Độ tương phản
Ngành Y tế luôn quan tâm đẩy mạnh công tác truyền thông phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm (Ảnh: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tổ chức diễu hành hưởng ứng Tháng hành động Quốc gia phòng chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng chống AIDS năm 2024)
Năm 2024, địa bàn tỉnh ghi nhận 15 ổ dịch bệnh truyền nhiễm với 94 ca thủy đậu, 15 ca tay - chân - miệng, 2 ca viêm não mô cầu, 215 ca cúm; ngoài ra, còn có 15 ca nghi mắc sởi/rubella, 6 ca sốt xuất huyết, 14 ca quai bị và một số ca bệnh truyền nhiễm rải rác. Các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như cúm A/H5N1, cúm A/H7N9, MERS-CoV, vi rút Zika, đậu mùa khỉ… chưa xuất hiện trên địa bàn
Trước tình hình trên, ngành Y tế đã tích cực triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh; tiếp tục kiểm soát, giám sát và xử lý kịp thời các dịch bệnh, đồng thời duy trì thành quả thanh toán bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh và thực hiện tốt chương trình tiêm chủng mở rộng. Công tác tiêm phòng bệnh dại được triển khai hiệu quả với 3.517 người được tiêm vắc xin, trong đó người nghèo được tiêm miễn phí, không ghi nhận ca tử vong.
Dự báo năm 2025, các bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, tay - chân - miệng, sởi, dại và một số bệnh có vắc xin dự phòng vẫn có thể tiếp tục xuất hiện và lây lan trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, nguy cơ xuất hiện các bệnh truyền nhiễm mới và bệnh lây từ động vật sang người vẫn hiện hữu.
Bên cạnh yếu tố dịch tễ, biến đổi khí hậu, đô thị hóa, vệ sinh cá nhân và an toàn thực phẩm chưa đảm bảo cũng là nguyên nhân làm gia tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh. Nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, chưa chủ động phòng bệnh, đặc biệt là với bệnh dại.
Trước những thách thức đặt ra, thời gian tới, ngành Y tế tập trung giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm ca bệnh để kịp thời cách ly, điều trị, đồng thời điều tra dịch tễ, phân tích xu hướng lây lan nhằm triển khai biện pháp ứng phó hiệu quả. Công tác tiêm chủng tiếp tục được đẩy mạnh, đặc biệt tại vùng sâu, vùng xa, đảm bảo tỷ lệ tiêm đầy đủ trên 95%, kiểm soát chặt chẽ phản ứng sau tiêm và nâng cao chất lượng an toàn tiêm chủng.
Song song với đó, ngành Y tế chủ động dự báo nguy cơ dịch bệnh, duy trì chế độ trực 24/24 trong thời gian cao điểm, sẵn sàng ứng phó với các tình huống khẩn cấp; đồng thời tiếp tục triển khai hiệu quả công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh phòng bệnh, góp phần cải thiện điều kiện sinh hoạt, giảm nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng.
Ngành tiếp tục bảo đảm phân luồng, sàng lọc, thu dung, cấp cứu và cách ly bệnh nhân hiệu quả, kiểm soát nghiêm ngặt nguy cơ nhiễm khuẩn tại bệnh viện, đặc biệt đối với nhóm nguy cơ cao như trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ mang thai và người mắc bệnh nền. Tiếp tục nâng cao năng lực chuyên môn tại các tuyến bệnh viện, đẩy mạnh tập huấn cho nhân viên y tế và triển khai đội cấp cứu lưu động nhằm kịp thời xử lý các tình huống phát sinh, cung ứng đầy đủ thuốc, vắc xin, vật tư y tế và nhân lực phục vụ phòng, chống dịch.
Xác định công tác truyền thông cần đi trước một bước, Ngành tiếp tục đa dạng hóa hình thức truyền thông qua báo chí, mạng xã hội và hệ thống truyền thông cơ sở nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi phòng bệnh trong cộng đồng. Các chiến dịch truyền thông tập trung vào những khu vực đông người, phương tiện công cộng, cơ sở y tế, đồng thời triển khai cao điểm tuyên truyền vào mùa dịch, dịp lễ hội và các sự kiện lớn.
Với những giải pháp đồng bộ, ngành Y tế đang nỗ lực kiểm soát dịch bệnh, giảm thiểu nguy cơ lây lan và bảo vệ sức khỏe Nhân dân. Sự chủ động của ngành Y tế cùng với ý thức phòng bệnh của người dân sẽ là yếu tố quan trọng trong việc ngăn chặn dịch bệnh truyền nhiễm, góp phần đảm bảo an toàn sức khỏe cộng đồng./.
Hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại thị trường trong nước và phát triển ngoại thương (05/02/2025)
Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao - Yếu tố then chốt nâng cao chất lượng giáo dục (03/02/2025)
Duy trì diện tích sản xuất lúa hữu cơ đã được cấp chứng nhận (01/02/2025)
Công đoàn ngành Y tế bàn giao 3 “Mái ấm Công đoàn” (24/01/2025)
Kéo dài thời gian tổ chức Chương trình “Chợ Tết Công đoàn năm 2025” hình thức trực tuyến (24/01/2025)