Độ tương phản
Những ngày thu tháng 10, chúng tôi có dịp đến thăm mô hình trồng cây dong riềng của chàng thanh niên trẻ - anh Bàn Phú Quý. Chiếc xe máy chở chúng tôi vượt qua con đường đất ngoằn ngoèo, khúc khuỷu với nhiều đoạn dốc cao, trơn trượt. Có lúc thấy nản lòng vì “tiến không được, lùi chẳng xong”, đành để lại chiếc xe bên bờ suối, chúng tôi đi bộ lên gần đỉnh núi, nơi người dân thôn Nà Pán đang vào mùa thu hoạch dong riềng.
Nằm sâu hun hút trong rừng, những đồi dong riềng hiện ra mênh mông đang cho thu về những chùm củ tốt tươi, mập mạp. Kể về cơ duyên đến với cây dong riềng, anh Quý cho hay, vùng đất này rộng nhưng bất lợi là cách xa trung tâm, địa hình đồi núi dốc cao, chưa có điện, đường, muốn trồng trọt hay chăn nuôi chẳng hề dễ dàng.
Khó khăn là vậy song không làm nhụt chí người thanh niên trẻ ấy. Anh Quý bồi hồi nhớ lại, hơn 10 năm trước, sau khi đã thử nghiệm một số cây trồng song không phù hợp, năng suất không cao, anh có ý định chuyển đổi sang cây trồng khác. Sau khi đi học hỏi kinh nghiệm trồng và sản xuất dong riềng từ người thân ở xã Phúc Lộc, huyện Ba Bể và có được những kiến thức cơ bản, anh đi xe máy lên huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng mua được 1 tạ củ dong riềng về trồng thử. Lúc đầu, anh trồng giống dong cao sản, sau đó chuyển sang trồng dong đỏ, bởi theo anh, giống dong này cần nhiều công chăm sóc song sản lượng, chất lượng bột cao hơn. “May thay, do hợp với đất đai, khí hậu nơi đây, cây dong riềng sinh trưởng và phát triển tốt, mỗi cây đến khi thu hoạch được hơn 10 kg củ. Cây trồng này ít có sâu bệnh, không mất nhiều công chăm sóc, hơn nữa giá trị kinh tế lại cao hơn khá nhiều so với trồng lúa, trồng ngô. Mình vui lắm!”. Anh Quý hồ hởi nói.
Từ 1 tạ củ ban đầu, anh tự nhân giống và dần mở rộng diện tích trên những ngọn núi cao. Vậy nhưng con đường khởi nghiệp của chàng thanh niên ấy lại không được suôn sẻ. Anh ngậm ngùi: “Đến mùa thu hoạch, thương lái đến tận nơi thu mua củ dong nhưng do đường xá xa xôi, đi lại khó khăn, giá bán chỉ được 1.200 - 2.000 đồng/kg củ. Việc tiêu thụ hoàn toàn phụ thuộc vào thương lái cũng dễ gặp rủi ro, có những năm tôi làm mà không có lãi, không ít lần muốn bỏ cuộc”.
Dường như những khó khăn lại càng thêm chồng chất, năm 2016, anh xây dựng gia đình và ra ở riêng, gia đình thuộc hộ nghèo, hai vợ chồng anh phải bươn chải kiếm sống. Ước mơ khởi nghiệp của chàng trai trẻ vẫn chưa khi nào dừng lại, ngày đêm thôi thúc anh phải quyết tâm vươn lên thoát nghèo. Anh nảy ra ý định đầu tư chế biến tinh bột ngay trên quê hương mình để vừa đỡ công vận chuyển, lại chủ động được đầu ra cho sản phẩm. Sau nhiều năm suy nghĩ, nghiên cứu, tìm tòi, năm 2018, anh quyết định bán nốt ít tài sản được bố mẹ chia cho kết hợp vay vốn từ ngân hàng và người thân để mua máy nghiền củ dong trị giá hơn 100 triệu đồng. Một mình anh, kinh nghiệm chưa có, đường xá chưa quen song đã mạnh dạn, vừa đi vừa tìm hiểu, cuối cùng cũng mua được chiếc máy nghiền bột đưa về đến thôn Nà Pán. Để vận chuyển chiếc máy lên trên đồi dong là cả một quá trình gian nan không thể kể hết, anh được Nhân dân cả thôn hỗ trợ, nhờ đó, cuối cùng chiếc máy được đưa lên lắp đặt an toàn.
