PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

17/11/2020
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Hiệu quả từ dự án giảm nghèo cho cộng đồng người dân tộc thiểu số
Dự án “Cải thiện sinh kế và quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên cho các cộng đồng người dân tộc thiểu số” do tổ chức Bánh Mỳ cho thế giới tài trợ và được Trung tâm CHIASE phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bắc Kạn triển khai tại các xã Yên Cư, Yên Hân (Chợ Mới) đã bước đầu giúp người dân tộc thiểu số tại 02 xã được hưởng lợi giảm nghèo một cách bền vững.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData


Đóng gói chè mướp đắng rừng tại THT Tam Hoa, thôn Phiêng Lầu, xã Yên Cư

Bà Hà Thị Liễu - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cho biết, Dự án “Cải thiện sinh kế và quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên cho các cộng đồng người dân tộc thiểu số” được thực hiện từ 01/11/2015 - 31/10/2017. Các mô hình và phương pháp của Dự án được lồng ghép và nhân rộng trong các chương trình giảm nghèo của địa phương. Dự án đã tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật trong canh tác, góp phần cải thiện đời sống của đồng bào người dân tộc thiểu số nghèo trong xã Yên Cư. Đến năm 2017, có 200 hộ nghèo và cận nghèo khác trong xã Yên Cư đã lồng ghép kế hoạch sản xuất của hộ vào kế hoạch giảm nghèo của địa phương. Vào năm cuối Dự án (năm 2017), đã có 90% hộ nghèo và cận nghèo thuộc 04 thôn: Thái Lạo, Bản Cháo, Bản Tám, Phiêng Lầu của xã Yên Cư được nâng cao thu nhập lên 30% so với năm 2015.

Từ kết quả ban đầu được ghi nhận và đánh giá cao, bước sang giai đoạn 2018-2020, trên cơ sở tiếp tục duy trì các mô hình đã triển khai tại xã Yên Cư, Dự án đã mở rộng triển khai thêm trên địa bàn xã Yên Hân, một địa phương có nét tương đồng với xã Yên Cư về điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng và tập quán canh tác.

Mục tiêu đến cuối Dự án, có 90% hộ nghèo và cận nghèo thuộc 14 thôn trên địa bàn 02 xã được nâng cao thu nhập lên 30% so với năm 2017; các mô hình, phương pháp và ý kiến đóng góp của Dự án được ghi nhận đóng góp vào ít nhất 01 chương trình, chính sách giảm nghèo.

Sau ba năm triển khai thực hiện, Dự án đã thành lập được 41 nhóm sở thích với tổng số 611 thành viên tham gia. Trong đó, chăn nuôi gà bản địa có 04 nhóm với 55 thành viên tham gia; chăn nuôi lợn đen bản địa có 02 nhóm với 27 thành viên tham gia; trồng cây ăn quả (ổi) có 03 nhóm với 63 thành viên tham gia; chăn nuôi gà thịt có 07 nhóm với 88 thành viên... Ngoài ra, thành lập được 02 hợp tác xã (HTX) sản xuất chè Shan tuyết Thái Lạo và Tát Vạ với 20 thành viên tham gia; 01 tổ hợp tác (THT) nuôi ong Bản Tinh với 10 thành viên tham gia, 01 THT Tam Hoa với 10 thành viên. Duy trì các hoạt động của 20 tổ nhóm và 01 HTX, với tổng số 399 thành viên tham gia.


