PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

18/05/2023
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Dự án khoa học “Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau tại thành phố Bắc Kạn” mở ra hướng đi mới cho sản xuất rau, quả tại Bắc Kạn
Từ dự án khoa học “Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau tại thành phố Bắc Kạn”, các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau, quả được nhân rộng trên địa bàn thành phố và các địa phương trong tỉnh, góp phần cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho người tiêu dùng, đồng thời nâng cao thu nhập cho người nông dân.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

HTX Dương Quang (thành phố Bắc Kạn sản xuất dưa lưới trong nhà màng

Những năm trước đây, sản xuất rau tại thành phố Bắc Kạn không đủ cung cấp cho nhu cầu hằng ngày của thị trường nên rau xanh vẫn phải nhập từ các tỉnh lân cận như Thái Nguyên, Bắc Giang… ; chất lượng rau không được quản lý. Do đó, UBND tỉnh cho phép Viện Nghiên cứu và Phát triển công nghệ Nông lâm nghiệp Thành Tây chủ trì thực hiện dự án khoa học “Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau tại thành phố Bắc Kạn” nhằm xây dựng thành công mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất rau tại phường Huyền Tụng, thành phố Bắc Kạn; hình thành vùng sản xuất rau an toàn chuyên canh với công nghệ tiên tiến. Trên cơ sở đó, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn, xoá đói giảm nghèo và từng bước hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn.

Dự án được triển khai trong thời gian từ tháng 11/2016 - 10/2018 tại phường Huyền Tụng với các nội dung chủ yếu: Điều tra đánh giá hiện trạng sản xuất tại vùng dự án, lựa chọn địa bàn và xác định diện tích sản xuất cho từng dạng công nghệ sẽ áp dụng; xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho vùng dự án; đào tạo, tập huấn, chuyển giao công nghệ; xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau an toàn và tổ chức hội nghị, hội thảo đánh giá các mô hình.

Sau 2 năm triển khai thực hiện, cùng với việc đầu tư cơ sở vật chất, Dự án đã xây dựng các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau an toàn như mô hình trồng trái vụ dưới vòm che thấp và sản xuất rau ngoài đồng, mô hình sản xuất rau trong nhà mái che (vòm che cao), mô hình sản xuất rau ăn quả trên hệ thống thuỷ canh bán tuần hoàn. Các mô hình đều thể hiện được tính ưu việt và khả thi, thu nhập cao hơn so với trồng rau truyền thống 2 - 3 lần và cao hơn so với mục tiêu đặt ra. Dự án đã đào tạo kỹ thuật cho 20 cán bộ nông nghiệp của 7 huyện, thành phố về các kỹ thuật sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao, kỹ thuật sản xuất rau an toàn; tập huấn quy trình sản xuất rau trong nhà lưới, nhà vòm, sản xuất rau an toàn ngoài đồng cho 50 lượt nông dân tham gia dự án và nông dân vùng dự án.

Theo báo cáo đánh giá của UBND thành phố Bắc Kạn, đây là dự án có hiệu quả kinh tế cao, các mô hình dự án có khả năng nhân rộng. Sau khi Dự án đi vào hoạt động, nhiều tổ chức, cá nhân đến tham quan, học tập và nhận thấy việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất đem lại hiệu quả cao nên đã mạnh dạn đầu tư xây dựng nhà lưới, mở rộng diện tích trồng rau, củ, quả các loại. Đồng thời, thành phố đã bố trí lồng ghép các nguồn vốn để hỗ trợ người dân nhân rộng dự án với tổng kinh phí 423,3 triệu đồng. Trong đó, nguồn vốn chương trình sự nghiệp nông nghiệp thành phố 123,3 triệu đồng hỗ trợ đầu tư xây dựng 2 nhà lưới diện tích 2.500 m2 tại phường Phùng Chí Kiên và Huyền Tụng; nguồn vốn sự nghiệp Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới 300 triệu đồng hỗ trợ Hợp tác xã (HTX) Dương Quang xây dựng nhà lưới diện tích 1.000 m2.

Đến nay, thành phố có 10 nhà lưới công nghệ cao chuyên trồng các loại rau, củ, quả, hoa với diện tích 1 ha, đặc biệt có sản phẩm dưa lưới của HTX Dương Quang thực hiện quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP được cấp chứng nhận; 1 mô hình thủy canh kết hợp nuôi cá lăng (mô hình đầu tiên trồng rau Aquaponics). Nếu như trước khi thực hiện dự án, toàn thành phố có khoảng 125 ha/năm rau, đậu các loại thì nay toàn thành phố có 221 ha rau, đậu các loại, tăng 96 ha, năng suất đạt 122,6 tạ/ha, sản lượng ước đạt 2.709 tấn, tăng hơn 1.000 tấn. Riêng phường Huyền Tụng, hiện có 25 ha sản xuất rau, quả, trong đó có 0,34 ha diện tích sản xuất trong nhà lưới.

Không chỉ tại thành phố Bắc Kạn, qua tham quan học tập các mô hình dự án và được đào tạo, tập huấn ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhiều HTX, hộ dân tại các địa phương đã mạnh dạn ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất rau, quả như HTX Thanh niên Như Cố, HTX Nông nghiệp sạch Tân Sơn (Chợ Mới), HTX Đại Hà (Bạch Thông), HTX Phúc Ba (Ba Bể)… Các mô hình thực hiện có hiệu quả đã góp phần cung cấp rau, củ sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm cho thị trường trong và ngoài tỉnh, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân./.

Hương Dịu