PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

13/08/2024
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Chuyển đổi số ở huyện vùng cao Ngân Sơn
Những năm gần đây, huyện Ngân Sơn đã tập trung triển khai đồng bộ chương trình chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Là một trong 2 huyện nghèo của tỉnh, công tác chuyển đổi số của Ngân Sơn gặp không ít khó khăn, song được sự quan tâm chỉ đạo, định hướng từ chính quyền và sự tìm tòi, học hỏi thực hiện từ chính những người dân nên công tác này đã đạt được những kết quả nhất định.

Những nông dân thời 4.0

Dám nghĩ, dám làm, anh Nông Văn Thành sinh năm 1993 tại xã Hiệp Lực đã mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển mô hình kinh tế nông nghiệp cho hiệu quả cao. Đầu năm 2021, Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Thành Đạt do anh Thành làm Giám đốc được thành lập với 7 thành viên, ngành nghề chính tập trung sản xuất rau, củ, quả công nghệ cao. Khắc phục khó khăn về vốn đầu tư ban đầu, các thành viên Hợp tác xã đã cùng đóng góp được 800 triệu đồng xây dựng hơn 2.000 m2 nhà màng để trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Ngoài ra, Hợp tác xã còn đầu tư thêm các công trình phụ như giếng khoan, đường đi, hệ thống tưới, phun nước tự động. Với mô hình này, Hợp tác xã đã giải quyết việc làm thường xuyên cho nhiều lao động địa phương. Sản phẩm dưa lưới của Hợp tác xã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Để bắt nhịp với yêu cầu ngày càng cao của thị trường và ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp, tạo sự đột phá về năng suất, chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh, Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Thành Đạt duy trì mục tiêu “Sản xuất hữu cơ để an toàn bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng; hiệu quả kinh tế cao”. Anh Thành thường xuyên vào mạng Internet cập nhật tin tức và tìm hiểu cách trồng, chăm sóc cây. Cũng thông qua mạng xã hội, sản phẩm nông nghiệp của Hợp tác xã được nhiều người tiêu dùng biết đến, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm của địa phương.

Gia đình chị Triệu Thị Nga ứng dụng mạng xã hội thông tin tuyên truyền về sản phẩm nho Hạ đen 

Tại xã Thượng Quan, gia đình chị Triệu Thị Nga ở thôn Nà Diếu đã tìm hiểu trên mạng xã hội và biết đến cây nho Hạ đen được trồng thành công tại tỉnh Lạng Sơn. Nhận thấy địa phương có khí hậu mát mẻ, phù hợp với cây trồng này, năm 2018, gia đình chị đã đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm và đưa vào áp dụng. Qua trồng thử nghiệm, cây nho Hạ đen giống Nhật Bản phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương và dễ chăm sóc. Vườn nho cho thu hoạch bình quân khoảng từ 3,5 - 4 tấn quả/năm, mỗi năm 2 vụ, tháng 6 và tháng 11. Vào mùa thu hoạch, gia đình chị thông tin rộng rãi trên mạng xã hội, được nhiều người chia sẻ và biết đến. Những năm đầu, số lượng người đến tham quan chưa nhiều nhưng vài năm trở lại đây, vườn nho Hạ đen Thượng Quan thường tấp nập du khách đến tham quan, trải nghiệm và mua sản phẩm an toàn cho sức khỏe.

Đồng bộ các giải pháp chuyển đổi số

Không chỉ trong ngành Nông nghiệp, người dân huyện Ngân Sơn đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong mọi mặt đời sống xã hội. Có được kết quả trên, huyện đã tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và quần chúng Nhân dân về việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng về chính quyền số, kinh tế số và xã hội số; kịp thời thông tin về các văn bản chỉ đạo, kế hoạch, chương trình, nhiệm vụ chuyển đổi số tại địa phương.

