PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

08/08/2024
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng giáo dục
Những năm qua, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào các hoạt động giáo dục để cải tiến phương pháp, hình thức và công cụ giảng dạy, học tập được phát triển khá rộng rãi trong các nhà trường trên địa bàn tỉnh. Với sự hỗ trợ của các nền tảng số ngày càng phong phú, việc dạy và học đã phát huy được vai trò sáng tạo của các chủ thể giáo dục, dần tiệm cận tới mục tiêu giáo dục chủ động, góp phần thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData


Ngày hội STEM - học sinh Trường Tiểu học Sông Cầu, thành phố Bắc Kạn được trải nghiệm sáng tạo nhiều mô hình học tập

Nhiều sáng kiến, giải pháp trong lĩnh vực giáo dục

Công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ thời gian qua đã được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo thực hiện. Ngành Giáo dục và Đào tạo đã tích cực triển khai nhiệm vụ này. Các đơn vị, cơ sở giáo dục và đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh đã tích cực hưởng ứng, gắn với thực hiện phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập” do Ngành phát động. Các giải pháp, sáng kiến, sản phẩm trong công tác, nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ trong quản lý, giảng dạy giáo dục học sinh... góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.

Các cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh cho học sinh trung học được Ngành chú trọng tổ chức; thông qua các cuộc thi từ năm 2017 đến nay đã có gần 200 sản phẩm dự thi, trong đó đã lựa chọn 16 sản phẩm dự thi cấp quốc gia, có 4 dự án đạt giải chính thức và 13 dự án được nhận giấy khen.

Hằng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo tích cực vận động cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh tham gia Hội thi sáng tạo kỹ thuật, Cuộc thi sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng và có nhiều sản phẩm, đề tài dự thi. Nhiều sản phẩm, đề tài dự thi của học sinh được đánh giá cao, đoạt giải cấp tỉnh và được gửi dự thi cấp toàn quốc và đoạt giải cao, góp phần thúc đẩy công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ của Ngành và của tỉnh.

Năm 2020, có 143 đề tài của học sinh tham gia Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh Bắc Kạn lần thứ 5, trong đó có 1 đề tài đạt giải Đặc biệt, 1 đề tài đạt giải Nhất, 2 đề tài đạt giải Nhì, 2 đề tài đạt giải Ba, 10 đề tài đạt giải Khuyến khích, đặc biệt có 1 đề tài đạt giải Khuyến khích cấp toàn quốc.

Năm 2022, có 123 đề tài của học sinh tham gia Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh Bắc Kạn lần thứ 6, trong đó có 1 đề tài đạt giải Đặc biệt, 1 đề tài đạt giải Nhất, 2 đề tài đạt giải Nhì, 3 đề tài đạt giải Ba, 9 đề tài đạt giải Khuyến khích. Từ năm 2023 đến nay, có gần 100 sáng kiến, giải pháp của học sinh các trường trên địa bàn được công nhận và đạt giải cấp tỉnh.

Đam mê nghiên cứu khoa học cùng sự sáng tạo, năm 2022, em Nông Hồng Minh, học sinh lớp 12A3 Trường THPT Bắc Kạn đã thành công với mô hình “Thiết bị lặn không người lái”. Em chia sẻ, ban đầu khi lên ý tưởng thực hiện đề tài dự thi đã gặp không ít khó khăn, nhất là việc thiếu vật tư, thiết bị. Ngoài ra, các loại tài liệu tham khảo cũng không nhiều. Sau nhiều lần thử nghiệm, em tự phác thảo bản vẽ mô hình với các hệ thống cân bằng, chuyển động, cấp điện, truyền dẫn tín hiệu… Nhờ những cố gắng của bản thân cùng sự động viên, khích lệ, sự hỗ trợ cả về vật chất lẫn chuyên môn từ phía gia đình và nhà trường, Minh đã đúc kết được kinh nghiệm và chỉnh sửa để sản phẩm hoàn thiện hơn.

Mô hình “Thiết bị lặn không người lái” đã giành giải Nhì cấp tỉnh tại Cuộc thi “Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Bắc Kạn lần thứ 6 năm 2022”. Đề tài của Minh sau đó được tỉnh Bắc Kạn lựa chọn tham dự Cuộc thi “Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần thứ 18, năm 2022” và em đã xuất sắc vượt qua nhiều thí sinh khác để giành được giải Nhì Cuộc thi này. Kết quả trên cũng giúp Minh nhận được Bằng khen của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; Bằng khen của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Vừa qua, Nông Hồng Minh được tôn vinh là “Tài năng khoa học và công nghệ trẻ” tỉnh Bắc Kạn 2024.

