PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

17/06/2020
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Hợp tác xã Yến Dương - “Chung sức cùng làm và nâng cao giá trị nông sản địa phương”
Hợp tác xã Yến Dương (thôn Nà Giảo, xã Yến Dương, huyện Ba Bể) là mô hình kinh tế tập thể, thành lập và hoạt động với phương châm “Chung sức cùng làm và nâng cao giá trị nông sản địa phương”. Hợp tác xã (HTX) chuyên sản xuất và cung cấp các sản phẩm nông sản sạch và an toàn theo hướng hữu cơ.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Hợp tác xã Yến Dương được thành lập tháng 6/2018 từ niềm đam mê nông nghiệp của cô gái trẻ Ma Thị Ninh. Chia sẻ với chúng tôi, chị Ninh cho biết: Nhận thấy ở địa phương có nhiều sản phẩm nông sản đặc trưng nhưng chưa được nhiều người biết đến. Địa phương chưa khai thác, phát huy hết tiềm năng trong sản xuất nông nghiệp; sản phẩm của bà con làm ra khó khăn trong khâu tiêu thụ. Với mong muốn hỗ trợ bà con nông dân tiêu thụ sản phẩm nông sản, góp phần xóa đói giảm nghèo và nâng cao giá trị tinh thần văn hóa của dân tộc vùng cao, chị đã vận động các hộ dân trong thôn thành lập HTX Yến Dương. Sau 2 năm thành lập, HTX đã hoạt động ổn định với 30 thành viên, bước đầu sản xuất kinh doanh có hiệu quả.

Chung sức cùng làm

 Với mong muốn giúp đỡ người dân xóa đói giảm nghèo nên các thành viên HTX chủ yếu là các hộ có kinh tế còn khó khăn; trong 30 thành viên HTX thì chỉ có 12 hộ trung bình, còn lại là hộ cận nghèo, hộ nghèo và vừa thoát nghèo. Ngoài ra, HTX còn liên kết sản xuất với gần 200 hộ, trong đó phần lớn cũng là hộ cận nghèo, hộ nghèo và vừa thoát nghèo.

Với mục tiêu phát triển hợp tác xã trên cơ sở phát huy thế mạnh của địa phương, ngành nghề chính của HTX Yến Dương là trồng trọt, chăn nuôi, chế biến nông sản; ngoài ra, HTX liên kết sản xuất một số mô hình sản xuất phi nông nghiệp như đan lát, dệt thổ cẩm… Hiện nay, những sản phẩm chủ yếu của HTX tập trung vào các sản phẩm thế mạnh địa phương như: Bí thơm, gạo nếp Tài, miến tráng tay, sản phẩm đan lát truyền thống…

Để hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả, đưa được sản phẩm nông sản an toàn đến với người tiêu dùng, HTX Yến Dương đã thành lập các nhóm sản xuất,  ký hợp đồng liên kết trồng và tiêu thụ cho các sản phẩm như: Nhóm sản xuất bí thơm; nhóm sản xuất lúa nếp Tài; nhóm sản xuất và chế biến miến dong tráng tay; nhóm sản xuất mướp đắng rừng; nhóm sản xuất mác mật tươi; nhóm chế biến măng khô; nhóm đan lát thủ công truyền thống mỹ nghệ… Mỗi nhóm đều có tổ trưởng, trưởng nhóm phụ trách.

Trên cơ sở các nhóm sản xuất được thành lập, HTX Yến Dương đã tổ chức tập huấn, phối hợp với các ngành tổ chức chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các thành viên để áp dụng vào sản xuất, nâng cao năng suất cũng như chất lượng nông sản. Cùng với việc hỗ trợ nông dân tiếp cận khoa học kỹ thuật, các mô hình sản xuất HTX đưa vào thực hiện đều được HTX bao tiêu sản phẩm, hỗ trợ đầu ra cho bà con yên tâm sản xuất.

