Độ tương phản
Năm 2024 đánh dấu 30 năm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) chính thức có hiệu lực (từ ngày 16/11/1994).
Năm 2024 đánh dấu 30 năm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) chính thức có hiệu lực (từ ngày 16/11/1994), khuôn khổ pháp lý toàn diện điều chỉnh mọi hoạt động trên biển và có giá trị lịch sử quan trọng trong quản trị biển và đại dương. Trong ba thập kỷ qua, thế giới đã trải qua nhiều biến động, và Công ước cũng không ngoại lệ khi phải đối mặt với nhiều thách thức khác nhau, từ biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng, cho đến các công nghệ mới như tàu tự hành, tàu không người lái. Nhân dịp này, chúng ta hãy cùng nhìn lại sự hình thành, vai trò và đóng góp của Công ước trong 30 năm qua cũng như trong giải quyết những nhu cầu và thách thức đang nổi lên về quản trị biển và đại dương, đặc biệt là các vấn đề mới nổi từ đầu thế kỷ 21.
Sự hình thành UNCLOS và những "đột phá" trong lĩnh vực luật biển
Trong những năm 1960-1970, nhiều vấn đề pháp lý liên quan đến biển và đại dương đã bắt đầu nổi lên, như cơ chế đánh bắt cá chưa được quy định rõ ràng và gây nhiều tranh cãi, hay các nước mới giành được độc lập từ quá trình phi thuộc địa hoá nhận thấy phải tái định hình các quy định về luật biển để phản ánh lợi ích của họ. Bất đồng quan điểm giữa các nước đang phát triển và các cường quốc về biển cũng ngày càng lộ rõ trong thời gian này khi một bên muốn mở rộng phạm vi thẩm quyền và quyền tài phán trên biển, trong khi bên còn lại muốn đảm bảo các quyền tự do trên biển và hạn chế mở rộng phạm vi quyền tài phán của các quốc gia ven biển. Một số nước duy trì phạm vi lãnh hải 3 hải lý, trong khi đó một số nước lại theo xu hướng muốn mở rộng phạm vi lãnh hải hơn 3 hải lý để quản lý và khai thác tài nguyên biển hiệu quả. Đồng thời, vấn đề bảo tồn tài nguyên biển khỏi các tác hại từ sự thiếu quản lý của con người cũng nổi lên và trở thành một mối lo ngại của cộng đồng quốc tế.
Trong những năm 1970 đến 1980, một loạt các nghị quyết và tuyên bố đã đặt nền tảng cho quá trình đàm phán UNCLOS, phản ánh sâu sắc mối quan tâm chung của cộng đồng quốc tế thời bấy giờ. Có thể kể đến một số văn kiện quan trọng như: Nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc về chủ quyền vĩnh viễn đối với tài nguyên thiên nhiên (1962), Nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc số 2750C (1970) quyết định tổ chức Hội nghị về luật biển nhằm thiết lập cơ chế quốc tế công bằng cho vùng và tài nguyên ở đáy biển và nằm ngoài phạm vi tài phán quốc gia, Nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc số 2749 (1970) Tuyên bố về các Nguyên tắc điều chỉnh đáy biển, đáy tầng đại dương và lòng đất nằm ngoài phạm vi tài phán quốc gia, Tuyên bố Stockholm (1972) nhân dịp Hội nghị Liên Hợp Quốc đầu tiên về môi trường, Nghị quyết số 3067 (1973) của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc quyết định nhiệm vụ của Hội nghị luật biển nhằm thông qua một công ước giải quyết tất cả các vấn đề liên quan tới luật biển…
Xuất phát từ nhu cầu khai thác tài nguyên biển, và bảo vệ môi trường biển, các quốc gia quyết tâm nỗ lực đàm phán xây dựng một văn kiện mới về luật biển. Sau 9 năm đàm phán, tại Hội nghị Liên Hợp Quốc về Luật biển lần thứ 3, các quốc gia đã thành công xây dựng một điều ước quốc tế toàn diện, phổ quát nhằm giải quyết các mối quan tâm chung của cộng đồng quốc tế lúc bấy giờ, chính là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển. Bản "Hiến pháp về biển và đại dương" bao gồm 17 phần, 320 điều và 9 phụ lục, là khuôn khổ pháp lý điều chỉnh các hoạt động quản lý và sử dụng biển và đại dương, được thông qua và mở ký vào năm 1982 với một số nội dung nổi bật sau đây:
Thứ nhất, ngay tại phần lời nói đầu, Công ước đã ghi nhận việc "sử dụng công bằng và hiệu quả những tài nguyên" và "có tính đến các lợi ích và nhu cầu riêng của các nước đang phát triển, dù có biển hay không có biển". So sánh với các điều ước quốc tế về biển trước đó (gồm Công ước về Lãnh hải và vùng Tiếp giáp lãnh hải và Công ước về Thềm lục địa năm 1958), UNCLOS có quy định thêm về vùng đặc quyền kinh tế, qua đó trao một số đặc quyền cho các quốc gia ven biển về quản lý và khai thác tài nguyên biển.
