PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

31/05/2023
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Chợ bò xã Nghiên Loan cần tiếp tục được đầu tư, nâng cấp
Chợ bò xã Nghiên Loan hiện nay là chợ đầu mối, điểm trung chuyển trâu, bò lớn nhất của tỉnh Bắc Kạn nói riêng và khu vực phía Bắc nói chung. Qua thời gian hoạt động, đến nay, chợ bò Nghiên Loan luôn trong tình trạng quá tải, cần tiếp tục được đầu tư, nâng cấp.

 PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Đường mới vào chợ bò Nghiên Loan được đầu tư năm 2021 

Chợ bò xã Nghiên Loan được hình thành từ năm 1998 do tự phát từ nhu cầu mua bán trâu, bò của người dân địa phương với các thương lái đến từ các tỉnh Cao Bằng, Tuyên Quang, Hà Giang và các tỉnh miền xuôi như Thái Nguyên, Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Giang, Hải Dương...

Những năm qua, để đáp ứng nhu cầu hoạt động, chợ bò xã Nghiên Loan đã được quan tâm đầu tư một số hạng mục. Năm 2007, chợ được đầu tư xây dựng các hạng mục đình chợ, đường vào; năm 2014 tiếp tục được đầu tư mở rộng (san nền khu vực dành riêng cho trâu, bò) để phục vụ các hoạt động giao thương hàng hóa. Năm 2021, UBND huyện Pác Nặm đã lập dự án đầu tư nâng cấp mở rộng chợ bò xã Nghiên Loan với quy mô: Thực hiện lập tổng mặt bằng cho dự án, thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, thiết kế mở mới đường và nâng cấp mở rộng đường vào; với kinh phí hơn 3 tỷ đồng, huyện đã thực hiện đầu tư nền, mặt đường bằng bê tông xi măng.

Khu tập kết các phương tiện giao thông không đảm bảo đáp ứng nhu cầu, ảnh hưởng
đến hoạt động trao đổi, mua bán tại chợ

Hiện nay, chợ bò Nghiên Loan gồm 3 hạng mục chính: Khu đình chợ phục vụ bán các mặt hàng tạp hóa và dịch vụ ăn uống; khu tập kết trao đổi mua bán trâu, bò và khu tập kết các phương tiện giao thông. Theo số liệu của Tổ quản lý chợ xã, trong 2 tháng trở lại đây, số lượng trâu, bò được mang đến giao dịch tại chợ xã Nghiên Loan trung bình khoảng 1.300 đến 1.500 con/phiên, cao điểm 2.000 đến 2.500 con/phiên; lượng xe vào chợ khoảng 200 - 250 xe/ phiên, cao điểm 300 xe/phiên. Các phương tiện vận tải, hạ tầng kỹ thuật, giao thông, sân bãi tập kết,... tại khu vực chợ không đảm bảo đáp ứng nhu cầu, ảnh hưởng đến công tác quản lý chợ, không đảm bảo an toàn hoạt động trao đổi, mua bán tại chợ.

Tuy nhiên, việc thực hiện kêu gọi thu hút đầu tư (xã hội hóa) vào chợ bò xã Nghiên Loan còn khó khăn, chưa có nhà đầu tư quan tâm khảo sát, nghiên cứu đầu tư; nguồn ngân sách huyện khó khăn, không đảm bảo bố trí đủ nguồn kinh phí để thực hiện. Để giải quyết tình trạng quá tải và tổ chức sắp xếp lại chợ cho phù hợp, khoa học, phát huy tối đa công năng của chợ, UBND huyện Pác Nặm đề nghị UBND tỉnh xem xét hỗ trợ kinh phí và cho ý kiến chỉ đạo về sử dụng nguồn ngân sách thực hiện nâng cấp, cải tạo, mở rộng các hạng mục theo phương án: Thực hiện cải tạo lại khu đình chợ hiện nay đã xuống cấp và mở rộng thêm mặt bằng để trở thành khu tập kết trao đổi mua bán trâu, bò; chuyển các hộ kinh doanh hàng tạp hóa, dịch vụ ăn uống tại đình chợ ra khu tập kết, trung chuyển trâu, bò (khu sân chợ đêm hiện nay); xem xét xây dựng kè để mở rộng diện tích khu để xe nhằm đảm bảo sân bãi tập kết ô tô và các phương tiện giao thông tại chợ...

Theo báo cáo của UBND huyện Pác Nặm, chợ bò xã Nghiên Loan hằng năm giải quyết việc làm cho trên 800 hộ gia đình tại xã Nghiên Loan và trên 50% các hộ gia đình vùng lân cận của huyện Pác Nặm. Hoạt động giao thương mua bán trâu, bò đã tạo điều kiện thuận lợi giao thương cho hơn 60% các hộ chăn nuôi trâu, bò trên địa bàn huyện Pác Nặm, tạo thành chợ đầu mối, điểm trung chuyển trâu, bò lớn của tỉnh Bắc Kạn nói riêng và khu vực phía Bắc nói chung.

Do đó, nếu chợ bò Nghiên Loan được tiếp tục đầu tư, nâng cấp theo đề nghị của UBND huyện Pác Nặm sẽ giải quyết được tình trạng quá tải, đảm bảo công tác vệ sinh môi trường, kiểm soát dịch bệnh, an toàn giao thông, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.

Hương Dịu