Độ tương phản
TĂNG TRƯỞNG CÁC KHU VỰC KINH TẾ NĂM 2025
Nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng trưởng
4,3%
Công nghiệp - xây dựng tăng trưởng
11,4%
Dịch vụ tăng trưởng
9,6%
Thuế sản phẩm trừ trợ cấp
7%
Ưu tiên phát triển cây trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2025, Bắc Kạn xác định khu vực nông, lâm nghiệp tập trung đầu tư phát triển đối với các ngành hàng, lĩnh vực để tạo ra bước đột phá đảm bảo tăng trưởng, gồm phát triển dược liệu theo chuỗi giá trị; phát triển chăn nuôi lợn; chăn nuôi gia cầm thủy cầm và tăng sản lượng khai thác gỗ; khai thác lâm sản khác.
Qua phân tích, đánh giá của ngành chuyên môn, dư địa để lĩnh vực nông, lâm nghiệp tăng trưởng trong năm 2025 đạt 4,3% là hoàn toàn có khả năng. Bởi hiện nay, tỉnh đang triển khai thực hiện các dự án trồng cây lâm nghiệp hướng về phát triển dược liệu như quế, hồi với quy mô ngày càng được mở rộng, diện tích quế hồi toàn tỉnh đạt 1.243 ha; đồng thời hằng năm duy trì diện tích trên 100 ha các loại cây dược liệu, triển khai các dự án đầu tư vùng trồng dược liệu quý theo các Chương trình mục tiêu quốc gia với quy mô 225 ha, trong đó phát triển vùng nguyên liệu đạt 150 ha.
Dự kiến sản lượng khai thác gỗ và khai thác lâm sản khác trong năm 2025 cũng sẽ tăng khá, trong đó sản lượng khai thác tăng so với năm 2024 khoảng 23.000 m3 gỗ/năm. Người dân đang tiếp tục thực hiện chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang cây gỗ lớn, trồng các loại cây đa mục đích (trám đen ghép, dẻ ván ghép), trồng thâm canh các loại cây có giá trị kinh tế cao… cũng góp phần tăng năng suất, đem lại giá trị cho lĩnh vực lâm nghiệp. Việc mở rộng mạng lưới đường lâm nghiệp những năm trước cũng tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế rừng, làm giảm chi phí đầu tư sản xuất, khai thác, làm tăng giá trị kinh tế rừng trồng.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, trên địa bàn tỉnh đã và đang đầu tư 45 trang trại chăn nuôi lợn, dự kiến năm 2025 tiếp tục đầu tư phát triển; sản lượng thịt hơi dự kiến tăng năm sau cao hơn năm trước, đạt khoảng 500 tấn/năm. Chăn nuôi gia cầm, thủy cầm cũng được đánh giá có tiềm năng phát triển do có chu kỳ nuôi ngắn (60 - 90 ngày/lứa), đáp ứng số lượng và sản lượng nhanh nhất, cung cấp nhu cầu về thực phẩm của Nhân dân, bù đắp được sản lượng thịt hơi hàng năm. Ngoài ra, tỉnh đang dự kiến đầu tư 6 dự án chăn nuôi tại huyện Chợ Mới và huyện Na Rì sẽ mở rộng quy mô phát triển và tăng giá trị ngành chăn nuôi trên địa bàn.
Ổn định hoạt động sản xuất các dự án công nghiệp
Khu vực công nghiệp, nhiều dự án công nghiệp chế biến khoáng sản đang triển khai đầu tư, chạy thử sẽ hoạt động sản xuất ổn định trong năm 2025, trong đó có Dự án xây dựng nhà máy sản xuất Feromangan công suất 60.000 tấn/năm của Công ty Cổ phần Phát triển công nghiệp Bắc Kạn và Dự án xây dựng Nhà máy sản xuất Chì kim loại công suất 20.000 tấn/năm của Công ty Cổ phần Kim loại màu Bắc Kạn tại huyện Chợ Đồn đang chạy thử dây chuyền sản xuất, đã có sản phẩm. Dự án nhà máy điện phân chì, kẽm Bắc Kạn công suất 25.000 tấn kẽm/năm, 5.000 tấn chì/năm, 30.000 tấn đồng/năm của Công ty TNHH Ngọc Linh dự kiến sẽ bắt đầu hoạt động sản xuất trong năm 2025. Một số dự án khác như: Dự án sản xuất bột giấy công suất 9.733 tấn/năm của Công ty Cổ phần Thiết bị Hitech Quốc tế tại Cụm Công nghiệp Vằng Mười đã được UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư; Dự án nhà máy sản xuất, gia công giày, dép, đế giày xuất khẩu Bắc Kạn của Công ty TNHH sản xuất giày Chung Jye Bắc Kạn - Việt Nam tại Cụm Công nghiệp Huyền Tụng sẽ bắt đầu hoạt động sản xuất trong năm 2025; Công ty cũng đang đề xuất đầu tư thêm nhà máy sản xuất gia công giày, dép tại huyện Ngân Sơn và huyện Na Rì...