Đồng thời, theo Công ước, Vùng (the Area) và tài nguyên tại đây được coi là "di sản chung của nhân loại" và được đặt dưới sự kiểm soát và quản lý của Cơ quan quyền lực quốc tế đáy đại dương (the International Seabed Authority). Cơ quan này sẽ giúp quản lý việc khai thác tài nguyên từ đáy biển và chia sẻ lợi ích thu được từ việc khai thác này cho tất cả các nước khác thông qua Việc thiết lập thêm vùng đặc quyền kinh tế và đặt Vùng dưới sự quản lý của một tổ chức quốc tế được trao quyền bởi tất cả các quốc gia thành viên UNCLOS đã giúp điều hoà lợi ích khác nhau giữa các nước khi một mặt mở rộng phạm vi quyền tài phán cho các nước ven biển để khai thác và quản lý tài nguyên thiên nhiên biển và đáy biển, và mặt khác duy trì sự tự do ở mức nhất định và đảm bảo tôn trọng quyền lợi của các nước khác.
Thứ hai, Công ước không chỉ giải quyết vấn đề về khai thác tài nguyên biển, mà còn phản ánh xu hướng mở rộng phạm vi các vùng biển và quyền tài phán của các quốc gia ven biển và đưa ra cơ sở thống nhất để các quốc gia xác định ranh giới trên biển và phân định biển. Công ước lần đầu tiên quy định chính xác phạm vi lãnh hải rộng tới 12 hải lý, và xác lập vùng đặc quyền kinh tế rộng tới 200 hải lý với một số đặc quyền cho các quốc gia ven biển về khai thác, bảo tồn và quản lý tài nguyên thiên nhiên. So với Công ước năm 1958 về Thềm lục địa, UNCLOS đã đưa ra các giải pháp nhằm xác định rõ ranh giới ngoài của thềm lục địa, qua đó đặt ra giới hạn cho việc mở rộng vùng thềm lục địa ngoài 200 hải lý của quốc gia ven biển. Như vậy, so với các quy định trong các điều ước quốc tế và tập quán về luật biển trước đó (ví dụ như quy tắc 3 hải lý đối với lãnh hải), UNCLOS đã mở rộng đáng kể phạm vi thẩm quyền và quyền tài phán của quốc gia ven biển và chứa đựng những quy định rõ ràng hơn về xác định ranh giới biển và phân định biển.
