PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

22/08/2024
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Bắc Kạn: Hướng đến chế biến sâu, tăng giá trị nông sản
Những năm trở lại đây, Bắc Kạn đã tích cực triển khai nhiều giải pháp nhằm thu hút tổ chức, doanh nghiệp đầu tư vào chế biến nông sản, nâng cao giá trị cho sản phẩm của địa phương, đem lại lợi ích nhiều mặt.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData


Quy trình đóng gói sản phẩm Curcumin của Công ty Cổ phần Công nghệ dược liệu Bắc Hà, thành phố Bắc Kạn

Phát triển số lượng và chất lượng

Lĩnh vực công nghiệp chế biến tỉnh Bắc Kạn đang có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng. Quy mô sản xuất mở rộng, từng bước áp dụng công nghệ chế biến mới, tiên tiến, hiện đại, nhất là đối với các dự án đầu tư mới đã kiểm soát chặt chẽ việc lựa chọn công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại, công nghệ xử lý môi trường đạt tiêu chuẩn. Lực lượng lao động công nghiệp ngày càng được nâng cao về số lượng, trình độ kỹ thuật, tay nghề chuyên môn, ý thức tổ chức kỷ luật lao động.

Công ty TNHH Việt Nam MISAKI tại Khu Công nghiệp Thanh Bình sau gần 8 năm đi vào hoạt động đến nay đã liên kết với các công ty, hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn các tỉnh phát triển trên 100 ha dưa chuột, gừng, củ kiệu, củ cải, rau cải… đáp ứng nguyên liệu cho chế biến. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2024, tổng sản lượng các loại nông sản Công ty đã thu mua chế biến đạt trên 1.400 tấn.

Ông Hoàng Văn Khởi - Trưởng Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bắc Kạn cho biết, cùng với doanh nghiệp chế biến rau củ quả, hiện trong Khu Công nghiệp Thanh Bình còn có 5 nhà máy chế biến gỗ đang hoạt động, sản phẩm chủ yếu là ván gỗ dán, ván sàn và các sản phẩm gia dụng dùng một lần chế biến từ gỗ. Hầu hết những sản phẩm này được xuất khẩu sang các thị trường như Mỹ, Hàn Quốc, Malaysia, Nhật Bản… Trong 6 tháng đầu năm 2024, dù thị trường xuất khẩu sản phẩm từ gỗ gặp khó khăn nhưng lĩnh vực này vẫn đóng góp lớn về nguồn thu ngân sách cho địa phương.

Bắc Kạn là địa phương có dư địa lớn về trồng và chế biến sản phẩm nông sản, ngoài các dự án trong Khu Công nghiệp Thanh Bình, hiện có nhiều nhà máy chế biến trên địa bàn tỉnh đang hoạt động hiệu quả. Điển hình như Công ty Cổ phần Curcumin Bắc Hà là một trong những đơn vị đi đầu tại Việt Nam cho ra đời sản phẩm tinh nghệ dạng bột và dạng dung dịch hòa tan hoàn toàn trong nước, độ tinh khiết 95 - 98%. Bà Nguyễn Thị Lê, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ dược liệu Bắc Hà cho biết, nhà máy sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe của Công ty đã được đầu tư dây chuyền công nghệ sản xuất Nano Curcumin từ củ nghệ, từ đó tạo ra những sản phẩm có giá trị, xây dựng uy tín, thương hiệu cho cây nghệ của tỉnh Bắc Kạn. Đến nay, các sản phẩm của Công ty đã phủ khắp 63 tỉnh thành trên cả nước, với bộ 3 sản phẩm chủ lực là Vi-Cumax mật ong Nano Curcumin, Vi-Cumax Nano Curcumin, Vi-Cumax Limited Nano Curcumin, tạo được chỗ đứng vững chắc trên thị trường, ngày càng khẳng định vị thế của sản phẩm chất lượng hàng đầu Việt Nam.

Không chỉ có các nhà máy lớn đầu tư nâng cao công nghệ sản xuất, nhiều hợp tác xã trên địa bàn tỉnh cũng mạnh dạn đầu tư thiết bị, máy móc hiện đại công suất lớn vào sản xuất để tạo ra những sản phẩm chất lượng, đa dạng về chủng loại nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về an toàn thực phẩm, mẫu mã và giá thành sản phẩm của người tiêu dùng. Tiêu biểu như Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Thành có các sản phẩm tinh bột nghệ, viên nghệ, nghệ thái lát được cấp chứng nhận sản phẩm Ocop 3 sao; miến dong của Hợp tác xã Tài Hoan được công nhận là sản phẩm Ocop 5 sao, sản phẩm cũng đã được xuất khẩu sang thị trường Châu Âu và được bạn bè quốc tế đón nhận, đánh giá cao về chất lượng.

