PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

25/12/2020
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Nông dân Bắc Kạn đoàn kết giúp nhau giảm nghèo
Thời gian qua, nông dân trên địa bàn tỉnh không chỉ hăng hái thi đua, vươn lên làm giàu cho bản thân và gia đình mà còn tích cực giúp đỡ nhau thoát nghèo bằng nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Ở thôn Bản Nhuần 1, xã Quảng Chu (Chợ Mới), ông Hoàng Văn Bạo không chỉ là hộ đi đầu trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao mà còn là tấm gương điển hình tích cực hướng dẫn sản xuất, phổ biến kinh nghiệm, kỹ thuật cho bà con địa phương. Nhờ khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp cùng việc chăm sóc theo đúng kỹ thuật, mô hình trồng cây ăn quả của ông Bạo sinh trưởng và phát triển tốt, cho năng suất cao. Các loại cây trồng như thanh long, nhãn, vải, táo... của gia đình ông đều cho quả ngọt sắc, ít sâu bệnh nên rất được thương lái ưa chuộng. Ngoài ra, ông còn kết hợp nuôi cá, gà thả vườn, mỗi năm thu về trên 200 triệu đồng.

Nói về kinh nghiệm sản xuất của mình, ông Bạo khiêm tốn chia sẻ: Ông đã đi đến tận nhà vườn ở Hưng Yên để học hỏi. Quá trình chăm sóc cây cũng gặp nhiều khó khăn. Trải qua nhiều lần thử nghiệm mới tìm ra cách làm phù hợp. Vì vậy, mỗi khi hướng dẫn các hộ thực hiện, ông đều trực tiếp hỗ trợ theo hình thức cầm tay chỉ việc để mọi người có thể thành công ngay từ bước đầu. Hiện mỗi năm ông giúp đỡ khoảng 20 hộ về kỹ thuật trồng cây ăn quả, đồng thời giúp đỡ khoảng 10 hộ vay vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh. Mô hình của ông còn tạo việc làm cho khoảng 15 lao động theo mùa vụ.

Là một tấm gương điển hình vượt khó, nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế trên địa bàn huyện Ba Bể, anh Phùng Văn Đại ở thôn Bản Hon, xã Bành Trạch đã thành công với mô hình trồng cây ăn quả, đem lại nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Anh Phùng Văn Đại, thôn Bản Hon, xã Bành Trạch chia sẻ thành công với mô hình trồng cây ăn quả cùng người dân trong thôn

Những cây hồng không hạt của gia đình anh Đại được trồng cách đây hơn 10 năm. Nhờ được chăm bón kỹ càng nên cây phát triển tốt, không mắc bệnh hại và rất sai quả. Đến nay, gia đình anh đã có 300 cây hồng. Nhờ chịu khó học hỏi kinh nghiệm, cùng với chất đất và khí hậu thuận lợi, anh áp dụng kỹ thuật mới để tích cực chăm sóc. Khi cây hồng phát triển ổn định, anh trồng xen thêm táo, ổi với số lượng khoảng 200 cây. Xác định gắn bó với nghề trồng cây ăn quả nên gia đình anh Đại lựa chọn phương thức canh tác theo hướng hữu cơ. Không sử dụng thuốc diệt cỏ, hằng tháng, anh sử dụng máy phát, gom cỏ ủ làm phân xanh. Năm 2017, anh Đại lại mạnh dạn mua thêm 1,3 ha đất đồi bãi ở khu kinh tế Pù Đồn để trồng thêm 300 cây mận sớm, 50 cây cam và gần 100 cây mít thái. Hiện mỗi năm, gia đình anh thu hoạch được khoảng 16 tấn quả các loại. Tổng thu nhập từ trồng cây ăn quả và chăn nuôi gà thả đồi mỗi năm gia đình anh thu về gần 300 triệu đồng.

Thành công từ những mô hình kinh tế, anh Đại đã tích cực chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm sản xuất với mọi người. Hiện anh đang kết nối với các mô hình khác ở địa phương lân cận, hướng đến thành lập một nhóm sở thích về trồng cây ăn quả. Từ một hộ còn gặp nhiều khó khăn, ít đất canh tác, anh Phùng Văn Đại đã vươn lên làm giàu, trở thành tấm gương điển hình trong phong trào phát triển kinh tế. Mô hình của anh là hướng đi hiệu quả để các cấp Hội tích cực động viên bà con đến thăm quan, học tập, cùng nhau làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Những năm qua, Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” đã khuyến khích, động viên hội viên nông dân phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau giữa những hộ sản xuất, kinh doanh giỏi với các hộ nông dân nghèo, trở thành nét đẹp trong đời sống nông thôn. Từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh đã có 815 lượt hộ khó khăn được giúp đỡ với số tiền là 661 triệu đồng, trên 42.200 ngày công lao động và giúp cây, con giống, vật tư nông nghiệp trị giá 273 triệu đồng. Qua đó, tạo việc làm cho nhiều lao động có thu nhập bình quân từ 2 - 6 triệu đồng/người/tháng.

Ngoài hộ gia đình ông Hoàng Văn Bạo, Phùng Văn Đại kể trên thì còn nhiều hộ như: Hộ ông Hoàng Ngọc Hưng, xã Trần Phú (Na Rì) đã vận động người dân ở địa phương trồng cây dong riềng và cung ứng hơn 6 tấn phân bón/vụ theo hình thức trả chậm, ký hợp đồng bao tiêu hơn 700 tấn củ dong riềng/năm cho hội viên, tạo việc làm thường xuyên cho 12 lao động; bà Trương Thị Mai, xã Nghiên Loan (Pác Nặm) cho 5 hộ hội viên nghèo mượn 2.000 m2 ruộng sản xuất; hộ ông Lý Lành Pá, xã Nghiên Loan (Pác Nặm) hằng năm cho từ 4 - 5 hộ mượn trâu, bò cày kéo; ông Nguyễn Văn Ngọc, xã Hiệp Lực (Ngân Sơn) tạo việc làm thường xuyên cho 12 lao động có thu nhập bình quân từ 8 - 10 triệu đồng/tháng; ông Hoàng Văn Giáp, xã Bình Trung (Chợ Đồn) tạo việc làm theo thời vụ cho hơn 20 lao động, bao tiêu sản phẩm của người nông dân sản xuất ổn định…

Hoạt động giúp nhau giảm nghèo mang đậm nghĩa tình ấy đã góp phần giảm tỷ lệ hộ hội viên nghèo của tỉnh qua các năm, từ 32,8% số hộ hội viên nông dân nghèo năm 2015 xuống còn 23,62% hộ hội viên nghèo năm 2019. Những việc làm ý nghĩa, thiết thực đã và đang ngày càng lan tỏa trong cộng đồng, qua đó giúp nông dân có thêm điều kiện xây dựng và phát triển mô hình kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống, góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở vùng nông thôn./.

Thu Trang