Thứ ba, UNCLOS quy định rõ ràng nghĩa vụ bảo tồn môi trường biển khi dành hẳn một Chương riêng (Chương XII) đề cập việc bảo vệ môi trường biển, quyền và trách nhiệm của quốc gia ven biển trong việc quản lý và bảo vệ môi trường biển trong vùng biển thuộc quyền tài phán của mình. Tại Hội nghị về Tuyên bố Stockholm và Luật môi trường biển tại Thuỵ Điển năm 2002, Ông Hans Corell, Phó Tổng thư ký Liên Hợp Quốc phụ trách vấn đề pháp lý từ năm 1994 đến 2004, cho rằng "Công ước, được xây dựng dựa trên các nguyên tắc được nêu trong Tuyên bố Stockholm năm 1972, chứa đựng các quy định toàn diện về bảo vệ và gìn giữ môi trường biển". Thật vậy, đối với quốc gia ven biển, trong vùng đặc quyền kinh tế, Điều 61 yêu cầu quốc gia ven biển phải có "các biện pháp phù hợp về quản lý và bảo tồn nhằm duy trì các nguồn lợi sinh vật trong vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia đó khỏi bị ảnh hưởng do khai thac quá mức". Đối với tất cả các nước thành viên, Điều 192 quy định nghĩa vụ chung về bảo vệ và bảo tồn môi trường biển; Điều 194 nêu cụ thể về các biện pháp về ngăn ngừa, giảm thiểu và kiểm soát ô nhiễm môi trường biển. Rõ ràng đây là một sự tiến bộ rõ rệt của Công ước so với các điều ước quốc tế về biển trước đây (Công ước Geneva về lãnh hải, tiếp giáp lãnh hải và Công ước về thềm lục địa năm 1958), qua đó giải quyết mối quan ngại về ô nhiễm biển gây ra bởi hoạt động của con người.
Những phát triển mới trong giai đoạn 1982-1994
Sau khi được thông qua, trong khoảng thời gian từ năm 1982 tới 1994-1995, Công ước vấp phải hai thách thức lớn.
Thứ nhất, một số nước công nghiệp, ví dụ như Mỹ, đã phản đối Chương XI (Vùng) về các quy chế và cơ chế liên quan tới phần Vùng. Theo cựu Thẩm phán Toà án Luật biển Quốc tế Helmut Tuerk, một số nội dung trong Chương XI của UNCLOS gây nhiều bất đồng ý kiến vì thiên vị các nước đang phát triển và không tuân theo cách tiếp cận thị trường.
Thứ hai, do Công ước chỉ quy định khuôn khổ pháp lý chung (chủ yếu kêu gọi hợp tác quốc tế để thực hiện việc bảo tồn và quản lý đàn cá) và những thay đổi mới về công cụ đánh bắt cá, nên gây ra những lo ngại về tồn tại khoảng trống trong điều chỉnh về bảo tồn và quản lý đàn cá lưỡng cư và di cư xa. Cụ thể, do một số đàn cá không hoàn toàn chỉ nằm trong phạm vi vùng biển thuộc quyền tài phán của các quốc gia ven biển, mà di cư qua các vùng biển khác và vùng biển cá, do đó cần có sự hợp tác quốc tế để bảo tồn các loài cá này. Đồng thời, tại thời điểm những năm 1990, các quốc gia ven biển mở rộng phạm vi thẩm quyền và quyền tài phán trên biển và không có nhiều nỗ lực để giảm thiểu việc đánh bắt cá quá mức, vì vậy số lượng cá tại nhiều bãi ngư trường lớn đã sụt giảm.
Để giải quyết những khó khăn này, vận dụng các quy định mang tính nguyên tắc của Công ước, các quốc gia đã tiến hành đàm phán xây dựng hai Hiệp định thực thi gồm: Hiệp định năm 1994 về thực hiện phần XI của Công ước và Hiệp định năm 1995 về đàn cá lưỡng cư và di cư xa. Các hiệp định này đã giúp UNCLOS thích ứng với tình hình mới và giải quyết các phản đối từ các nước công nghiệp về Chương XI; đồng thời bổ sung các quy định chi tiết hơn để bảo tồn và quản lý các đàn cá dễ bị tổn thương, góp phần giúp đẩy nhanh tiến trình phê chuẩn Công ước của nhiều quốc gia.
