PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

18/03/2024
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Huy động nguồn lực hỗ trợ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia
Thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia là nhiệm vụ trọng tâm trong thực hiện chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với việc triển khai hiệu quả nguồn vốn ngân sách nhà nước, thời gian qua, tỉnh Bắc Kạn đã triển khai nhiều giải pháp để huy động tối đa các nguồn lực hợp pháp hỗ trợ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là các nguồn vốn xã hội hóa của các doanh nghiệp và nguồn vốn đóng góp tự nguyện của người dân.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Theo báo cáo của UBND tỉnh, tổng kế hoạch vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh Bắc Kạn là 2.834.952 triệu đồng, trong đó, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi 1.666.756 triệu đồng; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững 487.904 triệu đồng;  Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới 680.292 triệu đồng.

Tổng dự toán vốn sự nghiệp năm 2022 - 2023 là 729.417 triệu đồng, trong đó Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững 177.998 triệu đồng; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi 494.457 triệu đồng; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới 56.962 triệu đồng.

Cùng với triển khai hiệu quả nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, thời gian qua, tỉnh đã triển khai các giải pháp để huy động tối đa các nguồn lực hợp pháp hỗ trợ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là các nguồn vốn xã hội hóa của các doanh nghiệp và nguồn vốn đóng góp tự nguyện của người dân.

Để khai thác hiệu quả lợi thế, tiềm năng, nội lực của từng địa phương, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm về thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia được đặc biệt quan tâm; trong đó nêu cao tinh thần trách nhiệm gương mẫu đi đầu của mỗi cán bộ, đảng viên. Công tác tuyên truyền được thực hiện đa dạng dưới nhiều hình thức, từ tuyên truyền cổ động trực quan đến tuyên truyền trực tiếp thông qua hội nghị, hội thảo; tuyên truyền qua hệ thống thông tin đại chúng, qua mạng xã hội…

Thông qua công tác tuyên truyền, vận động, nhận thức của cán bộ, người dân được nâng lên rõ rệt, người dân tích cực ủng hộ xây dựng nông thôn mới, tự giác thực hiện các phần việc do Nhân dân làm, tham gia đóng góp tiền, vật tư, vật liệu, ngày công lao động, hiến đất cho xây dựng công trình hạ tầng nông thôn. Trong giai đoạn 2021 - 2023, người dân trong toàn tỉnh đã hiến được 393.165 m2 đất; đóng góp 51.546 ngày công lao động; đóng góp hơn 3.500 triệu đồng tiền mặt để thực hiện Chương trình.


Cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh hỗ trợ xã Xuân Lạc (Chợ Đồn) xây dựng nông thôn mới

Với giải pháp phân công các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước giúp đỡ các địa phương trong xây dựng nông thôn mới, tỉnh đã huy động được sự vào cuộc của các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, các tổ chức đoàn thể trong thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia. Từ chủ trương chung của Tỉnh ủy, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các địa phương đã cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch, cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước để cán bộ, công chức, viên chức cùng tham gia giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới; điển hình là các phong trào thi đua “Bắc Kạn chung sức xây dựng nông thôn mới”; “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”...

Đáng chú ý là trong phong trào giúp đỡ xã, thôn xây dựng nông thôn mới, mỗi cơ quan, đơn vị đã có những hình thức giúp đỡ xã, thôn xây dựng nông thôn mới với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả như tham gia giúp đỡ địa phương về cơ sở vật chất phục vụ xây dựng các công trình, nhà ở, cơ sở hạ tầng; đóng góp, ủng hộ ngày công lao động để thực hiện các tiêu chí giao thông, thủy lợi, môi trường; tổ chức tập huấn, tư vấn, nghiên cứu đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, nâng cao thu nhập cho nông dân; xây dựng mô hình “Liên kết 4 nhà” về hợp đồng tiêu thụ nông - lâm - thủy sản cho bà con nông dân; tham gia xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, đào tạo nghề cho nông dân; hỗ trợ xây dựng hợp tác xã kiểu mới, sản phẩm chủ lực có giá trị kinh tế cao; xây dựng thương hiệu sản phẩm, nhãn hiệu hàng hóa; xây dựng duy trì các mô hình tự quản tại xã… Việc giúp đỡ xã xây dựng nông thôn mới của các cơ quan, đơn vị đã góp phần duy trì và hoàn thiện các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới tại các xã, đóng góp vào kết quả chung trong phong trào xây dựng nông thôn mới của tỉnh.


Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, cộng đồng doanh nghiệp ủng hộ
 Qũy "Vì người nghèo" do MTTQ tỉnh phát động

Việc tạo nguồn lực thực hiện công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới còn được huy động thông qua vận động đóng góp, xây dựng các loại quỹ, như Qũy “Vì người nghèo” của MTTQ”, Quỹ “Vì nữ công nhân viên chức lao động nghèo”, Chương trình “Mái ấm công đoàn” của Liên đoàn Lao động tỉnh; ngoài ra còn thông qua các chương trình, dự án về dạy nghề tạo việc làm, vay vốn tín dụng chính sách, hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển hợp tác xã; thực hiện chế độ, chính sách vùng đồng bào dân tộc thiểu số…

Chỉ tính riêng Quỹ “Vì người nghèo” của tỉnh trong giai đoạn 2021 - 2023, MTTQ các cấp trong tỉnh đã huy động được trên 35.203 triệu đồng, từ nguồn Quỹ này đã thực hiện chăm lo Tết cho người nghèo với trên 25.483 suất quà trị giá trên 10.898 triệu đồng; hỗ trợ xây dựng, sửa chữa Nhà đại đoàn kết cho 676 hộ nghèo trị giá 28.740 triệu đồng; hỗ trợ học sinh nghèo, ốm đau nằm viện dài ngày, cứu đói đột xuất trên 735 suất quà tổng trị giá trên 292 triệu đồng…

Nhờ triển khai đồng bộ các dự án, chính sách và huy động nhiều nguồn lực hỗ trợ đã góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các mục tiêu Chương trình mục tiêu quốc gia. Đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm 2,76%, đạt 115% kế hoạch đề ra; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 3,45%, đạt kế hoạch đề ra. Hiện toàn tỉnh có một đơn vị cấp huyện đã được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (thành phố Bắc Kạn); 25 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 63 thôn đạt chuẩn nông thôn mới. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn được nâng lên, an ninh nông thôn được bảo đảm, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc.

Theo kế hoạch đề ra đến năm 2025, tỉnh Bắc Kạn phấn đấu có 2 huyện, thành phố đạt chuẩn nông thôn mới; 46 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 202 thôn đạt chuẩn nông thôn mới; 37 xã ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn, 33 thôn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm bình quân hằng năm từ 2% - 2,5%, trong đó các huyện nghèo giảm từ 4% - 5%/năm trở lên; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm.

Để hoàn thành các mục tiêu này, UBND tỉnh đã và đang tập trung chỉ đạo ngành chức năng và các địa phương triển khai hiệu quả các dự án, tiểu dự án của Chương trình; thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ giảm nghèo, giúp người nghèo có sinh kế bền vững thông qua các mô hình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo nghề, chuyển đổi việc làm. Trong phân bổ nguồn lực đảm bảo kịp thời, đúng mục tiêu, không dàn trải; lồng ghép sử dụng có hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách của Nhà nước và các nguồn lực khác.

Cùng với đó, tích cực, chủ động thực hiện nhiều giải pháp huy động, đa dạng hóa các nguồn lực để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia. Đẩy mạnh việc vận động các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức và cá nhân tự nguyện đóng góp, tài trợ nguồn lực để thực hiện Chương trình, tuy nhiên đảm bảo không huy động quá sức dân và tránh để phát sinh nợ đọng trong xây dựng cơ bản của Chương trình./.

BH