PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

13/04/2023
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Đưa văn hóa thông tin lên vùng dân tộc thiểu số miền núi
Để tạo sự đa dạng, phong phú trong sân chơi giải trí cho Nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh, những năm qua, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nỗ lực đưa hoạt động văn hóa, văn nghệ về cơ sở, góp phần thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa miền núi, vùng sâu, vùng xa với đô thị và trong các tầng lớp nhân dân.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Đội Tuyên truyền lưu động thuộc Trung tâm Văn hóa và Xúc tiến Du lịch tổ chức hoạt động đưa thông tin về
cơ sở gắn tuyên truyền Đề cương văn hóa Việt Nam tại xã Thanh Vận (Chợ Mới)

Mỗi năm, Đội Tuyên truyền lưu động cấp tỉnh tổ chức được 100 buổi tuyên truyền tại cơ sở; cấp huyện tổ chức từ 10 - 15 buổi. Đoàn Nghệ thuật dân tộc tỉnh tổ chức 80 buổi biểu diễn phục vụ Nhân dân. Các chương trình văn hóa, văn nghệ phục vụ Nhân dân ngày càng được đầu tư, dàn dựng công phu thông qua các hình thức như văn nghệ, câu chuyện thông tin, cổ động trực quan có nội dung đa dạng, phong phú và hấp dẫn, thu hút đông đảo người xem. Thông qua các buổi tuyên truyền tại cơ sở đã kịp thời truyền tải các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân.

Bên cạnh đó, mỗi năm, Trung tâm Văn hóa và Xúc tiến Du lịch tổ chức 1.680 buổi chiếu phim phục vụ Nhân dân các thôn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Phần lớn các chương trình phim do Cục Điện ảnh phát hành đều có nội dung đặc sắc như chiếu phim về đề tài chiến tranh cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, truyền thống lịch sử của dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, về tình yêu và tuổi trẻ, người tốt, việc tốt; phim tài liệu tuyên truyền phòng chống dịch bệnh, công tác kế hoạch hóa gia đình, tuyên truyền tác hại của ma túy, phòng chống tội phạm, xây dựng nông thôn mới… Đặc biệt, trong 2 năm 2021 và 2022 khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, Trung tâm đã chuyển hướng tổ chức hoạt động chiếu phim lưu động sang tuyên truyền phòng chống dịch bệnh, tiếp cận với các khu vực đông dân cư để tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19, vừa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, đảm bảo tốt nhiệm vụ chính trị đề ra của đơn vị, vừa nâng cao được hiệu quả tuyên truyền, đáp ứng nhu cầu thông tin và hưởng thụ văn hóa của Nhân dân.

Thực tế cho thấy, hiện nay, các phương tiện truyền thông đại chúng ngày càng đa dạng, những kiến thức gia đình, xã hội, tình hình kinh tế, chính trị không chỉ ở địa phương mà của tỉnh, cả nước và quốc tế luôn được người dân cập nhật qua hệ thống báo, đài. Tuy nhiên, người dân tại các địa phương vẫn luôn mong muốn thưởng thức những chương trình văn hóa, văn nghệ quần chúng qua các hội thi, hội diễn… Hằng năm, ngoài các chương trình liên hoan, hội thi, hội diễn do tỉnh, huyện tổ chức, trong những dịp lễ, tết, ngày kỷ niệm, tại hầu hết các địa phương đều tổ chức hoạt động văn nghệ thể thao, thu hút người dân tham gia. Trong những hoạt động này, các tiết mục tham gia đều hướng vào tập trung ca ngợi Đảng, Bác Hồ kính yêu, quê hương, đất nước, được đầu tư dàn dựng công phu, chất lượng nghệ thuật tốt và có tính lan tỏa cao, phù hợp với thị hiếu của người dân địa phương.

Chương trình nghệ thuật của đội văn nghệ quần chúng huyện Na Rì nhằm góp phần bảo tồn di sản hát then
đàn tính

Xuất phát từ chính nhu cầu nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của người dân, phong trào văn nghệ quần chúng trên địa bàn tỉnh đã luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm duy trì, nhân rộng. Hệ thống câu lạc bộ văn hóa văn nghệ, nhóm sở thích được người dân tham gia nhiệt tình, các mô hình đội văn nghệ quần chúng, câu lạc bộ văn hóa văn nghệ... được hình thành và phát triển với nhiều quy mô khác nhau. Theo thống kê, hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 400 câu lạc bộ văn nghệ quần chúng, đội văn nghệ quần chúng.

Để nâng cao chất lượng nghệ thuật trong các chương trình văn nghệ quần chúng, Trung tâm Văn hóa và Xúc tiến du lịch tỉnh đã đến cơ sở, hướng dẫn cách dàn dựng chương trình, nâng cao kỹ năng biểu diễn. Nhờ vậy, trong các hội thi gần đây, chất lượng nghệ thuật của các đội văn nghệ được nâng lên rõ rệt, nhiều tiết mục đã khai thác được vốn văn nghệ truyền thống của các dân tộc trên địa bàn. Đặc biệt, hoạt động của các đội văn nghệ quần chúng trên địa bàn tỉnh đã bắt đầu gắn với hoạt động phát triển du lịch cộng đồng, gắn phong trào văn hóa - văn nghệ với phát kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới. Du khách đến tham quan không chỉ được tìm hiểu các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh mà còn có thể tìm hiểu bản sắc văn hóa dân tộc bản địa thông qua các chương trình giao lưu văn nghệ tại các điểm du lịch, các làng, bản văn hóa, cơ sở lưu trú...

Theo ông Ngô Văn Vấn - Giám đốc Trung tâm Văn hóa và Xúc tiến du lịch tỉnh, các hoạt động văn hóa, văn nghệ phục vụ Nhân dân tại cơ sở như biểu diễn nghệ thuật; tuyên truyền lưu động; chiếu phim vùng cao và xây dựng các đội văn nghệ tuyên truyền, cổ động; câu lạc bộ văn hóa, thể thao - Làng văn hóa do Đoàn Nghệ thuật Dân tộc tỉnh, Trung tâm Văn hóa và Xúc tiến du lịch tỉnh triển khai thực hiện tại cơ sở luôn được người dân quan tâm, đón nhận. Các nội dung hoạt động cơ bản đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân và xây dựng lối sống văn hóa lành mạnh trên toàn địa bàn.

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của kinh tế thị trường, các loại hình văn hóa, văn nghệ truyền thống các dân tộc đang dần dần bị mai một, các loại hình trình diễn văn nghệ dân gian truyền thống chỉ còn được sử dụng trong các dịp lễ, hội của dân tộc và lưu giữ ở những người cao tuổi. Thị hiếu của người dân cũng dần hướng đến những chương trình mang tính chất hiện đại.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Thị Tho cho biết, trong thời gian tới, Ngành tiếp tục triển khai thực hiện Đề án “Chương trình hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2030” trên địa bàn tỉnh, trong đó tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm như nghiên cứu, xây dựng và nhân rộng mô hình các đội văn nghệ dân gian, dân tộc ở thôn, bản vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống các dân tộc trong tỉnh. Tổ chức các ngày hội, giao lưu, hội thi, hội diễn cấp tỉnh và cấp huyện. Tăng cường các hoạt động nghệ thuật biểu diễn, chiếu phim lưu động phục vụ đồng bào các dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa.../.

Thu Trang