Ý nghĩa và đóng góp của UNCLOS trong 30 năm qua
Trong 30 năm qua, Công ước đã được cộng đồng quốc tế nhất trí ghi nhận và nhấn mạnh nhiều lần như là "Hiến pháp của đại dương", giúp thế giới quản trị biển và đại dương, thể hiện qua một số đóng góp nổi bật sau:
Giữ vững vai trò khuôn khổ pháp lý nhất quán, phổ quát và toàn diện điều chỉnh mọi hoạt động trên biển
Trải qua 30 năm kể từ năm 1994, thế giới đã chứng kiến nhiều sự thay đổi và gặp nhiều thách thức mới như biến đổi khí hậu, ô nhiễm nhựa trên biển và đại dương, nước biển dâng và quản trị các công nghệ mới. Trước những thách thức đó, UNCLOS vẫn tiếp tục minh chứng vai trò là khuôn khổ pháp lý phổ quát, nhất quán và toàn diện điều chỉnh mọi hoạt động trên biển và đại dương.
Vai trò của Công ước trong quản trị biển và đại dương trong bối cảnh nhiều thách thức mới nảy sinh được ghi nhận tại các Nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc có liên quan tới biển và đại dương, quan trọng nhất là Nghị quyết thường niên của Đại hội đồng Liên hợp quốc về đại dương và luật biển. Phần mở đầu của Nghị quyết đại dương và luật biển từ năm 2001 đến nay đều ghi nhận vai trò và tầm quan trọng của Công ước: "nhấn mạnh tới tính phổ quát và nhất quán của Công ước và tái khẳng định rằng Công ước đề ra khuôn khổ pháp lý điều chỉnh mọi hoạt động trên biển và đại dương và có tầm quan trọng chiến lược như là cơ sở cho các hoạt động và hợp tác quốc gia, khu vực và toàn cầu trong lĩnh vực biển, và rằng sự toàn vẹn của Công ước cần được gìn giữ…".
Đồng thời, Công ước đã tạo khuôn khổ pháp lý nền tảng, làm cơ sở xây dựng các văn kiện pháp lý khác về biển và đại dương, bao gồm Hiệp định năm 1994 về thực hiện phần XI của Công ước và Hiệp định năm 1995 về đàn cá lưỡng cư và di cư xa. Đây cũng là căn cứ pháp lý của tiến trình xây dựng văn kiện pháp lý mới về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học tại các vùng biển nằm ngoài phạm vi tài phán quốc gia (BBNJ) để điều chỉnh các hình thức hoạt động mới ở đáy đại dương, hướng tới bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên chung của nhân loại. Hơn nữa, Công ước cũng là cơ sở pháp lý quan trọng để các quốc gia xây dựng và ban hành luật và quy định của mình trong lĩnh vực quản trị biển cũng như hợp tác quốc tế về biển và đại dương.
Đóng góp duy trì hoà bình, an ninh và ổn định thông qua việc giải quyết tranh chấp
Cơ chế giải quyết tranh chấp được xây dựng bởi Công ước đã giải quyết tranh chấp nảy sinh giữa các quốc gia trong giải thích và áp dụng Công ước. Theo quy định tại Phần XV của Công ước, khi phát sinh tranh chấp, các quốc gia cần giải quyết một cách hòa bình, bằng các biện pháp do các bên lựa chọn như đối thoại, đàm phán, hòa giải… Nếu các biện pháp trên không đem lại giải pháp, các bên có thể thỏa thuận đưa tranh chấp ra giải quyết tại một trong những cơ quan tài phán quốc tế, gồm Tòa án Công lý quốc tế (ICJ), Tòa án Luật Biển quốc tế (ITLOS) hoặc tòa trọng tài theo Phụ lục VII, tòa trọng tài đặc biệt theo Phụ lục VIII. Cho tới nay, 33 vụ việc đã và đang được ITLOS xem xét, giải quyết; 14 vụ việc được xem xét và giải quyết theo thủ tục trọng tài theo Phụ lục VII của UNCLOS. Phán quyết của các cơ quan tài phán theo quy định của UNCLOS, đặc biệt là ITLOS và tòa trọng tài đã góp phần làm sáng tỏ thêm các quy định của Công ước để giải quyết các vấn đề trong việc sử dụng và khai thác biển hiện nay; đồng thời, giảm thiểu sự mơ hồ có thể bị lợi dụng để biện minh cho các yêu sách và hành động sai trái.
