Độ tương phản
Gia đình bà Hà Thị Nay ở xã Mai Lạp, huyện Chợ Mới có 1.200 m2 lúa và hoa màu bị thiệt hại do bão số 3. Bà Nay cho biết, mặc dù bị mất khá nhiều song bà vẫn mong thu được chút lúa ít ỏi còn sót lại để chăn nuôi, đỡ được ít tiền mua giống và phân bón, bà cũng bắt đầu trồng rau vụ Đông để phục vụ cho nhu cầu của gia đình.
Theo thống kê, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 gây mưa lớn, lũ lụt gây thiệt hại nặng đối với diện tích rau và hoa màu trên địa bàn huyện Chợ Mới; hơn 150 ha tại các xã Thanh Thịnh, Nông Hạ, Quảng Chu và thị trấn Đồng Tâm bị ngập úng, dập nát, hư hỏng.
Để ổn định sản xuất, ngay sau mưa bão, huyện Chợ Mới đã chỉ đạo các địa phương nhanh chóng hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả và khôi phục sản xuất. Các ngành chuyên môn của huyện đang khẩn trương tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động làm đất, gieo cấy cho kịp khung thời vụ. Trong điều kiện thời tiết thuận lợi, người dân cần khẩn trương làm đất, cày ải, chuẩn bị đầy đủ vật tư, phân bón, giống và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật đã được cơ quan chuyên môn hướng dẫn. Để tăng năng suất, chất lượng, người dân cần quan tâm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mở rộng diện tích cây trồng vụ đông như khoai tây, khoai lang, rau các loại…
Người dân cũng cần lưu ý các biện pháp phòng tránh rét đậm, rét hại cho cây trồng vụ đông; không gieo trồng trong những ngày rét đậm rét hại, cần chăm sóc, bón phân đầy đủ, chủ động che chắn, phủ luống để tăng khả năng giữ ẩm, giữ ấm cho cây. Đối với mạ xuân, trước khi gieo cần phải chọn nơi có đủ nguồn nước tưới, tiện cho chăm sóc và bảo vệ; cần chú ý che chắn đầy đủ cho mạ và không cấy lúa khi rét đậm rét hại. Với các loại cây ăn quả, cần cắt tỉa tạo tán, bón phân, giữ ẩm cho cây, tạo điều kiện cho cây sinh trưởng, phát triển sớm ngay khi thời tiết ấm.
Các hộ chăn nuôi gia cố chuồng trại để đảm bảo phòng chống rét cho đàn vật nuôi, giữ cho chuồng trại sạch sẽ, có thể sử dụng bóng điện công suất lớn hoặc dùng trấu, mùn cưa, than củi để đốt sưởi cho gia súc. Trong những ngày giá rét, người dân nên chăn thả muộn và cho gia súc về sớm, không chăn thả và cho trâu, bò làm việc khi thời tiết rét đậm, rét hại.
Những năm gần đây, biến đổi khí hậu đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc giải quyết nguồn thức ăn cho đàn gia súc, đặc biệt vào mùa đông, vì vậy, ngành chuyên môn của huyện cũng hướng dẫn người chăn nuôi cần chủ động thu gom phụ phẩm nông nghiệp như rơm, rạ, lá mía, dây khoai lang… để làm nguồn thức ăn dự trữ cho vật nuôi vào những ngày lạnh.
Cùng với những biện pháp trên, người dân cần chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, áp dụng quy trình chăn nuôi đảm bảo an toàn dịch bệnh, tiêm phòng định kỳ và đầy đủ các loại vắc xin cần thiết cho từng loại vật nuôi, thường xuyên vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại, theo dõi thường xuyên tình trạng sức khỏe của vật nuôi, khi phát hiện bệnh trên vật nuôi cần báo ngay cho cơ quan thú y và chính quyền địa phương để có biện pháp xử lý kịp thời./.
Lễ hội văn hóa truyền thống “Chợ tình Xuân Dương” được tổ chức từ 21 - 23/4/2025 (01/11/2024)
Chợ Mới phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực theo chuỗi (31/10/2024)
Thành phố Bắc Kạn chú trọng công tác phòng cháy, chữa cháy (29/10/2024)
Huyện Bạch Thông thực hiện tốt chính sách dân tộc (25/10/2024)
Mô hình nuôi dúi mang lại hiệu quả kinh tế ở Chợ Đồn (21/10/2024)