Huyện đã thành lập 10 Tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã và thành lập thí điểm 10 Tổ cấp thôn. Thành viên các Tổ công nghệ số cộng đồng được tập huấn sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt, mua bán trên sàn thương mại điện tử... Bên cạnh đó, huyện thường xuyên tuyên truyền và hướng dẫn cán bộ, công chức, viên chức tạo tài khoản trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia; tuyên truyền, phổ biến để đội ngũ cán bộ, công chức và Nhân dân nhận thức đầy đủ vai trò và tầm quan trọng của công tác đảm bảo an toàn thông tin mạng, các nguy cơ mất an toàn thông tin trong việc sử dụng máy tính, hệ thống mạng và khai thác thông tin trên môi trường mạng, đồng thời trang bị một số kỹ năng cơ bản sử dụng thiết bị và dịch vụ công nghệ thông tin an toàn.

Hệ thống phần mềm một cửa, một cửa điện tử liên thông và dịch vụ công trực tuyến mức độ cao đã mang lại hiệu quả tích cực, tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong đăng ký dịch vụ công trực tuyến, tra cứu thông tin, nộp hồ sơ… Các phần mềm chuyên ngành như phần mềm quản lý cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; phần mềm quản lý tài chính, kế toán, quản lý đất đai, môi trường, giáo dục, y tế được triển khai, sử dụng hiệu quả.

Những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn huyện đã chủ động ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh như sử dụng phần mềm xác lập quy trình sản xuất, quản lý khách hàng, quản lý nguyên liệu, quản lý tài chính kế toán, đồng thời ứng dụng rộng rãi các hình thức thanh toán điện tử, sử dụng mạng xã hội để quảng bá sản phẩm. Nhiều hợp tác xã đã mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa. Nhiều người dân đã biết cách tiếp cận các nền tảng trực tuyến để mua bán, trao đổi hàng hóa.

Trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, các số liệu như nhà hàng ăn uống, cơ sở lưu trú, danh lam thắng cảnh, món ăn truyền thống được cập nhật lên Cổng Du lịch thông minh của tỉnh nên khách du lịch có thể dễ dàng tìm kiếm thông tin. Lĩnh vực y tế, hệ thống quản lý hồ sơ sức khỏe toàn dân được duy trì triển khai. Các trường học trên địa bàn huyện đã sử dụng hiệu quả hệ thống phần mềm, nhờ vậy giúp giảm thiểu được hệ thống hồ sơ, sổ sách giấy.

Tại các điểm du lịch trên địa bàn huyện Ngân Sơn, du khách đến đây ngoài được tham quan cảnh đẹp của di tích, khi muốn tìm hiểu thông tin, du khách chỉ cần quét mã QR là thông tin về di tích lịch sử hiển thị đầy đủ. Công nghệ số giúp du khách dễ dàng tìm hiểu các giá trị của di tích lịch sử một cách trọn vẹn hơn.


Người dân quét mã QR tìm hiểu thông tin di tích Hoàng Phài, xã Cốc Đán

Những nỗ lực trong công tác chuyển đổi số đã mang lại cho người dân huyện Ngân Sơn những tiện ích nhất định. Tuy nhiên, tại các vùng điều kiện kinh tế khó khăn, khu vực chưa có điện lưới quốc gia, không có sóng điện thoại… thì công cuộc chuyển đổi số còn nhiều hạn chế cần thực hiện theo một lộ trình dài hơi.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ chuyển đổi số trong thời gian tới, huyện đã xây dựng các nội dung cụ thể trong kế hoạch chuyển đổi trong từng giai đoạn, từng năm. Cùng với đó là tham mưu, đề xuất đầu tư trang thiết bị, nâng cấp hạ tầng, hoàn thiện hệ thống thông tin tại địa phương, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chuyển đổi số, đặc biệt là hệ thống truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin đối với các xã vùng sâu, vùng xa. Đây chính là những giải pháp quan trọng, thúc đẩy hành trình chuyển đổi số trên địa bàn huyện./.

Hương Lan