Bên cạnh các cơ quan tài phán quốc tế, UNCLOS còn thiết lập cơ chế hoà giải theo Phụ lục V, nhờ đó gia tăng biện pháp giải quyết tranh chấp hoà bình sẵn có cho các quốc gia. Điểm đặc biệt có lẽ nằm ở việc cơ chế hoà giải bắt buộc có thể được sử dụng nhằm đưa một số loại tranh chấp mà bị các bên tuyên bố loại trừ khỏi phạm vi thẩm quyền của cơ quan tài phán được thành lập theo Công ước ra Uỷ ban hoà giải thành lập theo Phụ lục V. Vụ tranh chấp phân định biển giữa Đông Timor và Australia có thể được xem là trường hợp điển hình có thể được giải quyết thông qua cơ chế hoà giải thiết lập bởi UNCLOS. Qua đó, Công ước thể hiện sự tiến bộ và toàn diện trong việc hướng tới đảm bảo mọi tranh chấp cần được giải quyết một cách hoà bình.
Các thiết chế giải quyết tranh chấp trong UNCLOS giúp duy trì trật tự trên biển, bảo vệ mọi hoạt động sử dụng biển một cách hợp pháp và hòa bình, đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, phục vụ phát triển của mỗi quốc gia, khu vực và toàn thế giới.
Góp phần thực hiện Mục tiêu Phát triển bền vững số 14 về bảo tồn và sử dụng bền vững biển và đại dương
Mục tiêu Phát triển bền vững số 14 (SDG 14) của Liên Hợp Quốc có tổng cộng 10 nội dung chính với mục tiêu ngăn ngừa và giảm thiểu ô nhiễm môi trường biển, nâng cao quản lý, bảo vệ, bảo tồn và phục hồi hệ sinh thái biển và ven biển; giảm thiểu và khắc phục tình trạng acid hoá đại dương, giảm oxy trong nước và ấm lên của đại dương; bảo đảm nghề cá bền vững và tiếp cận của các ngư dân đánh bắt thủ công quy mô nhỏ với các thị trường và nguồn tài nguyên biển; thúc đẩy kinh tế biển bền vững, đặc biệt đối với các nước đảo nhỏ đang phát triển và kém phát triển; tăng cường tri thức khoa học, năng lực nghiên cứu và chuyển giao công nghệ; và tăng cường bảo tồn và sử dụng bền vững các đại dương và các nguồn tài nguyên của chúng bằng cách thực hiện luật pháp quốc tế như được phản ánh trong UNCLOS, văn kiện cung cấp khuôn khổ pháp lý cho việc bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương và các nguồn tài nguyên biển. Các nội dung này đều có thể được thực hiện với UNCLOS làm nền tảng.
Trên cơ sở Phần XII, UNCLOS đặt ra các nghĩa vụ pháp lý ràng buộc yêu cầu các quốc gia phải có các biện pháp cần thiết nhằm bảo vệ và sử dụng bền vững môi trường biển. Điều 194 Công ước đã đặt ra nghĩa vụ chung cho tất cả các quốc gia trong việc gìn giữ môi trường biển, theo đó tất cả các quốc gia đều có trách nhiệm phải bảo vệ môi trường biển. Điều 195 yêu cầu các quốc gia cần thực hiện các biện pháp nhằm ngăn chặn các nguồn gây ô nhiễm bắt nguồn từ đất liền, tàu thuyền, hoặc các thiết bị hay phương tiện. Từ đó, Công ước đã đưa ra khuôn khổ pháp lý toàn diện và hiệu quả nhằm ngăn ngừa ô nhiễm môi trường biển, qua đó góp phần thực hiện các nội dung ghi nhận trong SDG 14.
