PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

26/02/2024
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Xuất khẩu lao động thay đổi tư duy thoát nghèo
Vượt qua cuộc sống xa nhà, môi trường khác biệt, song những thanh niên dân tộc thiểu số sau khi đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) trở về quê hương không chỉ “bỏ túi” một số vốn, xây dựng nhà cửa kiên cố, khang trang mà còn mang về theo rất nhiều kỹ năng, kinh nghiệm, giúp họ tự tin vươn lên trong cuộc sống.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Cuộc sống của gia đình anh Đào Văn Dinh và anh Ngô Văn Chung ở thôn Tà Han, xã Xuân Lạc (Chợ Đồn) có
nhiều khởi sắc nhờ XKLĐ

Tà Han là thôn vùng cao khó khăn nhất của xã Xuân Lạc (Chợ Đồn), toàn thôn có 110 hộ, 100% các hộ là người Mông sinh sống, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn, chính vì vậy, việc đi XKLĐ ở nước ngoài là một giải pháp để cải thiện cuộc sống gia đình.

Đến thăm ngôi nhà gỗ rộng 3 gian nằm ở trên đỉnh đồi của vợ chồng anh Đào Văn Dinh, người đầu tiên mạnh dạn đăng ký đi XKLĐ ở thôn Tà Han. Khác với trước kia, giờ anh Dinh đã có cuộc sống ổn định hơn. Vừa dẫn chúng tôi đi tham quan chuồng trại của gia đình, anh Dinh vừa kể: “Năm 2014, khi tôi tham gia một lớp tập huấn ở huyện thì được tư vấn về chính sách hỗ trợ đi XKLĐ, tôi đã đăng ký đi Algeria. Lúc đấy tôi chỉ nghĩ ở nhà cứ nghèo mãi, khổ mãi hay là thử một lần đi ra ngoài biết đâu lại thay đổi cuộc đời”.

Sang Algeria, anh Dinh làm trong lĩnh vực xây dựng, với thu nhập 17 triệu đồng/tháng. Sau 2 năm hết hạn hợp đồng, về nước, anh đã gom cho mình được số vốn gần 200 triệu đồng. Số tiền này anh dùng một phần để trả ngân hàng, một phần mua đất ruộng để phát triển sản xuất. “So với thị trường lao động Nhật Bản và Đài Loan… thì thu nhập khi đi XKLĐ ở Algeria thấp hơn nhưng về thời gian xuất cảnh nhanh hơn, đi XKLĐ ở Algeria sẽ không phải học tiếng, quá trình đăng ký làm thủ tục cũng hết sức đơn giản, chi phí lại xuất cảnh thấp” - anh Dinh cho biết.

Đến năm 2018, anh Dinh lại đăng ký đi Nhật Bản làm nghề nông nghiệp, lần này đi thời gian ngắn hơn nhưng mức lương cao hơn. Sau 8 tháng, anh đã tích góp được một khoản tiền để về sửa sang nhà cửa và đầu tư vào chăn nuôi. Thấy được hiệu quả từ việc XKLĐ, con trai anh Dinh là Đào Văn Mạnh (sinh năm 2002) cũng đăng ký đi XKLĐ với thời gian là 2 năm tại Đài Loan.

Còn với anh Ngô Văn Chung, Phó Bí thư Chi bộ thôn Tà Han, nhiều năm qua, anh luôn tự hào vì có một quyết định đúng đắn là đăng ký đi XKLĐ. Cũng giống như nhiều hộ khác, trước đây, gia đình anh Chung quanh năm làm nương rẫy, cơm không đủ no. Năm 2018, có đơn vị đến xã tuyển dụng lao động đi làm việc ở Nhật Bản, anh Chung mạnh dạn đăng ký, sau đó đi lao động tại Nhật Bản 8 tháng, làm nghề nông nghiệp.

Anh Ngô Văn Chung chia sẻ: “Đi Nhật Bản có 8 tháng mà hơn mình làm việc ở quê hàng chục năm. Sau khi trả 45 triệu đồng mà gia đình vay Ngân hàng Chính sách xã hội, tôi cũng dư ra hơn 100 triệu đồng. Số tiền đó tôi đã mua thêm đất đồi, mua 3 con trâu đực để nuôi vỗ béo. Hiện gia đình tôi đang nuôi 7 con trâu gồm vỗ béo và sinh sản, trồng gần 2.000 m2 nghệ nếp, trồng ngô xen canh đỗ mèo… Kinh tế ổn định, gia đình tôi đã dựng được căn nhà gỗ 3 gian, có xe máy để đi lại, máy móc phục vụ sản xuất. Năm 2020 thì đã thoát được nghèo”.

Doanh nghiệp tuyên truyền XKLĐ cho người dân xã Xuân Lạc (Chợ Đồn)

Toàn thôn Tà Han hiện có 34 người đi XKLĐ, trong đó chủ yếu là nam giới trong độ tuổi thanh niên. Các thị trường mà họ chọn để đi XKLĐ thường là các nước Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Đông Âu… với mức thu nhập từ 20 triệu đồng/tháng/lao động trở lên. Năm 2023, toàn thôn đã có gần 20 người đăng ký đi XKLĐ, có nhiều người sau khi hết thời hạn hợp đồng lao động đã về nước lại đăng ký đi tiếp lần 2, lần 3 hoặc làm công nhân ở các khu công nghiệp.

Nhiều năm trở lại đây, nhu cầu đi XKLĐ của người dân tại các địa phương ngày càng tăng cao, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở một số huyện như Pác Nặm, Ba Bể, Chợ Đồn, minh chứng là chỉ tiêu giao về XKLĐ hằng năm giao đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Riêng năm 2023, chỉ tiêu giao về XKLĐ là 700 người nhưng đã có 1.500 người trúng tuyển, vượt 114% kế hoạch, trong đó người lao động chủ yếu đi XKLĐ tại các thị trường như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc... Nhiều gia đình người Mông ở các thôn, xã vùng cao bắt đầu nhận thức rõ xuất khẩu lao động không chỉ là kênh xóa đói, giảm nghèo hiệu quả mà còn giải quyết bài toán về kinh tế trong thời gian ngắn. Vì vậy, nhiều người mạnh dạn rời quê hương, bản làng đến các nhà máy, xí nghiệp trong nước và nước ngoài để kiếm việc làm.

Những thanh niên nghèo quyết định đi XKLĐ khi trở về không chỉ có cuộc sống tốt hơn mà còn giàu kỹ năng, kiến thức, nhưng cái được lớn nhất chính là họ đã thay đổi được tư duy cũ, đem tư duy mới trong sản xuất, kinh doanh về để phát triển kinh tế gia đình, đóng góp vào sự phát triển của địa phương./.

Thu Trang