Khó khăn dần được tháo gỡ, từ đây, củ dong riềng của gia đình anh Quý không còn hoàn toàn phụ thuộc vào thương lái mà sẽ được nghiền thành bột để bán với giá khoảng 27.000 đồng/kg bột tươi. Thị trường tiêu thụ là các hợp tác xã sản xuất, chế biến miến trong và ngoài tỉnh, chất lượng bột được các cơ sở đánh giá tốt, cho ra được những sản phẩm miến ngon, đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Nà Pán là thôn còn nhiều khó khăn của xã Trung Hòa, trước đây, người dân chủ yếu trồng cây thuốc lá, ngô, lúa, nguồn thu nhập còn thấp. Hiểu rõ điều đó, anh Quý đã tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi từ những cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây dong riềng, anh còn đứng ra bao tiêu giống, phân bón và đầu ra cho sản phẩm. Được người dân đồng thuận, hưởng ứng, diện tích trồng dong riềng của thôn Nà Pán nay đã được mở rộng lên 14 ha.
Để đáp ứng nhu cầu của thị trường và tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương, năm 2022, Hợp tác xã tinh bột Phú Quý được thành lập với 7 thành viên do anh Bàn Phú Quý làm Giám đốc. Đến nay, Hợp tác xã đã phát triển lên 17 thành viên, ngành nghề chính là trồng cây dong riềng và chế biến tinh bột để bán ra thị trường. Mỗi năm, cây dong riềng cho thu 1 vụ củ, đạt khoảng hơn 60 tấn bột tươi. Từ trồng và chế biến tinh bột, sau khi trừ hết chi phí, riêng năm 2023, Hợp tác xã thu về khoảng 400 triệu đồng.
Thời điểm này, các hộ dân thôn Nà Pán đang tập trung thu hoạch dong riềng. Vừa nhanh tay đào củ dong, chị Lý Thị Dung ở thôn Nà Pán vừa tiếp chuyện chúng tôi: “Từ ngày tham gia Hợp tác xã, chị không phải đi làm thuê nữa, vì nay nhà đã trồng được nghìn mét vuông cây dong riềng, đảm bảo đáp ứng cho cuộc sống hằng ngày. So với các cây trồng khác thì cây dong riềng có hiệu quả, năng suất cao mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho bà con nông dân”.
Cũng là thành viên Hợp tác xã, chị Lý Thị Bích cho biết, gia đình chị đang trồng được 1 tấn giống củ dong riềng. Ngoài thời gian trồng và thu hoạch, chị có thể hỗ trợ gia đình làm thêm nhiều công việc khác.
Phó Chủ tịch UBND xã Trung Hòa Nông Đức Thiện nhận định, gặp nhiều khó khăn về địa hình cũng như việc vận chuyển, sơ chế, cơ sở hạ tầng, nhà xưởng chưa có song từ khi thành lập, Hợp tác xã tinh bột Phú Quý đã có bước phát triển đáng kể, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần giảm nghèo, tạo sự phát triển bền vững cho người dân địa phương.
Từ thành công ban đầu, để mở rộng phát triển sản xuất, anh Bàn Phú Quý - Giám đốc Hợp tác xã mong muốn được các cấp, các ngành đầu tư mở con đường và hỗ trợ vốn mua máy móc, phát triển thành mô hình khép kín từ trồng, sản xuất, chế biến và tiêu thụ… Anh cũng dự định mở rộng diện tích trồng cây dong riềng sang những vùng lân cận.
Việc đưa cây dong riềng về với bản làng không chỉ mang lại công ăn việc làm, nguồn thu nhập ổn định cho người dân thôn Nà Pán mà còn mở ra những triển vọng, hứa hẹn về một mô hình kinh tế phát triển bền vững tại địa phương./.
Thầy giáo Nguyễn Thành Nam - người ươm mầm tài năng thể thao trong trường học (10/12/2024)
Bí thư chi bộ tận tâm ở Bản Luông (31/10/2024)
Người Bí thư chi bộ gương mẫu, tận tâm, trách nhiệm ở vùng cao Xuân Lạc (17/10/2024)
Người bí thư chi bộ gương mẫu, trách nhiệm nơi bản Mông, Dao Nặm Khiếu (07/10/2024)
Chi bộ thôn Nà Phầy học tập và làm theo Bác (09/08/2024)