PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

24/04/2024
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Giảm nghèo ở các huyện nghèo chưa đạt mục tiêu đề ra
Mặc dù đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ, song kết quả giảm nghèo thời gian qua của hai huyện nghèo (Ngân Sơn và Pác Nặm) vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra. Nguyên nhân là do số hộ cận nghèo thiếu hụt một trong các chỉ số đo lường về mức độ tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như việc làm, y tế, giáo dục, vệ sinh, tiếp cận thông tin... dẫn đến trở thành hộ nghèo và một số nguyên nhân dẫn đến phát sinh hộ nghèo mới.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Đoàn công tác Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025 thăm mô hình chăn
nuôi của hộ gia đình xã Đức Vân (Ngân Sơn)

Theo kết quả phân tích diễn biến tăng, giảm số hộ nghèo đa chiều hằng năm của các huyện nghèo, đối với huyện Ngân Sơn, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều đầu kỳ là 51,21%, năm 2022 giảm được 3,68%, năm 2023 giảm được 3,61% và hiện nay còn 43,92% (3.299 hộ). Huyện Pác Nặm tỷ lệ hộ nghèo đầu kỳ 55,66%, năm 2022 giảm được 3,24%, năm 2023 giảm được 3,16%, hiện nay còn 49,26% (3.771 hộ).

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Thị Liễu cho biết, với số liệu được rà soát, tỷ lệ giảm nghèo ở hai huyện nghèo như vậy không đạt mục tiêu đã đặt ra. Có nhiều nguyên nhân nhưng một trong những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ giảm nghèo ở hai huyện nghèo còn chậm là do trong năm 2023, việc triển khai các Chương trình MTQG còn nhiều vướng mắc, các văn bản hướng dẫn chưa đầy đủ nên khó khăn trong giải ngân các nguồn vốn để hỗ trợ cho người dân. Cùng với đó, đội ngũ cán bộ - cầu nối chính sách đến với người dân chưa thực sự chủ động, năng lực còn hạn chế nên chính sách, nguồn lực tuy nhiều nhưng khó đến được với Nhân dân.

Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng và an ninh năm 2024 đề ra 24 chỉ tiêu chủ yếu năm 2024, trong đó mục tiêu tỷ lệ giảm nghèo ở các huyện nghèo phải đạt 4 - 5%. 

Để khắc phục hạn chế tỷ lệ giảm nghèo ở các huyện nghèo chưa đạt yêu cầu, UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 293/KH-UBND ngày 23/4/2024, trong đó đề ra 6 giải pháp cụ thể:

Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo, trong đó đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ đầu tư và duy tu bảo dưỡng một số công trình phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, lưu thông hàng hóa nhằm tạo động lực phát triển, tăng trưởng kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân.

Hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm, sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân, thông qua việc thực hiện hiệu quả Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Kạn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Chú trọng các sản phẩm đặc trưng gắn với bảo vệ rừng, hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị cây ăn quả, cây dược liệu, bò, dê, lợn... nhất là một số cây trồng có giá trị kinh tế cao phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng; ứng dụng khoa học công nghệ vào phát triển sản xuất; tạo ra bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp gắn với thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm. Duy trì và phát triển các loại vật nuôi đặc sản, thế mạnh khác của từng địa phương.

Tổ chức thực hiện tốt các chính sách giảm nghèo thường xuyên như hỗ trợ cho học sinh, sinh viên. Duy trì và nâng cao tỷ lệ người dân có thẻ bảo hiểm y tế; ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và nâng cao năng lực đội ngũ y bác sĩ ở các trạm y tế xã, thị trấn. Lồng ghép triển khai các chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo các Chương trình MTQG và chương trình khác. Phân nhóm hộ nghèo để có giải pháp hỗ trợ…

Tuy nhiên, một trong những giải pháp quan trọng nhất vẫn là tập trung triển khai và tận dụng hiệu quả nguồn lực to lớn từ các Chương trình MTQG (Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi). Đây được coi là động thái tiếp sức mạnh mẽ của Trung ương cho các tỉnh còn khó khăn như Bắc Kạn nói chung và các huyện nghèo để vươn lên phát triển kinh tế - xã hội./.

Thu Trang