Cụm Công nghiệp Huyền Tụng, thành phố Bắc Kạn đang dần hình thành
Để đảm bảo hoàn thành mục tiêu tăng trưởng công nghiệp năm 2025, Bắc Kạn tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để các nhà máy chế biến sâu khoáng sản trên địa bàn tỉnh đảm bảo nguyên liệu cho hoạt động sản xuất; hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến khoáng sản thực hiện điều chỉnh, mở rộng sản xuất; hỗ trợ các dự án sản xuất vật liệu xây dựng hoạt động đủ công suất, đảm bảo tính cạnh tranh. Cùng với đó, tập trung đôn đốc tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp và các công trình công nghiệp trọng điểm; đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án hạ tầng kỹ thuật còn lại của Khu Công nghiệp Thanh Bình giai đoạn I và thực hiện dự án Khu Công nghiệp Thanh Bình giai đoạn II; đẩy nhanh tiến độ triển khai lập quy hoạch phân khu xây dựng Khu Công nghiệp Chợ Mới 1, Khu Công nghiệp Chợ Mới 2 để thu hút đầu tư; ưu tiên phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp từ nguồn xã hội hóa…
Về xây dựng, tổng vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh năm 2025 ước đạt trên 5.700 tỷ đồng, tăng gần 3.400 tỷ đồng, tương ứng với tăng gấp 2,5 lần so với năm 2024. Một số dự án đầu tư hạ tầng quan trọng, liên vùng triển khai, hoàn thành cũng sẽ góp phần thu hút nguồn vốn ngoài ngân sách đầu tư vào tỉnh. Trong năm 2025, dự kiến có khoảng 11 dự án đầu tư ngoài ngân sách hoàn thành và đi vào hoạt động với tổng vốn đầu tư khoảng 2.224 tỷ đồng, góp phần tăng thêm vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
Kích cầu du lịch, thương mại
Để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng của ngành dịch vụ, Bắc Kạn xác định tăng cường tổ chức các sự kiện, lễ hội văn hóa, thể thao nổi bật, như: Đăng cai tổ chức Giải vô địch Bắn nỏ quốc gia; Giải vô địch Taekwondo các câu lạc bộ quốc gia; Giải chạy “Sắc thu hồ Ba Bể” tỉnh Bắc Kạn năm 2025; Tuần Văn hóa - Du lịch Bắc Kạn năm 2025 gắn với kỷ niệm 125 năm Ngày thành lập tỉnh Bắc Kạn (11/4/1900 - 11/4/2025)…, qua đó kích cầu du lịch, thương mại của tỉnh phát triển.
Cùng với đó, tổ chức đoàn công tác tham gia xúc tiến, quảng bá du lịch Bắc Kạn tại Châu Âu; thực hiện tốt Đề án phát triển Khu du lịch Ba Bể thành khu du lịch Quốc gia giai đoạn 2022 - 2030, định hướng đến năm 2050; xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ phát triển du lịch; nghiên cứu xây dựng các sản phẩm du lịch để thu hút khách du lịch đến với Bắc Kạn.
Nghiên cứu phát triển đa dạng hóa thị trường, tranh thủ cơ hội xuất khẩu, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa của tỉnh; thực hiện tốt các giải pháp thúc đẩy phát triển thị trường trong nước, đẩy mạnh đưa các sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử.
Tăng cường các giải pháp thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về đất đai, công tác giải phóng mặt bằng, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án phát triển khu đân cư, khu đô thị, cho thuê hạ tầng khu, cụm công nghiệp.
Để đảm bảo tăng trưởng đúng kế hoạch, UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị liên quan xây dựng kịch bản tăng trưởng từng quý ngay từ đầu năm, thống nhất cách làm, làm cơ sở để các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện. Cùng với đó, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân; đẩy mạnh thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công; tăng cường chỉ đạo thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; quyết liệt thực hiện các giải pháp thu ngân sách nhà nước.
Yêu cầu các đơn vị, địa phương lãnh đạo, chỉ đạo điều hành quyết liệt, cụ thể, phân công rõ việc, rõ trách nhiệm. Đề cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu, trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh về kết quả thực hiện các nhiệm vụ thuộc ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách. Tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các công trình giao thông trọng điểm, sớm hoàn thành các dự án đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025, làm cơ sở để đề xuất các dự án trong giai đoạn 2026 - 2030…/.
Thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế năm 2025 (02/01/2025)
Nỗ lực bứt phá trong năm 2025 (26/12/2024)
Sản xuất nông nghiệp “sạch” - Bắt đầu từ thay đổi tư duy sản xuất (23/12/2024)
Ngoại giao kinh tế tạo đà bứt phá cho tăng trưởng (21/12/2024)
Dự án hỗ trợ kinh doanh cho nông hộ góp phần giảm nghèo bền vững (20/12/2024)