PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

02/04/2024
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Chuyển đổi số từ xã, phường để nâng cao chất lượng phục vụ người dân
Cùng với các cơ quan, đơn vị, hiện nay, các xã, phường trên địa bàn tỉnh đang nỗ lực, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ chuyển đổi số đề ra, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động chính quyền địa phương, phục vụ người dân ngày càng tốt hơn.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Trước thời điểm triển khai mô hình thí điểm xã/phường chuyển đổi số, trong tổng số 20 tổ dân phố trên địa bàn phường Sông Cầu (thành phố Bắc Kạn), chỉ có 3 nhà văn hóa có đường truyền internet để phục vụ Nhân dân và công việc chung của tổ. Tuy nhiên đến nay, 100% nhà văn hóa trên địa bàn đều đã có đường truyền internet. Từ nguồn kinh phí do UBND thành phố và Công an tỉnh hỗ trợ, trong năm 2023, UBND phường Sông Cầu đã tiến hành lắp đặt hệ thống camera an ninh (gồm 10 mắt quan sát) tại các địa điểm trọng yếu; đồng thời vận động các gia đình chủ động lắp đặt camera giám sát tại nhà riêng. Nhờ đó, tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội được cải thiện rõ rệt.

Ông Triệu Văn Chiến, Tổ trưởng dân phố tổ 5, phường Sông Cầu chia sẻ: “Từ khi nhà văn hóa tổ được lắp đặt internet, sinh hoạt cộng đồng của Nhân dân nhộn nhịp và thường xuyên hơn trước đây. Buổi chiều và tối, bà con Nhân dân hoặc thanh niên trong tổ thường tập trung ở nhà văn hóa để tập luyện thể thao, văn nghệ hoặc tổ chức các hoạt động tập thể. Chúng tôi đánh giá cao việc lắp đặt internet, phục vụ nhu cầu sinh hoạt chung của bà con”.

Để nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, việc xây dựng chính quyến số được triển khai tương đối đồng bộ. Các ứng dụng như phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc, hệ thống thư điện tử, chữ ký số chuyên dùng, các phần mềm chuyên ngành được lãnh đạo UBND phường chỉ đạo đội ngũ cán bộ, công chức duy trì sử dụng thường xuyên, liên tục. Địa phương đã triển khai hướng dẫn, tạo hơn 2.800 tài khoản trên Cổng Dịch vụ công trực tuyến. Số người dân sử dụng tài khoản dịch vụ công là trên 1.100 người.

Đoàn viên thanh niên phường Sông Cầu (thành phố Bắc Kạn) cài đặt ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt

Hiện nay, phường Sông Cầu có 4 sản phẩm OCOP được đưa lên các sàn thương mại điện tử trong nước. Bên cạnh đó, với mục tiêu đẩy mạnh phát triển kinh tế số, mở rộng các mô hình chợ 4.0 - chợ thanh toán không dùng tiền mặt, phường đã xây dựng và triển khai Kế hoạch thực hiện “Tuyến phố văn minh, không dùng tiền mặt” trên địa bàn với hơn 200 hộ kinh doanh tham gia; tạo tài khoản ngân hàng, ví điện tử và cấp mã QR thanh toán cho gần 400 người dân trên địa bàn phường.

Từ tháng 6/2023, tỉnh Bắc Kạn thực hiện triển khai thí điểm chuyển đổi số tại 8 đơn vị cấp xã gồm: Phường Sông Cầu, thành phố Bắc Kạn; xã Quang Thuận, huyện Bạch Thông; xã Thượng Giáo, huyện Ba Bể; xã Nghĩa Tá, huyện Chợ Đồn; xã Như Cố, huyện Chợ Mới; xã Đức Vân, huyện Ngân Sơn; xã Côn Minh, huyện Na Rì; xã Giáo Hiệu, huyện Pác Nặm.

Việc xây dựng mô hình chuyển đổi số cấp xã đã được tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện trên 3 trụ cột là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Mô hình chuyển đổi số tại các xã đã hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp được tiếp cận và sử dụng các ứng dụng, dịch vụ tiện ích thuận lợi nhất để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Các đơn vị đã huy động cả hệ thống chính trị của địa phương vào cuộc nhằm triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ chuyển đổi số đã đề ra, trọng tâm là đẩy mạnh hoạt động của chính quyền lên môi trường số, tích cực thực hiện Đề án 06 về xây dựng và phát triển cơ sở quốc gia về dân cư, vận động các tầng lớp Nhân dân tích cực ứng dụng khoa học công nghệ, thông tin và truyền thông vào sản xuất và đời sống.

Qua ghi nhận, sau triển khai mô hình thí điểm chuyển đổi số, xã Như Cố (Chợ Mới) cũng đạt được những kết quả đáng mừng. 11/11 thôn thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng; 2 hợp tác xã đăng ký ứng dụng phần mềm nhật ký sản xuất FaceFarm; tỷ lệ người dân mua sắm trực tuyến đạt 70%. Tỷ lệ hộ gia đình có kết nối Internet băng rộng cáp quang đạt 70%. Số lượng người từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác đạt 70%. Tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt 90%. Tỷ lệ người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử đạt 40%...

Bên cạnh kết quả đạt được, nguồn lực đầu tư của phường, xã dành cho chuyển đổi số còn hạn chế. Hạ tầng công nghệ tuy đã được quan tâm đầu tư song chưa đáp ứng được so với yêu cầu nhiệm vụ. Mặt bằng kinh tế - xã hội tại các địa phương chưa đồng đều, một số phường, xã chưa xác định được sản phẩm chủ lực, đặc trưng dẫn đến khó khăn trong việc triển khai mục tiêu phát triển kinh tế số.

Đẩy mạnh chuyển đổi số cấp xã, phường là cách tiếp cận gần dân nhất để mang lại những lợi ích thiết thực cho người dân. Mục tiêu chính là nhằm từng bước đổi mới căn bản, toàn diện công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành, phục vụ của các cơ quan cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, người dân và địa phương. Với sự quyết tâm cao của hệ thống chính trị từ tỉnh đến các cơ sở xã, phường, trong thời gian tới, tỉnh Bắc Kạn sẽ tiếp tục nghiên cứu tìm ra những giải pháp phù hợp, đưa công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào chiều sâu, đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần thúc đẩy phát triển của kinh tế - xã hội tại địa phương./.

Thu Trang