Độ tương phản
Rà soát, giải ngân nhanh các gói hỗ trợ
Thảo luận tại hội trường, đại biểu Ma Thị Thúy (Đoàn Tuyên Quang) nhận định, năm 2022, nước ta đã thực hiện thắng lợi khá toàn diện nhiều mục tiêu, nhiệm vụ, vừa đảm bảo phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, đại biểu Ma Thị Thúy cũng chỉ rõ những khó khăn và yếu tố bất lợi tác động đến chỉ tiêu năm 2023 như: đầu tư công triển khai chậm, tiêu dùng và xuất khẩu giảm, thị trường xuất khẩu và đơn đặt hàng bị thu hẹp, nguồn lực của doanh nghiệp suy giảm nhiều… Đồng tình với 11 nhóm giải pháp mà Chính phủ đã chỉ ra, đại biểu đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương quan tâm một số giải pháp như cần sớm rà soát toàn diện các chính sách hỗ trợ, ưu đãi đang được triển khai, xem chính sách nào hiệu quả, chính sách nào chưa thực sự hiệu quả để tạm dừng hoặc có biện pháp thay đổi kịp thời để bổ sung nguồn lực cho nền kinh tế.
Đại biểu Ma Thị Thúy cho rằng, biện pháp nhanh nhất, hiệu quả nhất và doanh nghiệp dễ hấp thụ nhất trong lúc này chính là dùng công cụ tài khóa để hỗ trợ trực tiếp doanh nghiệp như giảm lãi suất ngân hàng, giảm tiền thuê đất, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; giảm, giãn, miễn lãi chậm nộp bảo hiểm xã hội...
Đại biểu cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần có cơ chế, chính sách riêng, cụ thể về đầu tư công; quyết tâm, sát sao hơn nữa để gỡ các vướng mắc, nhất là các vướng mắc về thể chế, văn bản hướng dẫn cho các địa phương.
Đại biểu Trần Thị Vân (Đoàn Bắc Ninh) bày tỏ đồng thuận với với giải pháp giảm thuế Giá trị gia tăng 2% cho doanh nghiệp, gói hỗ trợ mua nhà ở xã hội cho công nhân lao động. Tuy nhiên, theo đại biểu, việc giải ngân các gói hỗ trợ còn rất thấp nên cần đẩy nhanh tiến độ...
Đại biểu Trần Thị Vân nêu rõ, chỉ trong vòng hơn một năm, đã có 3 gói hỗ trợ dành cho người thụ hưởng chính là công nhân lao động. Điều này thể hiện sự quan tâm và trách nhiệm của Quốc hội, của Chính phủ đối với công nhân lao động trong cả nước. Tuy nhiên, 2 gói hỗ trợ theo Nghị quyết 43 và Nghị quyết 11 thì hiện đang giải ngân rất thấp, gói giảm lãi suất 2% hiện mới giải ngân được gần 1% và 15.000 tỷ đồng thì được trên 34%. Bây giờ, Chính phủ lại giao tiếp gói 120.000 tỷ đồng, trong đó đối tượng và thời gian kết thúc của 3 gói tín dụng này thì đang trùng lắp nhau và đều kết thúc vào cuối năm 2023. “Vấn đề đặt ra đây là 2 gói tín dụng trước chúng ta còn chưa hấp thụ hết thì liệu gói 120.000 tỷ đồng có khả thi hay không? Trong khi Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở đang được sửa đổi và quy hoạch thì chúng ta chưa phê duyệt xong”, đại biểu đặt câu hỏi.
Trước bất cập trên, đại biểu Trần Thị Vân đề nghị Chính phủ gộp 3 gói hỗ trợ thành 1 và đề xuất cho kéo dài đến hết năm 2025 thì mục tiêu xây dựng 1 triệu căn hộ mà Chính phủ đề ra mới có thể hoàn thành.