Bên cạnh đó, các cơ quan thành lập theo UNCLOS cũng góp phần không nhỏ cho việc quản lý, bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng biển và đại dương. Cơ quan quyền lực quốc tế đáy đại dương, một chế định vô cùng đặc biệt, đã được thành lập nhằm quản lý chung đối với các tài nguyên của Vùng với nhiệm vụ phân chia công bằng, trên cơ sở không phân biệt đối xử, những lợi ích tài chính và kinh tế mang lại từ hoạt động tiến hành trong Vùng (Điều 140); nhưng vẫn phải đảm bảo thực hiện bảo vệ hiệu quả môi trường biển khỏi các tác động nguy hại từ hoạt động khai thác đáy biển (Điều 143).
ITLOS, cơ quan tài phán được thành lập theo Công ước, đã làm sáng tỏ các quy định trong Công ước về bảo vệ môi trường biển, thông qua việc đưa ra các ý kiến tư vấn có giá trị và ảnh hưởng định hình các quy định trong luật môi trường quốc tế, nổi bật gồm ý kiến tư vấn về trách nhiệm và nghĩa vụ của quốc gia tài trợ cho cá nhân và tổ chức về các hoạt động tại Vùng năm 2011, ý kiến tư vấn về theo yêu cầu của Uỷ ban Nghề cá tiểu khu vực năm 2015, và gần đây nhất là ý kiến tư vấn theo yêu cầu của Uỷ ban các nước đảo nhỏ về biến đổi khí hậu và luật pháp quốc tế năm 2024. Uỷ ban Ranh giới Thềm lục địa (CLCS), cơ chế tập hợp các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu về kỹ thuật, hỗ trợ và xem xét các đệ trình của quốc gia về mở rộng thềm lục địa ngoài 200 hải lý trên cơ sở Điều 76, qua đó làm rõ ranh giới giữa Vùng, thuộc quy chế di sản chung của nhân loại, và vùng thềm lục địa thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia phục vụ cho việc quản lý biển hiệu quả hơn.
Giải quyết các vấn đề mới nổi và hướng tới tương lai
Chúng ta đang sống trong một thế giới không ngừng biến đổi, phát triển và điều này cũng không ngoại lệ đối với lĩnh vực quản trị biển và đại dương. Đặc biệt từ đầu thế kỷ 21, nhiều vấn đề mới đã và đang xuất hiện như: ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với đại dương (ví dụ tăng nhiệt độ nước biển, giảm ô xy trong đại dương, tẩy trắng san hô, nước biển dâng, và acid hoá đại dương); các mối đe doạ từ vấn đề nước biển dâng và xói mòn bờ biển đối với các khu vực và đảo ven biển; các thách thức từ công nghệ biển mới (ví dụ như phương tiện không người lái…).
Tại thời điểm xây dựng Công ước, các thách thức này chưa hề xuất hiện và cũng chưa phải là mối quan tâm, quan ngại chính của cộng đồng quốc tế lúc bấy giờ. Thật vậy, nhìn lại quá trình đàm phán và nội dung của Công ước, không có bất kỳ điều khoản nào đề cập tới vấn đề biến đổi khí hậu. Nguyên tắc đất thống trị biển, vốn là nền tảng cho việc mở rộng quyền của quốc gia ven biển ra biển và đại dương, lại khiến các nước này, đặc biệt là các nước đảo nhỏ, trở nên càng dễ bị tổn thương trước vấn đề nước biển dâng. Bên cạnh đó, tàu tự hành trên biển đang ngày càng được các quốc gia nghiên cứu và đưa vào thử nghiệm thực tế, nhưng những câu hỏi về địa vị pháp lý, các quyền và nghĩa vụ theo Công ước vẫn được đặt ra.
Từ đó, những thách thức mới nổi này đặt ra câu hỏi "Liệu UNCLOS có còn phù hợp trong bối cảnh thế kỷ 21 hay không?" mà không ít người nêu ra. Tuy nhiên, nhìn lại quá trình 30 năm Công ước và đặc biệt là những diễn biến trong thời gian gần đây, chúng ta có thể tin tưởng rằng Công ước không hề bị lu mờ trong việc giải quyết các thách thức nêu trên; mà thay vào đó, tiếp tục giữ vững sự linh hoạt và thích ứng với bối cảnh mới.
