PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

26/05/2023
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Chú ý phòng trừ sâu bệnh hại trên cây lâm nghiệp
Hiện nay, trên cây lâm nghiệp đang có các loại sâu, bệnh hại như bệnh thán thư trên cây hồi, sâu ong hại mỡ, châu chấu tre lưng vàng… Ngành chuyên môn đã hướng dẫn người dân cách phòng, trừ, hạn chế sâu bệnh hại lây lan ra diện rộng.

 PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Châu chấu tre lưng vàng hại vầu (Ảnh minh họa)

Theo thông báo của Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến thời điểm ngày 24/5/2023, bệnh thán thư hại cây hồi tiếp tục gây hại tại xã Vũ Muộn, huyện Bạch Thông; xã Bình Văn, Yên Cư huyện Chợ Mới và xã Hiệp Lực, huyện Ngân Sơn.

Sâu ong hại cây mỡ tại các huyện Ngân Sơn, Ba Bể, thành phố Bắc Kạn đang phát triển giai đoạn nhộng; tại huyện Chợ Đồn đang giai đoạn trứng, sâu non, diện tích bị hại khoảng 2,2 ha.

Châu chấu tre lưng vàng tiếp tục gây hại trên rừng vầu tại thôn Slam Cooc, xã Thượng Quan và thôn Nà Chúa, xã Thuần Mang, huyện Ngân Sơn; xã Kim Hỷ, Lương Thượng, Văn Vũ huyện Na Rì. Tại xã Thuần Mang, mật độ châu chấu phổ biến 300 - 500 con/m2, cao 700 - 800 con/m2, cá biệt trên 1000 con/m2; tuổi 4 đến trưởng thành; hiện đang gây hại chủ yếu trên cây vầu, diện tích bị hại khoảng 35 ha.

Nhằm hạn chế sâu bệnh hại lây lan ra diện rộng, Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng đã hướng dẫn người dân biện pháp phòng, trừ. Cụ thể, để phòng trừ bệnh thán thư trên cây hồi, người dân cần vệ sinh rừng hồi đang bị bệnh gây hại, tiêu hủy những cành lá bị bệnh rụng xuống để hạn chế bệnh lây lan ra diện rộng. Sử dụng một trong các loại thuốc sau: Revus Opti 440SC, Cabrio Top 600WG, Daconil 75WP, Ridomil Gold 68WG, Score 250EC..., bệnh hại nặng phải phun lặp lại từ 2 - 3 lần, mỗi lần cách nhau 7 - 10 ngày.

Phòng trừ sâu ong hại mỡ, người dân cần phát quang dưới tán rừng, tạo đường băng để thuận tiện cho việc phòng trừ. Khuyến khích sử dụng biện pháp thủ công, khi mật độ sâu cao, tiến hành phun trừ sâu bằng một trong các loại thuốc sau: Gà nòi 95 SP, Ratoin 5WG, Emavua 75WG, Mopride 20WP ...

Cơ quan chuyên môn cũng lưu ý người dân, đối với những diện tích rừng hồi, rừng mỡ lâu năm, cây cao, sử dụng các loại máy phun động cơ hoặc máy phun thuốc trừ sâu dạng khói để phun phòng, trừ sâu bệnh; không phun thuốc hóa học ở những diện tích trồng hồi đầu nguồn nước, gần khu dân cư và phải phun thuốc theo “kỹ thuật 4 đúng”.

Những cây vầu tại thôn Nà Chúa (Thuần Mang, Ngân Sơn) trụi lá do châu chấu tre lưng vàng gây hại

Phòng trừ châu chấu tre lưng vàng, người dân theo dõi hướng di chuyển của đàn châu chấu để có phương án chủ động phòng, chống kịp thời, không để châu chấu gây hại trên diện rộng. Phát quang đồi rừng xung quanh diện tích cây trồng nông nghiệp ven rừng bị châu chấu gây hại.

Trên các diện tích cây vầu châu chấu có mật độ cao hoặc khi châu chấu có nguy cơ di chuyển xuống gây hại lúa, ngô, dong riềng và cây trồng khác cần tiến hành phun trừ bằng một trong các loại thuốc sau: Lufen extra 1005EC, Neretox 95WP, Anvado 100WP...

Cơ quan chuyên môn cũng đã khuyến cáo người dân nên tổ chức thành các tổ, đội dịch vụ phun tập trung, dùng bình phun ắc quy hoặc máy động cơ phun bao vây xung quanh ổ dịch, phun cuốn chiếu từng khu vực để tiêu diệt tránh phát tán gây hại trên diện rộng rất khó kiểm soát./.

Hương Dịu