Thu hút thêm nhà đầu tư tiềm năng

Với mục tiêu đưa Bắc Kạn trở thành một trong những trung tâm chế biến sâu nông, lâm sản, dược phẩm, dược liệu, gỗ và các sản phẩm khác của vùng, Bắc Kạn đã lựa chọn một số sản phẩm chế biến chủ lực của tỉnh gắn với phát triển cùng nguyên liệu. Theo đó, tỉnh đang kêu gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư đầu tư một số dự án: Nhà máy sản xuất ván dán với dây chuyền khép kín từ khâu bóc, sấy, dán và ép thành ván phục vụ cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước công suất khoảng từ 20.000 m3/năm trở lên tại các huyện Ba Bể, Na Rì, Chợ Đồn; Nhà máy sản xuất gỗ, đồ gỗ phục vụ trong nước và xuất khẩu công suất 5.000 m3/năm - 10.000 m3/năm; các Nhà máy sản xuất chế biến các sản phẩm từ gỗ, tre, nứa như đồ mộc gia dụng, đồ mộc xuất khẩu, nguyên liệu bột giấy, nguyên liệu sản xuất ván ép, tre,gỗ công nghiệp tại huyện Chợ Mới và các huyện có vùng nguyên liệu; Nhà máy chế biến rau quả, nước giải khát tại thành phố Bắc Kạn có công suất khoảng 5 triệu lít/năm sử dụng nguyên liệu địa phương như cam, quýt, mơ...; Nhà máy chế biến chè phục vụ trong nước và xuất khẩu công suất 1.000 - 6.000 tấn/năm tại huyện Chợ Mới; các cơ sở chế biến thịt gia súc, gia cầm, các loại thức ăn chín như giò, chả, thịt hun khói, lạp xưởng, các cơ sở chế biến lương thực, thực phẩm, phở, mỳ, bún, bánh...

Đồng thời duy trì hoạt động ổn định và tập trung chỉ đạo phát triển vùng nguyên liệu cung cấp cho các nhà máy sản xuất, chế biến gỗ hiện có tại Khu Công nghiệp Thanh Bình, đảm bảo vận hành đủ công suất thiết kế 215.000 m3 ván dán/năm với nhu cầu nguyên liệu khoảng 360.000 m3 gỗ tròn/năm và 170 triệu sản phẩm thìa, dao, dĩa gỗ/năm. Cùng với đó khuyến khích chuyển đổi mô hình hộ cá thể chế biến gỗ, lâm sản sang mô hình hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất, chế biến gỗ và lâm sản.

Trên cơ sở vùng nguyên liệu và các cơ sở chế biến miến dong hiện có cùng với phát triển vùng nguyên liệu trồng cây dong riềng, cây chè và chế biến sản phẩm, Bắc Kạn đang hướng đến phát triển các cụm sản xuất miến tập trung: Cụm sản xuất miến tại xã Côn Minh, huyện Na Rì công suất từ 1.500 - 2.500 tấn miến/năm; cụm sản xuất miến tại huyện Ba Bể, công suất trên 1.000 tấn miến/năm và cụm sản xuất miến tại thành phố Bắc Kạn, công suất 1.000 tấn miến/năm; khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nghiên cứu, phát triển các sản phẩm miến dong ăn liền, bún, phở ăn liền và các sản phẩm gia vị miến dong…; tăng cường công tác liên kết chuỗi sản xuất từ khâu trồng, chế biến tinh bột và chế biến thành sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn, sản lượng để đưa vào các trung tâm thương mại, siêu thị lớn và hướng tới xuất khẩu.


Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đinh Quang Tuyên thăm tình hình sản xuất, chế biến gỗ
tại Công ty TNHH Nam Á, Khu Công nghiệp Thanh Bình

Để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ các cơ sở chế biến nông lâm sản hoàn thiện các thủ tục về đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường..., lãnh đạo tỉnh, huyện, thành phố và ngành chức năng của tỉnh thường xuyên thăm nắm tình hình hoạt động của các cơ sở chế biến. Với nhiệm vụ được giao, các Sở Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Khoa học và Công nghệ đang tiếp tục hoàn thiện hệ thống các kênh tiêu thụ sản phẩm nông sản kết nối chặt chẽ theo chuỗi giá trị; nghiên cứu tham mưu sửa đổi, bổ sung, ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích các hợp tác xã, hộ dân đầu tư phát triển các kho bảo quản, kho lạnh, cơ sở chế biến có quy mô vừa và nhỏ, giảm sức ép việc tiêu thụ sản phẩm quả tươi; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp được tham gia đề xuất đặt hàng, chủ trì các nhiệm vụ khoa học công nghệ của tỉnh, nhất là phát triển sản xuất, chế biến nông sản; rà soát, tư vấn, hướng dẫn các cơ sở công nghiệp trên địa bàn tỉnh có nhu cầu chế biến nông sản đăng ký hỗ trợ theo chính sách khuyến công năm 2025.../.

Thu Cúc