Thứ nhất, UNCLOS đóng vai trò là một khuôn khổ pháp lý chung điều chỉnh toàn diện mọi hoạt động trên biển và đại dương. Mặc dù có thể không quy định cụ thể về một vấn đề, nhưng Công ước là nền tảng để phát triển thêm các khuôn khổ, quy định khác và cơ chế hợp tác phù hợp với UNCLOS để giải quyết các vấn đề mới nổi. Ví dụ điển hình là trong vấn đề bảo tồn và sử dụng bền vững biển, đại dương và tài nguyên biển, trên cơ sở UNCLOS, các quốc gia đã tiến hành đàm phán và thông qua Hiệp định thực thi Công ước thứ 3 nhằm giải quyết vấn đề này, với tên đầy đủ là "Hiệp định trong khuôn khổ Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học biển tại các vùng biển nằm ngoài phạm vi tài phán quốc gia". Trước nhu cầu cấp thiết về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học biển tại vùng biển cả nhưng lại chưa có một văn kiện điều chỉnh cụ thể và chi tiết về vấn đề này, việc xây dựng văn kiện này đã tiếp thêm động lực thực thi UNCLOS để thích ứng với bối cảnh mới và giải quyết thách thức mới nảy sinh. Đồng thời, vai trò Công ước cũng được tái khẳng định trong Nghị quyết số 5/12 của Đại hội đồng Môi trường Liên Hợp Quốc về chấm dứt ô nhiễm nhựa năm 2022 và dự thảo Thoả thuận toàn cầu về rác thải nhựa - dự kiến sẽ là điều ước quốc tế toàn diện giải quyết vấn đề về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả trên biển và đại dương.
Thứ hai, các cơ quan được thành lập theo Công ước ngày càng có nhiều đóng góp tích cực trong việc giải quyết các thách thức mới nổi đối với quản trị biển và đại dương. Trong ý kiến tư vấn về biến đổi khí hậu và luật pháp quốc tế năm 2024, ITLOS thừa nhận Công ước khẳng định việc xả thải khí nhà kính bởi con người vào không khí cấu thành việc gây ô nhiễm môi trường theo định nghĩa của Khoản 1 Điều 1 của Công ước.
Đồng thời, Toà cũng cho rằng các quốc gia thành viên của Công ước có nghĩa vụ thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để ngăn ngừa, giảm thiểu và kiểm soát ô nhiễm môi trường biển từ khí nhà kính xả ra bởi con người trên cơ sở Khoản 1 Điều 194 của UNCLOS. Qua đó, sự khẳng định của Toà đã chứng minh cho việc Công ước không hề lỗi thời và cứng nhắc, thay vào đó thể hiện sự linh hoạt và thích ứng với thời đại để giải quyết vấn đề mà cộng đồng quốc tế đang phải đối mặt.
Về vấn đề khai thác và thăm dò, tìm kiếm tại Vùng, trong bối cảnh công nghệ phát triển khiến ngày càng nhiều nước có khả năng vươn mình ra tìm kiếm, thăm dò và khai thác tại Vùng, Cơ quan quyền lực quốc tế đáy đại dương đã ban hành các bộ quy tắc về tìm kiếm thăm dò như Quy định về thăm dò và tìm kiếm quặng đa kim (polymetallic nodules) năm 2013, và đồng thời nghiên cứu, xây dựng Bộ quy tắc về khai thác khoáng sản tại Vùng nhằm quản lý việc thăm dò và khai thác cũng như đảm bảo việc bảo vệ môi trường biển, tránh tác động nguy hại từ các hoạt động này tại Vùng.