Từng bước xây dựng mô hình trường học thông minh

Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, nhất là công nghệ thông tin trong những năm gần đây đã đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Ngành Giáo dục và Đào tạo cũng có những chuyển đổi mạnh mẽ. Nhiều phương thức tiên tiến ứng dụng công nghệ thông tin vào trong dạy học, giáo dục ở các nhà trường như: Dạy học dựa trên máy tính, dạy học dựa trên web, dạy học trực tuyến, dạy học từ xa… đã góp phần từng bước chuyển trường học truyền thống thành trường học hiện đại, trường học thông minh.

Trong triển khai Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, giáo dục STEM là một phương thức nhằm trang bị cho học sinh những kiến thức khoa học gắn liền với ứng dụng trong thực tiễn, nâng cao rèn luyện kỹ năng liên quan đến 4 yếu tố là khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học. Giáo dục STEM của tỉnh đã và đang được 100% trường học cấp THCS và THPT trên địa bàn tỉnh áp dụng trong một số chủ đề, bài học, trong đó có 39 trường tiểu học triển khai thực hiện thí điểm dạy học STEM năm học 2023 - 2024, triển khai đại trà 100% các trường tiểu học từ năm học 2024 - 2025. Bên cạnh đó, mô hình trường học gắn với thực tiễn cũng góp phần hình thành tri thức, thúc đẩy sự tìm tòi, nghiên cứu, ứng dụng tri thức khoa học vào thực tiễn. Hiện nay, mô hình trường học gắn với thực tiễn có 100% các trường cấp THCS và THPT triển khai thực hiện.

Ngoài ra, hằng năm, ngành Giáo dục và Đào tạo quan tâm chỉ đạo, khuyến khích đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên của Ngành viết các đề án, đề tài, sáng kiến ứng dụng trong công tác; trong 10 năm qua, đã có 332 đề án, đề tài, sáng kiến thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo được đánh giá, công nhận có ảnh hưởng và hiệu quả áp dụng trong phạm vi cấp tỉnh. Chất lượng giáo dục và đào tạo có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng giáo dục đại trà được nâng cao, đặc biệt là giáo dục mũi nhọn có nhiều thành tích nổi trội, số học sinh đoạt giải quốc gia đã được nâng lên cả về số lượng và chất lượng.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức quản lý và dạy học được thực hiện có hiệu quả. Các trường đã ứng dụng phần mềm để dạy và học, nhất là trong giai đoạn ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Các năm học gần đây và hiện nay, ngành Giáo dục và Đào tạo tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục, quản trị nhà trường, tiếp tục thực hiện chuyển đổi số trong Ngành; 100% các cơ sở giáo dục thực hiện quản lý nhà trường, quản lý giáo dục trên môi trường mạng, sử dụng sổ theo dõi và đánh giá điện tử, sổ điểm điện tử, học bạ điện tử, sổ đăng bộ điện tử; 97,87% cơ sở giáo dục thực hiện tuyển sinh đầu cấp trực tuyến… Những kết quả đạt được trong ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số trong ngành Giáo dục và Đào tạo đã tạo tiền đề để từng bước xây dựng mô hình trường học thông minh.

Trong thời gian tới, tỉnh Bắc Kạn tiếp tục chỉ đạo ngành Giáo dục và Đào tạo tăng cường công tác quán triệt, tuyên truyền, khuyến khích giáo viên và học sinh tích cực nghiên cứu khoa học, kỹ thuật để áp dụng vào giảng dạy, giáo dục học sinh; tích cực tham gia các hội thi, cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật do các cấp tổ chức để có cơ hội trau dồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng sáng tạo. Phát huy vai trò của giáo viên trong việc tuyên truyền, động viên, khích lệ và hướng dẫn học sinh xây dựng các đề tài, sản phẩm sáng tạo, khoa học và công nghệ để tham gia các cuộc thi, hội thi. Thực hiện có hiệu quả việc ứng dụng nghiên cứu khoa học kỹ thuật vào phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập” ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Kạn; chỉ đạo thực hiện hiệu quả giáo dục STEM, mô hình trường học gắn với thực tiễn...; ứng dụng các sản phẩm về khoa học công nghệ vào việc giảng dạy, học tập để phục vụ các mục tiêu phát triển của Ngành./.

Hương Lan