Theo chia sẻ từ chị Ma Thị Ninh - Giám đốc HTX, năm 2019 HTX đã bao tiêu sản phẩm cho nông dân trên địa bàn xã cụ thể: Bí thơm 35 tấn, gạo nếp Tài 11,7 tấn, miến tráng tay 1 tấn. Ngoài ra, HTX cũng đã bao tiêu giúp bà con một số sản phẩm theo mùa như mướp đắng rừng, mác mật, măng rừng… Doanh thu của các thành viên, hộ dân liên kết, HTX đạt hơn 900 triệu đồng; thu nhập bình quân 32 triệu đồng/người/năm. Năm 2020, HTX dự kiến bao tiêu 150 tấn bí xanh thơm cho hơn 70 hộ tham gia trồng; 20 tấn gạo nếp Tài cho 65 hộ trồng; 20 tấn tinh bột miến dong, miến dong tráng tay cho 75 hộ trồng và liên kết sản xuất với HTX. Doanh thu ước đạt trên 3 tỷ đồng.  

Cô Hoàng Thị Nhung - Thành viên HTX Yến Dương cho biết: Bí thơm là cây trồng bản địa, mấy năm gần đây có rất nhiều hộ tại địa phương trồng có được thu nhập khá nhưng gia đình cô chưa trồng vì lo không có đầu ra. Khi tham gia HTX Yến Dương, có HTX là đầu mối bao tiêu sản phẩm, gia đình cô đã mạnh dạn trồng hơn 2.000m2.. Tham gia HTX, cô không chỉ được bao tiêu sản phẩm mà còn được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc, hỗ trợ phân bón…

Nâng cao giá trị nông sản địa phương, bảo tồn giá trị văn hóa bản địa

Huyện Ba Bể có nhiều đặc sản ẩm thực mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc nơi đây. Những đặc sản ấy ẩn chứa những nét văn hóa đặc trưng, phong tục tập quán, là thành quả của cả một quá trình lao động sản xuất sáng tạo và những tri thức dân gian quý báu được người dân gìn giữ, bảo tồn và duy trì từ bao đời nay. Trong những đặc sản ấy có sản phẩm bí thơm là nét văn hóa của đồng bào dân tộc Tày.

Cây bí thơm là cây trồng bản địa đã được người dân xã một số xã trên địa bàn huyện Ba Bể trồng từ rất lâu. Tại xã Yến Dương, cây bí thơm được người dân gìn giữ và phát triển theo quy trình sản xuất sạch, an toàn cho đến nay. Đặc biệt là từ khi HTX Yến Dương được thành lập, để nâng cao giá trị bí thơm, HTX đã liên kết với các hộ dân trong vùng canh tác theo hướng hữu cơ gắn với tiêu chuẩn GPS (nguồn nước canh tác trong sản xuất hữu cơ phải là nguồn nước sạch, không ô nhiễm; cấm sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật hóa học, các chất tổng hợp kích thích tăng trưởng, các vật tư đầu vào có chứa chất biến đổi gen GMOs…); thực hiện sản xuất theo chuỗi giá trị.

HTX Yến Dương cũng đã tham gia mô hình phục tráng, sản xuất giống bí thơm trong khuôn khổ Đề tài khoa học “Phục tráng giống bí thơm Ba Bể đảm bảo năng suất cao, chất lượng tốt” do Trường Đại học Nông lâm - Đại học Thái Nguyên chủ trì thực hiện từ 7/2019 - 6/2022; quy mô thực hiện 0,5ha.


Vườn bí thơm của HTX Yến Dương đang cho thu hoạch

Bên cạnh bí thơm, nếp Tài cũng là cây trồng bản địa, được lưu giữ bởi đồng bào dân tộc Dao Quế Lâm tại xã Yến Dương và chỉ duy nhất ở hai thôn Phiêng Phàng, Nà Pài trồng được. Nếp Tài có hương thơm đặc trưng, dẻo và giàu dinh dưỡng, rất thích hợp đồ xôi, làm cốm, làm các loại bánh truyền thống sau 3-4 ngày vẫn mềm và ngon. Do là loại cây trồng truyền thống nên bà con chủ yếu trồng để phục vụ gia đình và làm quà biếu, số lượng bán ra thị trường rất ít và cũng chỉ bán tại địa phương. Kể từ khi được Hợp tác xã Yến Dương khuyến khích mở rộng diện tích, bao tiêu sản phẩm, bà con mới tập trung gieo trồng để nâng cao thu nhập.