Thứ ba, UNCLOS là nguồn tham chiếu quan trọng cho các tổ chức, cơ quan chuyên môn xây dựng và thảo luận các quy định mới về quản trị và giải quyết các vấn đề mới nổi. Thật vậy, Uỷ ban Pháp lý của Tổ chức Hàng hải Quốc tế, tại cuộc họp lần thứ 108, đã khẳng định "tàu tự hành trên mặt biển cần hoạt động trong khuôn khổ của UNCLOS". Trong Báo cáo nghiên cứu về chủ đề nước biển dâng và luật pháp quốc tế năm 2022, Báo cáo viên của Ủy ban Luật pháp quốc tế đã nhấn mạnh "vai trò trung tâm của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển và sự cần thiết phải bảo vệ tính toàn vẹn của Công ước".
Cuối cùng, trong bối cảnh nhiều vấn đề mới nổi, gìn giữ sự toàn vẹn của Công ước không thể thiếu sự hợp tác và nỗ lực của các quốc gia trong việc thực thi đầy đủ UNCLOS. Việc các quốc gia tiếp tục phê chuẩn, tham gia Công ước, đồng thời thúc đẩy việc thực thi thiện chí và đầy đủ các quy định của Công ước sẽ góp phần phát huy hơn nữa vai trò khuôn khổ pháp lý toàn diện điều chỉnh mọi hoạt động trên biển và đại dương và đảm bảo nguyên vẹn giá trị của UNCLOS sau 30 năm.
Trải qua 9 năm đàm phán xây dựng, 12 năm kể từ khi được thông qua cho tới khi có hiệu lực, và 30 năm phát triển, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển, bản Hiến pháp của biển và đại dương, vẫn giữ vững vai trò là khuôn khổ pháp lý toàn diện, nhất quán điều chỉnh mọi hoạt động trên biển và đại dương.
Trước muôn vàn đổi thay và thách thức mới nảy sinh, Công ước đã thể hiện sự linh hoạt và khả năng thích ứng để có thể đối phó với các vấn đề mang tính thời đại như nhu cầu khai thác, sử dụng và bảo tồn tài nguyên biển, bảo vệ môi trường biển, quản lý nghề cá, cơ chế quản lý Vùng, cho tới các vấn đề cấp thiết hiện nay như quản trị các phương tiện mới trên biển, vấn đề biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng. Qua đó có thể khẳng định Công ước không đơn thuần chỉ là một văn bản mang giá trị lịch sử, mà còn vượt lên trên những giới hạn của thời đại tại thời điểm ra đời, tạo dựng một nền tảng pháp lý vững chắc cho một tương lai đầy biến động.
Nhìn về phía trước, Công ước sẽ tiếp tục đóng vai trò là trụ cột không thể thay thế trong việc thúc đẩy hợp tác quốc tế, bảo đảm các thách thức lớn về quản trị biển và đại dương trong thế kỷ 21 và cả những thế kỷ tiếp theo sẽ được giải quyết một cách công bằng và có trật tự. Vai trò toàn diện, lâu dài và bất khả thay thế của Công ước chính là minh chứng cho sức sống mạnh mẽ của nó, một văn kiện mà không chỉ điều chỉnh hiện tại mà còn định hình tương lai biển và đại dương trên toàn cầu. Đồng thời, các quốc gia cần chung tay và phối hợp với nhau bảo đảm tính toàn vẹn của Công ước, giải thích và áp dụng đúng đắn Công ước cũng như hợp tác giải quyết các vấn đề mới nổi trên cơ sở khuôn khổ pháp lý mà Công ước đã tạo ra./.
Thế giới tuần qua: "Xây dựng thế giới công bằng và hành tinh bền vững" (24/11/2024)
Xung đột Nga - Ukraine tiếp tục đẩy giá dầu leo thang (23/11/2024)
Australia xem xét phạt nặng mạng xã hội nếu không có biện pháp bảo vệ trẻ em (21/11/2024)
New Zealand nỗ lực đạt mục tiêu “không khói thuốc” vào cuối năm 2025 (20/11/2024)
Giá dầu thế giới giảm mạnh (19/11/2024)