PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

11/11/2024
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh trong tuần thứ ba, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
Trong tuần làm việc thứ ba (từ ngày 4 đến 9/11) của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, các vị đại biểu Quốc hội tỉnh đã tham gia thảo luận, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và nhiều dự thảo luật, nghị quyết trình tại Kỳ họp.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Cùng với thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, đại biểu thảo luận về tình hình thi hành hiến pháp, thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi); dự án Luật Việc làm (sửa đổi); dự án Luật Nhà giáo; dự thảo Nghị quyết về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự; dự thảo Nghị quyết chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030…

Sáng 4/11, tham gia thảo luận tại Hội trường, quan tâm đến việc khắc phục hậu quả sau cơn bão Yagi, đại biểu Nguyễn Thị Thủy - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội cho biết, Trung ương đã có nhiều văn bản chỉ đạo kịp thời, chính quyền địa phương các tỉnh đã quyết liệt trong công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả, cùng với sự đồng lòng, hỗ trợ của người dân ở các vùng miền, kiều bào ở nước ngoài đã hỗ trợ giúp các địa phương khắc phục được một phần hậu quả sau cơn bão. Tuy nhiên, với sức tàn phá nặng nề của cơn bão Yagi, để giúp các địa phương sớm khắc phục hậu quả và đời sống của người dân sớm được ổn định, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần tiếp tục có những cơ chế đặc thù, đặc cách để bổ sung thêm nguồn lực hỗ trợ cho các địa phương bị ảnh hưởng do bão, nhất là các tỉnh miền núi; cùng với đó, cho phép thực hiện các thủ tục rút gọn để triển khai nguồn lực hỗ trợ đến với người dân vùng bị thiệt hại do bão lũ.

Chiều 5/11, thảo luận về dự án Luật Địa chất và khoáng sản, đại biểu Nguyễn Thị Huế - Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Phụ nữ tỉnh thể hiện sự đồng tình với sự cần thiết ban hành dự án Luật và đề nghị xem xét một số nội dung quy định của dự thảo Luật cho phù hợp. Trong đó, đại biểu đề nghị nghiên cứu bổ sung thêm quy định về mức đóng góp của các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản đối với địa phương nơi có tài nguyên địa chất khoáng sản được khai thác (cụ thể là cấp huyện hoặc cấp xã) để địa phương có cơ sở thực hiện.

Về khu vực cấm hoạt động khoáng sản, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản tại khoản 5 Điều 28 dự thảo Luật, đại biểu đề nghị cần xem xét giao thẩm quyền phê duyệt kết quả khoanh định khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản cho HĐND cấp tỉnh sau khi có ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường, như vậy sẽ góp phần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm.

Chiều 8/11, các đại biểu thảo luận tổ về 3 nội dung gồm: (1) Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030; (2) Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo; (3) Dự án Luật Hóa chất (sửa đổi). Đồng chí Hoàng Duy Chinh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn chủ trì phiên thảo luận Tổ 12.

Tham gia thảo luận đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân - Bí thư Huyện ủy Chợ Mới đề nghị bổ sung nội dung “không được sử dụng hình ảnh, trang phục, tên, thư tín, bài viết của những người nổi tiếng có ảnh hưởng” cho đầy đủ. Về trách nhiệm của các Bộ, nhất là liên quan đến trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông khi xử lý vi phạm trong hoạt động quảng cáo, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân đề nghị cần có rà soát và điều chỉnh để đảm bảo tính thống nhất trong dự thảo Luật.

Đối với dự án Luật Hóa chất (sửa đổi), quan tâm đến việc quản lý hóa chất nguy hiểm trên thị trường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy cho rằng, hiện nay, việc tìm kiếm và mua hóa chất nguy hiểm (ví dụ như xyanua) khá dễ dàng. Trong khi đó, qua nghiên cứu dự thảo Luật, đại biểu cho biết mới chỉ có 4 Điều luật quy định liên quan và chưa có quy định về điều kiện của người mua hóa chất nguy hiểm, do đó sẽ rất khó khăn cho công tác quản lý nhà nước đối với vấn đề này. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung cho đầy đủ và bên bán phải lưu giữ được thông tin của người mua để có thể truy suất được, đồng thời đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong việc kiểm soát hóa chất tại các địa điểm mua bán trong dự thảo Luật.


ĐBQH tỉnh tham gia thảo luận tại Tổ thảo luận số 12

Cùng thảo luận về dự án Luật Hóa chất (sửa đổi), đại biểu Hà Sỹ Huân - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đề nghị Ban soạn thảo xem xét đưa nội dung “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” là một trong những hành vi bị cấm quy định tại Điều 7 dự thảo Luật cho đầy đủ. Về trách nhiệm của các Bộ, ngành tại Chương VIII dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi), đại biểu cho rằng, các nội dung được quy định với hình thức liệt kê chức năng, nhiệm vụ của các Bộ, ngành là chưa phù hợp và cũng chưa đầy đủ, đề nghị rà soát, thiết kế lại các nội dung quy định này…

Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy, tán thành với sự cần thiết, mục tiêu của Chương trình, nhất là với 3 mục tiêu được xác định cụ thể trong Chương trình, tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy đề nghị cần rà soát thêm nội dung của Chương trình với các chương trình mục tiêu hiện hành để tránh trùng lặp…

Ngày 9/11, thảo luận tại Tổ số 12 về dự án Luật Việc làm (sửa đổi), dự án Luật Nhà giáo, các đại biểu cũng thể hiện quan điểm đồng tình với sự cần thiết ban hành các dự thảo Luật này. Quan tâm đến dự thảo Luật Nhà giáo, đại biểu Nguyễn Thị Huế - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh đề nghị Ban soạn thảo xem xét một số nội dung để đảm bảo tính thống nhất, phù hợp, khả thi và tránh trùng lặp như về chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng của nhà giáo, về chế độ nghỉ hưu đối với nhà giáo…

Từ thực tiễn và qua ý kiến của cử tri, đại biểu cũng phản ánh về nguyện vọng được nghỉ hưu trước đối với nhà giáo công tác tại các trường tiểu học và các trường đào tạo chuyên biệt, trung tâm giáo dục trẻ khuyết tật, trường đào tạo nghệ thuật…; đại biểu đề nghị quan tâm bổ sung chính sách bồi dưỡng chính trị, kỹ năng xã hội, nắm bắt, tư vấn tâm lý học sinh... cho nhà giáo và bổ sung đối tượng nhà giáo ở các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, giáo viên người nước ngoài giảng dạy tại các cơ sở giáo dục trong nước cũng được hưởng chính sách này…

Tuần làm việc thứ 4 của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV (từ ngày 11 đến 13/11) sẽ diễn ra nhiều nội dung quan trọng, trong đó điểm nhấn nổi bật là hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Đây là nội dung thu hút sự quan tâm, theo dõi của đông đảo cử tri và Nhân dân. Cổng Thông tin điện tử tỉnh Bắc Kạn tiếp tục tổng hợp nội dung hoạt động của đại biểu Quốc hội trong tuần làm việc tới./.

Hương Lan - Triệu Tuyên