PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

11/09/2024
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Đảm bảo an toàn công trình khai thác và chế biến khoáng sản trước nguy cơ mưa lũ, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét sau bão
Trước nguy cơ mưa lũ, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét sau bão, để quá trình sản xuất ổn định và đảm bảo an toàn lao động, Sở Công Thương đã yêu cầu các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ động chuẩn bị, triển khai kế hoạch phòng, chống thiên thiên tai, phòng ngừa sự cố.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData


Hồ chứa nước tại mỏ Bản Phắng, xã Trung Hòa, huyện Ngân Sơn 
đã được Công ty Cổ phần Vương Anh chủ động gia cố

Theo báo cáo của Sở Công Thương, trước cơn bão số 3, qua kiểm tra thực tế, cơ bản các đơn vị đã chủ động rà soát các điểm xung yếu có nguy cơ sạt lở, nguy cơ tràn nước thải, bùn thải, đất đá trong khu vực khai thác, khu vực bãi chứa, hồ đập chứa nước và thực hiện gia cố. Các đơn vị đã phân công nhân lực túc trực 24/24 giờ để theo dõi diễn biến của thời tiết, có biện pháp phòng, chống các sự cố, đảm bảo an toàn lao động; thường xuyên kiểm soát các khu vực khai thác, chế biến, các công trình phụ trợ và các khu vực khác có liên quan, đảm bảo an toàn, trật tự mỏ, có phương án bảo vệ môi trường khi mưa lớn; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn và khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ.

Ông Công Minh Tiến - Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Nam, thôn Cốc Thử, xã Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn cho biết, để ứng phó trước nguy cơ mưa lũ, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét sau bão, đơn vị đã chủ động rà soát, thường xuyên kiểm tra, gia cố các vị trí xung yếu, các vị trí có nguy cơ sạt lở của hồ chứa thải, hồ chứa thải quặng đuôi trong khai thác, chế biến, tập kết khoáng sản, bố trí nhân lực, phương tiện máy móc sẵn sàng ứng phó trong thế chủ động. Một số bộ phận khai thác, chế biến khoáng sản ngừng đã hoạt động từ chiều 6/9 để thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn.

Do ảnh hưởng mưa lớn sau bão số 3, trên địa bàn tỉnh nhiều nơi đã bị ngập, lụt cục bộ, sạt lở đất đá, trong đó đã xảy ra hiện tượng sạt lở đập hồ chứa thải quặng đuôi làm chảy tràn bùn thải quặng đuôi ra môi trường. Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia, những ngày tới, khu vực miền núi và trung du Bắc Bộ tiếp tục có mưa lớn với lượng mưa từ 100 - 200 mm, có nơi trên 350 mm, nguy cơ rất cao xảy ra lũ lớn, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét và ngập lụt cục bộ tại các vùng trũng thấp. Đặc biệt, sau thời gian mưa lớn kéo dài, đất đá bị bão hòa, thấm rã, nguy cơ xảy ra sạt lở rất cao. Vì vậy, Sở Công Thương vừa có công văn yêu cầu các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn tỉnh khẩn trương kiểm tra, gia cố bờ đập hồ chứa thải quặng đuôi; nạo vét, khơi thông hệ thống rãnh, hào thu gom nước chảy tràn vào hồ đập chứa thải; kịp thời phát hiện, xử lý khắc phục các khu vực xung yếu gây ra xói lở thân đập, chủ động tạm dừng việc tiếp nhận thải quặng đuôi vào hồ chứa thải khi phát hiện dấu hiệu nguy cơ mất an toàn.

Đồng thời, thực hiện nghiêm túc việc vận hành, kiểm tra thường xuyên, đột xuất và bố trí đảm bảo về nhân lực, máy móc thiết bị sẵn sàng ứng phó sự cố theo kế hoạch phòng ngừa và ứng phó sự cố khẩn cấp đã phê duyệt cũng như rà soát, cập nhập, hoàn thiện hồ sơ quản lý, vận hành hồ chứa quặng đuôi theo quy định.

Đối với các công trình phụ trợ phục vụ sản xuất như nhà văn phòng mỏ, nhà ở công nhân, nhà xưởng, nhà kho, công trình điện, đường nội bộ…, các doanh nghiệp thực hiện rà soát, kiểm tra các công trình, các khu vực xung yếu, các vị trí có hạng mục công trình gần sườn dốc đồi núi, taluy cao, khe suối,… chủ động đề phòng, phòng tránh sạt lở, sụt trượt, đất đá lăng, lũ ống, lũ quét để đảm bảo tuyệt đối an toàn về người và giảm thiểu tối đa thiệt hại về tài sản.

Về công trình khai thác và chế biến khoáng sản, thực hiện kiểm tra thường xuyên, đột xuất các vị trí xung yếu để kịp thời phát hiện các nguy cơ mất an toàn và thực hiện biện pháp phòng tránh, khắc phục đảm bảo an toàn. Trong đó, tập trung thực hiện kiểm tra công tác an toàn và thực hiện các biện pháp phòng chống sạt, sụt lở đất đá, ngập lụt, chèn chống các công trình hầm lò, hệ thống goòng - đường ray và hệ thống vận tải, hệ thống điện hầm lò, thông gió,…; sạt lở bờ mỏ, moong khai thác và hệ thống chống sét; thực hiện đầy đủ công tác kiểm định máy móc, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn trước khi đưa vào sử dụng theo quy định.

Chủ động theo dõi chặt chẽ diến biến thời tiết để kịp thời triển khai các biện pháp ứng phó với các tình huống thiên tai. Thông tin, cảnh báo kịp thời đến các đơn vị trực thuộc, người lao động để chủ động các biện pháp phòng tránh và có phương án đảm bảo an toàn cho công trình và khu dân cư lân cận, nhất là trong tình huống mưa lũ lớn; chỉ cho phép công nhân trở lại làm việc sau khi đã kiểm tra, đánh giá đảm bảo an toàn. Tập trung lực lượng, máy móc thiết bị, phương tiện, vật tư sẵn sàng ứng cứu, ứng phó khi có sự cố thiên tai xảy ra…/.

Thu Cúc