Độ tương phản
Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời các nội dung kiến nghị sau:
1. Theo Nghị định số 36/2020/NĐ-CP ngày 24/3/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản tại khoản 4 Điều 46 quy định: “Đối với hành vi không nộp tiền trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo thông báo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, ngoài việc bị xử lý vi phạm theo quy định của Luật Quản lý thuế, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép khai thác khoáng sản từ 04 tháng đến 06 tháng, trường hợp chưa được cấp giấy phép khai thác khoáng sản thì cơ quan có thẩm quyền hủy kết quả trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản”. Tuy nhiên, nội dung này đã được bãi bỏ tại khoản 21 Điều 2 Nghị định số 04/2022/NĐ-CP ngày 6/1/2022 của Chính phủ nên cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương đang gặp khó khăn trong trường hợp các đơn vị trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản chậm nộp tiền trúng đấu giá theo thông báo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đề nghị bổ sung quy định xử phạt đối trường hợp các đơn vị trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản chậm nộp tiền trúng đấu giá theo thông báo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Trả lời:
Những vướng mắc, bất cập này đã được Cục Khoáng sản Việt Nam tổng hợp và đề xuất sửa đổi, bổ sung tại dự thảo Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực địa chất và khoáng sản.
2. Quy định hiện hành về phương thức thu, nộp giữa trường hợp cấp phép không thông qua đấu giá và thông qua đấu giá là khác nhau, dẫn đến không công bằng cho các doanh nghiệp (không thông qua đấu giá thì tiền cấp quyền từ 500 triệu đồng trở lên được nộp nhiều lần (tại khoản 1 Điều 9 Nghị định số 67/2019/NĐ-CP ngày 31/7/2019 của Chính phủ quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản); thông qua đấu giá thì số tiền trúng đấu giá hơn 50 tỷ đồng mới được nộp nhiều lần, lần đầu nộp tối thiểu 50 tỷ đồng (tại khoản 2 Điều 7 Thông tư liên tịch số 54/2014/TTLT-BTNMT-BTC ngày 9/9/2014). Ngoài ra, hiện nay chưa có văn bản quy định việc xác định tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với khoáng sản đi kèm trong đấu giá quyền khai thác khoáng sản nên khó khăn cho địa phương khi thực hiện. Đề nghị thống nhất một phương pháp thu giữa trường hợp cấp phép không thông qua đấu giá và thông qua đấu giá để tạo công bằng cho các doanh nghiệp. Ban hành quy định việc xác định tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với khoáng sản đi kèm trong đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
Ngày 11/1/2025, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 10/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định trong lĩnh vực khoáng sản, có hiệu lực từ ngày 1/3/2025. Theo đó, đã xử lý các tồn tại mà cử tri nêu, cụ thể như sau:
Về thống nhất một phương pháp thu giữa trường hợp cấp phép không thông qua đấu giá và thông qua đấu giá, tại khoản 16 Điều 2 đã sửa đổi, bổ sung Điều 24 của Nghị định số 22/2012/NĐ-CP ngày 26/3/2012 của Chính phủ như sau: “1. Căn cứ mức thu tiền trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp phép hoạt động khoáng sản phê duyệt kết quả trúng đấu giá, phương pháp tính, phương thức thu, nộp tiền trúng đấu giá được thực hiện như phương pháp tính, phương thức thu, nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với khu vực được phép khai thác khoáng sản thông qua hình thức không đấu giá quyền khai thác khoáng sản và quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều này”.
Về ban hành quy định việc xác định tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với khoáng sản đi kèm trong đấu giá quyền khai thác khoáng sản, tại khoản 16 Điều 2 đã sửa đổi, bổ sung Điều 24 của Nghị định số 22/2012/NĐ-CP ngày 26/3/2012 của Chính phủ như sau: “4. Trường hợp kết quả thăm dò khoáng sản phát hiện có loại khoáng sản khác ngoài khoáng sản đã trúng đấu giá và được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt trữ lượng khoáng sản, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với khoáng sản này được xác định bằng mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
3. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, nhiều công trình trong quá trình thi công phát sinh khối lượng đất dư thừa rất lớn, gặp khó khăn trong việc tìm vị trí đổ thải, nhất là các công trình giao thông, xử lý sự cố sạt lở. Trong khi đó, một số công trình khác trong khu vực lại có nhu cầu đất san lấp. Việc tận dụng đất dư thừa, đất thải từ công trình này để phục vụ cho công trình khác sẽ tránh lãng phí nguồn tài nguyên và tăng thu ngân sách nhà nước (như tiền cấp quyền khai thác khoáng sản), giảm tải cho các bãi đổ thải, giúp đẩy nhanh tiến độ trong việc xử lý các sự cố cấp bách liên quan đến thiên tai. Tuy nhiên, hiện nay chưa có văn bản pháp luật quy định cụ thể về việc sử dụng đất dư thừa, đất thải của dự án này để cung cấp cho dự án khác. Đề nghị quy định cụ thể về việc sử dụng đất đá dư thừa, đất đá thải của dự án này để cung cấp cho dự án khác trên địa bàn nhằm sử dụng tối đa khoáng sản có ích, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Nội dung này đã được quy định tại điểm b khoản 4 Điều 75 Luật Địa chất và Khoáng sản năm 2024./.
Bộ Tài chính trả lời kiến nghị về xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật (21/02/2025)
Bộ Xây dựng trả lời kiến nghị về công bố tài liệu kỹ thuật hướng dẫn giải pháp cấp thiết tăng cường điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với nhà ở (21/02/2025)
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời kiến nghị bổ sung tiêu chí bình xét hộ nghèo (11/02/2025)
Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời kiến nghị sửa đổi về chính sách hỗ trợ học sinh ở xã, thôn đặc biệt khó khăn (11/02/2025)
Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời kiến nghị liên quan đến chính sách miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh (10/02/2025)