Chị Ma Thị Ninh - Giám đốc HTX Yến Dương cho biết: Nhận thấy ở địa phương có giống nếp truyền thống có hương thơm đặc trưng, chất lượng ngon nên chị đã bàn với người dân địa phương khôi phục, phát triển; từ đó thành lập nhóm sản xuất giống Nếp Tài ở thôn Phiêng Phàng, Nà Pài. Năm 2018, HTX đã trồng thử nghiệm 2ha với 12 hộ dân tham gia. Qua thử nghiệm thấy mô hình sản xuất nếp Tài có triển vọng nên năm 2019, HTX đã mở rộng quy mô 7ha với 54 hộ tham gia, trong đó có 3ha sản xuất liên kết. Năm 2020, HTX  thực hiện 10ha, sản xuất theo hướng hữu cơ. Để xây dựng thương hiệu, HTX đã lựa chọn những hộ còn lưu giữ được giống lúa thuần, không bị lai tạp rồi mới tiến hành gieo cấy; vận động bà con thay đổi tập quán canh tác, chăm sóc để nâng cao chất lượng, thương hiệu sản phẩm; vì giống lúa này thường được người dân gọi chung chung là nếp thơm nên khi khôi phục và mở rộng sản xuất thành hàng hóa, HTX Yến Dương cùng Ban Mặt trận thôn, nhóm trưởng nhóm sản xuất đã họp bàn và thống nhất lấy tên gọi là Nếp Tài.

Theo chị Ninh, sản xuất nếp Tài tuy mang lại thu nhập không cao nhưng HTX Yến Dương cùng bà con vẫn muốn gìn giữ và phát triển. Bởi nếp Tài là cây trồng truyền thống; quá trình sản xuất nếp Tài cần có sự chung sức của nhiều người, thu hoạch được hái chọn từng bông; phát triển nếp Tài hiện nay không chỉ là nâng cao giá trị nông sản mà còn để lưu giữ, nâng cao giá trị tinh thần văn hóa bản địa, gắn kết tình đoàn kết giữa các hộ dân trong thôn, các thành viên trong gia đình. Cũng chính vì vậy, năm 2019, Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì tổ chức Cuộc thi Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, HTX Yến Dương đã tham gia với Đề tài “Xây dựng mô hình trồng lúa nếp Tài theo hướng hứu cơ gắn với công tác bảo vệ rừng và du lịch trải nghiệm nông nghiệp”. Vừa qua, HTX cũng đã mạnh dạn đề xuất với tỉnh để chủ trì thực hiện Dự án “Ứng dụng Khoa học công nghệ trong sản xuất giống và phát triển nguồn gen lúa Nếp Tài tại huyện Ba Bể” năm 2021.


Sản phẩm gạo nếp Tài của HTX Yến Dương đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh

Ngoài bí thơm, gạo nếp Tài, khai thác lợi thế của địa phương, HTX Yến Dương còn có một số sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống, miến dong tráng tay có triển vọng phát triển, mở rộng sản xuất.

Để nâng cao giá trị cho các sản phẩm nông sản, HTX Yến Dương đã tích cực tham gia Chương trình “mỗi xã, phường một sản phẩm”, đăng ký mã vạch, tem truy suất nguồn gốc sản phẩm, thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói sản phẩm đẹp. Hiện nay, HTX Yến Dương đã có 02 sản phẩm là gạo nếp Tài và bí thơm được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Năm 2020, HTX phấn đấu có thêm 02 sản phẩm được công nhân sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh đó là miến dong tráng tay và mướp đắng rừng.

*****

Qua hơn 2 năm đi vào hoạt động, HTX Yến Dương luôn bám sát mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để triển khai các mô hình liên kết sản xuất; giúp các hộ nông dân vừa tiếp cận được khoa học kỹ thuật để sản xuất hiệu quả vừa được hỗ trợ bao tiêu sản phẩm. Hiệu quả từ các mô hình, nhóm liên kết sản xuất cho thấy hoạt động của HTX thực sự mang lại nhiều lợi ích cho các thành viên và cộng đồng, góp phần nâng cao giá trị nông sản và bảo vệ các giá trị truyền thống văn hóa bản địa./.

Hương Dịu