh trang đô thị, kinh doanh thương mại, dịch vụ trên địa bàn. Xây dựng các khu đô thị mới, các chợ, trung tâm thương mại, khu du lịch và các khu di tích văn hóa. Đầu tư xây dựng mới, sữa chữa, nâng cấp các trạm, đường dây trung, hạ áp đảm bảo nhu cầu điện cho sản xuất và dân sinh. Lắp đặt hệ thống đèn điện chiếu sáng đô thị, nông thôn theo phương thức tiết kiệm điện năng; đầu tư các cơ sở giáo dục tư thục, y tế; xây dựng hệ thống biển hiệu, pano cố định phục vụ tuyên truyền và quảng cáo../.

BH