Người dân Thái Lạo thu hoạch chè

Hiệu quả của các mô hình cũng được thể hiện rõ nét. Tiêu biểu như mô hình sản suất chè Shan tuyết Bản Cháo, Thái Lạo và Tát Vạ với tổng diện tích 40 ha, có những cây chè cổ thụ có tới 30 - 40 năm. Thời điểm trước lúc Dự án triển khai thì toàn bộ diện tích chè này gần như bỏ hoang, người dân không chăm sóc, không thu hái chế biến. Từ khi triển khai Dự án đến nay, xã Yên Cư đã thành lập 03 HTX sản xuất chè tại các thôn, bản nói trên và hoạt động hiệu quả. Hiện nay, HTX Chè Thái Lạo đang áp dụng canh tác theo phương pháp hữu cơ và được cấp chứng chỉ hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam. Ngoài ra, Dự án còn hỗ trợ xây dựng nhà xưởng cho các hộ tham gia. Năm 2019, các HTX đã sao sấy được 970 kg chè khô cho thu nhập hơn 260 triệu đồng. 

Cũng như cây chè, nghề nuôi ong lấy mật ở xã Yên Hân, Yên Cư đã có từ lâu nhưng quy mô còn manh mún nhỏ lẻ, sản phẩm làm ra chủ yếu để phục vụ nhu cầu của người dân. Những năm gần đây, được Dự án hỗ trợ thành lập THT gồm 21 thành viên tham gia mô hình, thôn Bản Chằng, xã Yên Cư và thôn Nà Đon, xã Yên Hân đã tận dụng lợi thế biến nghề nuôi ong mật trở thành một hướng đi tiềm năng. Đến nay, các xã đã nhân rộng được 110 đàn ong cho khai thác 250 lít mật, mang lại thu nhập ổn định hơn, giúp người dân cải thiện cuộc sống rõ rệt.


Mô hình chăn nuôi gà thịt ở Nà Sao, xã Yên Hân giúp nâng cao thu nhập cho người dân

Ngoài ra, Dự án đã xây dựng “Mô hình sản xuất giống gà ta tại chỗ” ở bản Nà Sao, Nà Đon, xã Yên Hân; mô hình trồng ổi thôn Thái Lạo, Tát Vạ và Bản Cháo, xã Yên Cư; mô hình chăn nuôi gà thịt, chăn nuôi dê, mô hình trồng mướp đắng rừng… đều mang lại hiệu quả rõ rệt, thể hiện qua việc nâng cao năng suất, chất lượng, thu nhập. Nhờ các hoạt động của Dự án, người dân còn được tiếp thu những tiến bộ mới về kỹ thuật chăn nuôi theo phương thức bán thâm canh, dần xóa bỏ những phương thức nuôi tận dụng, lạc hậu, tăng cường công tác vệ sinh phòng bệnh, cùng với việc được hỗ trợ các con giống chất lượng tốt, góp phần tạo ra khối lượng hàng hóa có giá trị. 

Một trong các yếu tố quan trọng góp phần tích cực vào sự thành công của Dự án là việc nâng cao năng lực cho người dân tham gia mô hình. Bởi vậy, trong quá trình triển khai, Dự án phối hợp với các ngành chức năng và chính quyền địa phương tổ chức được 128 khóa tập huấn tại hiện trường theo hình thức "cầm tay chỉ việc" trong phạm vi 09 mô hình, với trên 1.000 lượt người tham gia. 

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, Dự án cũng còn gặp một số khó khăn do một số thôn, bản ít được tiếp cận với khoa học kỹ thuật nên việc áp dụng kiến thức mới vào thực tiễn còn nhiều trở ngại; việc tìm kiếm thị trường đầu ra cho một số sản phẩm như mật ong, bí xanh, chè vẫn còn bấp bênh... Song có thể nói, Dự án “Cải thiện sinh kế và quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên cho các cộng đồng người dân tộc thiểu số” tại hai xã Yên Hân, Yên Cư, huyện Chợ Mới đã có được sự ủng hộ nhiệt tình của người dân và chính quyền địa phương. Các đối tác, cán bộ Dự án nhiệt tình, trách nhiệm cao, cơ chế quản lý, phối hợp tốt nên các hoạt động hiện trường được triển khai kịp thời, đúng mùa vụ, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân cũng như sự thành công của Dự án./.

Thu Trang