Đại biểu Bố Thị Xuân Linh (Đoàn Bình Thuận) nêu thực trạng khó khăn của ngành giáo dục như: Nhiều cơ sở giáo dục được xây dựng từ rất lâu, có diện tích phòng nhỏ, không đảm bảo các quy định về quy chuẩn diện tích phòng học nhưng vẫn không có điều kiện để tu sửa, mở rộng kết cấu, trong khi số học sinh lại ngày một tăng thêm; tình trạng thừa thiếu giáo viên ở cấp giáo dục phổ thông. Vì vậy, đại biểu đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm tham mưu với Chính phủ tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chế độ chính sách liên quan đến phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; đặc biệt là chính sách hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo và có hoàn cảnh khó khăn, nhằm tạo điều kiện học tập, duy trì sĩ số học sinh, nâng chất lượng giáo dục và trình độ dân trí vùng miền núi, dân tộc thiểu số.
Chỉ ra vấn nạn bạo lực học đường và trẻ em bị xâm hại cũng đang ngày càng tăng lên, đại biểu đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành phải có chính sách và tập trung tuyên truyền, giáo dục, hỗ trợ cho gia đình để cùng chung tay ngăn chặn tình hình bạo lực học đường cũng như xâm hại trẻ em. Đặc biệt, trong tháng hành động vì trẻ em hàng năm và năm 2023, đại biểu Bố Thị Xuân Linh đề nghị các cấp, các ngành phải có Chương trình, Kế hoạch hoạt động cụ thể và tổ chức rộng khắp, thiết thực hướng về trẻ em nhằm ngăn chặn thực trạng trên.
Cần có giải pháp trị căn bệnh “sợ trách nhiệm”
Đại biểu Trần Quốc Tuấn (Đoàn Trà Vinh) đặt câu hỏi tại sao từ trước tới nay, không xuất hiện hiện tượng cán bộ có tâm lý, sợ trách nhiệm mà đến nay mới xuất hiện? Không những thế, còn lan rộng từ Trung ương đến địa phương và tiếp tục lan rộng từ khu vực công đến khu vực tư. Do vậy, theo đại biểu cần phải xác định được nguyên phát của căn bệnh này thì mới có thể điều trị bệnh một cách hiệu quả, đồng nghĩa với việc chúng ta cần phân hóa, phân định rõ một bộ phận cán bộ sợ trách nhiệm ấy gồm những cán bộ nào và nguyên nhân nào dẫn đến sự tồn tại của một bộ phận cán bộ sợ trách nhiệm như thế?!
Đại biểu cho rằng có hai nhóm cán bộ: Một là cán bộ suy thoái về tư tưởng chính trị, cán bộ né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai, cán bộ không muốn làm vì không có lợi ích gì. Hai là những cán bộ sợ vi phạm pháp luật nên không dám làm.
Đại biểu Trần Quốc Tuấn đề xuất Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm tập trung nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung đầy đủ các nội dung quy định của pháp luật, đặc biệt là các văn bản dưới luật, đảm bảo tính chặt chẽ, thống nhất, dễ áp dụng để các địa phương, đơn vị, tổ chức, cá nhân có thể triển khai thực hiện được ngay.
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền nhiều hơn nữa. Nếu thực hiện tốt công việc này sẽ giảm bớt áp lực, gánh nặng cho các cơ quan cấp trên, đồng thời tăng cường trách nhiệm cho các địa phương và cơ quan cấp dưới. Đồng thời, tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát để hướng dẫn, nhắc nhở, đôn đốc thực thi công vụ có hiệu quả.
Đại biểu Ma Thị Thúy (Đoàn Tuyên Quang) cũng đề nghị đẩy mạnh phân cấp, giao quyền về cho địa phương chủ động thực hiện và tự chịu trách nhiệm như là việc phân cấp chuyển mục đích sử dụng đất lúa, chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng.
Cùng với đó, các bộ, ngành và địa phương cần tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp, tăng cường kỷ luật kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công và cần bám sát, đánh giá đúng tình hình, chú trọng nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án; chuẩn bị tốt mặt bằng sạch cho thi công./.
Thế giới năm 2024: Những điểm sáng giữa muôn vàn sóng gió (03/01/2025)
Thế giới tuần qua: Thúc đẩy hòa bình và vượt qua sự chia rẽ (01/01/2025)
Biến 2025 thành một "khởi đầu mới" cho tương lai tốt đẹp hơn (01/01/2025)
Quan hệ Mỹ - Panama căng thẳng vì tranh cãi phí qua kênh đào (23/12/2024)
Cơ chế hoạt động của vaccine ngừa ung thư Enteromix của Nga (21/12/2024)