Độ tương phản
Cầu tràn Bằng Lãng (Chợ Đồn) trong đợt mưa lũ tháng 8/2024
Theo số liệu thống kê mới nhất, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 2.438 công trình thuỷ lợi lớn, vừa và nhỏ, trong đó, UBND tỉnh quản lý 236 công trình với tổng diện tích tưới tiêu là 3.853,64 ha; UBND cấp huyện quản lý 2.202 công trình với tổng diện tích tưới tiêu 7.218,32 ha; có 35 công trình là hồ chứa nước (bao gồm 11 hồ chứa lớn, 10 hồ chứa vừa, 14 hồ chứa nhỏ), dung tích các hồ chủ yếu dưới 1 triệu m³, có 3 hồ có dung tích trên 1 triệu m³; có 41 trạm bơm nhỏ là các trạm bơm điện, bơm dầu, bơm thủy luân, còn lại là các công trình đập dâng, kênh dẫn, trong đó có 3 đập dâng có chiều cao đập lớn hơn 5 m. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh còn có hệ thống kênh mương với chiều dài khoảng 2.328 km, trong đó 1.592 km kênh mương đã được kiên cố hóa, chiếm khoảng 68%.
Năm 2024, do ảnh hưởng của mưa lũ, đặc biệt là do ảnh hưởng của hoàn lưu sau bão Yagi đã gây ra thiệt hại lớn về công trình thủy lợi với 117 công trình thuỷ lợi bị sạt lở, hư hỏng; 557m kè bờ sông, suối bị sạt lở; 879 m kênh mương bị sạt, hư hỏng.
Từ đầu năm đến nay, công tác quản lý, đầu tư xây dựng và duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp hồ, đập và công trình phòng, chống thiên tai được quan tâm thực hiện; việc sửa chữa các hồ chứa thủy lợi sau bão lũ đang tiếp tục được triển khai theo quy định. Các đơn vị, địa phương tiếp tục rà soát, kiện toàn Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai. Ban Quản lý Dự án công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh đã đề nghị UBND tỉnh báo cáo cấp có thẩm quyền đưa Dự án cụm công trình thủy lợi Bắc Kạn được đầu tư bằng nguồn vốn Trung ương do Bộ Nông nghiệp và Môi trường quản lý vào danh mục các công trình trọng điểm của tỉnh.
Để đảm bảo quản lý an toàn công trình thủy lợi trước mùa mưa lũ, Sở Nông nghiệp và Môi trường vừa có văn bản đề nghị, đôn đốc UBND các huyện, thành phố, Công ty TNHH MTV Quản lý, khai thác công trình thủy lợi Bắc Kạn tổ chức kiểm tra, đánh giá tổng thể an toàn các công trình thuỷ lợi trước mùa mưa, lũ trên địa bàn được giao quản lý, trong đó đánh giá cụ thể về dung tích, khu tưới, diện tích thực tế đang phục vụ và các nhu cầu sử dụng nước, nhu cầu khai thác tối đa mục tiêu để sử dụng hiệu quả hồ chứa; kiểm tra, phân loại an toàn đập, hồ chứa theo hướng dẫn về Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 11699: 2023 công trình thủy lợi - đánh giá an toàn đập, hồ chứa nước; lập danh mục công trình bị hư hỏng, xuống cấp và báo cáo UBND tỉnh bố trí kinh phí sửa chữa, khắc phục ngay các công trình, hạng mục công trình bị hư hỏng để tránh xảy ra sự cố mất an toàn cho công trình và vùng hạ du đập.
Cùng với đó là rà soát các phương án bảo vệ, phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp, bản đồ ngập lụt hạ du hồ chứa để sửa đổi những nội dung không còn phù hợp, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; phân công trách nhiệm cụ thể đến từng tổ chức, cá nhân liên quan thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an toàn công trình thủy lợi trong mùa mưa, lũ.
Thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý an toàn công trình thủy lợi, trong đó lưu ý xây dựng phương án bảo vệ, phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp, bản đồ ngập lụt hạ du đập, quy trình vận hành, kiểm định an toàn đập, bảo trì, quan trắc công trình, quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng. Rà soát, đánh giá năng lực chống lũ của hồ chứa, khả năng xả lũ qua công trình tràn và khả năng tiêu thoát lũ sau tràn, hạ du đập, có giải pháp xử lý các điểm cản trở dòng chảy thoát lũ; rà soát điều chỉnh quy trình vận hành (nếu cần) đáp ứng yêu cầu vận hành bảo đảm an toàn công trình và vùng hạ du hồ chứa, đồng thời tích đủ nước phục vụ cấp nước theo nhiệm vụ của hồ chứa.
Tổ chức trực ban nghiêm túc trong mùa mưa, lũ; theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ, mực nước hồ chứa trên các sông, suối vùng hạ du, vùng trũng thấp để chủ động có phương án điều tiết hồ chứa nước trên địa bàn thuộc thẩm quyền và trách nhiệm được giao. Bố trí lực lượng đảm bảo đủ năng lực chuyên môn để vận hành; tổ chức trực ban trong mùa mưa, lũ và cử cán bộ thường trực tại công trình; thường xuyên kiểm tra an toàn công trình kể cả khi không có mưa, lũ để phát hiện và xử lý ngay từ giờ đầu khi có sự cố xảy ra; vận hành thử cửa van, thiết bị phục vụ xả lũ của các hồ chứa, bố trí đủ vật tư, thiết bị dự phòng, bảo đảm kịp thời sửa chữa, thay thế khi có sự cố vận hành và sẵn sàng xử lý sự cố theo phương châm “bốn tại chỗ”.
Đồng thời tổ chức, kiểm tra, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thi công công trình thuộc phạm vi quản lý, đảm bảo hoàn thành tiến độ thi công vượt lũ, chống lũ an toàn; yêu cầu các chủ đầu tư, đơn vị thi công thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy lợi trong giai đoạn thi công./.
Cần đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng cho gia súc, gia cầm đợt 1 năm 2025 (03/04/2025)
Tăng cường phòng cháy, chữa cháy đối với nhà cao tầng (02/04/2025)
Xử phạt hơn 2.200 trường hợp vi phạm quy định về an toàn giao thông (02/04/2025)
Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức giao ban công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở quý I (28/03/2025)
Vi phạm Luật Lâm nghiệp quý I/2025 giảm 24 vụ so với cùng kỳ (25/03/2025)