PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

19/08/2020
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Huyện Bạch Thông với mục tiêu giảm nghèo bền vững
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Bạch Thông lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều còn 12,5%; tỷ lệ giảm nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn còn 20%. Để thực hiện thắng lợi chỉ tiêu này, cấp ủy, chính quyền huyện đã đề ra những giải pháp cụ thể, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Giai đoạn 2015-2020, dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy đảng và chính quyền huyện, nhất là sự nỗ lực của chính người dân, công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện Bạch Thông đã đạt được kết quả tích cực, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 26,31% xuống còn 17,47%, dự kiến đến hết năm 2020 chỉ còn 15,8%.

Để đạt được kết quả trên, huyện Bạch Thông đã triển khai kịp thời các văn bản chỉ đạo của cấp trên về thực hiện công tác giảm nghèo; chủ động xây dựng các phương án, chương trình, kế hoạch giảm nghèo theo giai đoạn và từng năm nhằm cải thiện và từng bước nâng cao điều kiện sống của người nghèo, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ toàn diện ở các xã vùng cao; thường xuyên thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo ở cơ sở; thực hiện công tác điều tra, xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm đảm bảo đúng quy trình, công khai, dân chủ và có sự tham gia của người dân; các chính sách an sinh xã hội, chính sách trợ giúp người nghèo được triển khai thực hiện đảm bảo đầy đủ, đúng đối tượng, kịp thời, từ đó tạo điều kiện cho người nghèo phát triển kinh tế gia đình vươn lên thoát nghèo.

Trong giai đoạn 2015-2020, toàn huyện đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, duy tu bảo dưỡng 142 công trình; triển khai thực hiện 79 dự án, mô hình giảm nghèo với tổng kinh phí trên 9,6 tỷ đồng, giúp cho 550 hộ thoát nghèo bền vững; giải ngân vốn tín dụng ưu đãi cho 2.348 lượt hộ nghèo, 1.178 lượt hộ cận nghèo, 90 lượt hộ mới thoát nghèo vay vốn với doanh số cho vay trên 151 tỷ đồng; giải ngân trên 2 tỷ đồng cho 83 hộ dân thuộc diện hỗ trợ cho vay làm nhà ở; tiếp nhận từ các nguồn vốn hỗ trợ trên 3,8 tỷ đồng làm 123 nhà tình nghĩa cho hộ nghèo. Hỗ trợ trên 5 tỷ đồng cho 9.598 lượt hộ thuộc diện được hỗ trợ tiền điện. Tổ chức đào tạo nghề cho 746 lao động nông thôn với tổng số kinh phí thực hiện gần 2 tỷ đồng. Xây dựng trên 1.997 công trình nước sạch vệ sinh ở nông thôn. Cấp 71.176 thẻ bảo hiểm y tế cho các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo.


Mô hình chăn nuôi gà của chị Hoàng Thị Bạch - Thôn Pò Đeng, xã Tân Tú

Cùng với các chính sách hỗ trợ, để giảm nghèo bền vững cần có sự nỗ lực vươn lên của các hộ nghèo. Chính vì vậy, huyện Bạch Thông đã xác định cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và các tầng lớp Nhân dân về công tác giảm nghèo; khơi dậy ý thức tự lực vươn lên thoát nghèo của người dân. Thời gian qua, huyện Bạch Thông đã tổ chức được 16 buổi tập huấn nâng cao năng lực truyền thông cho 883 lượt cán bộ công chức làm công tác giảm nghèo; tuyên truyền, phổ biến pháp luật được 958 cuộc với gần 23.000 lượt người tham gia; tổ chức 28 buổi biểu diễn văn nghệ có lồng ghép nội dung tuyên truyền về công tác giảm nghèo, các chính sách hỗ trợ cho người nghèo… góp phần nâng cao đời sống văn hóa, thông tin cho người dân.

Nhiệm kỳ 2020-2025, huyện Bạch Thông phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều còn 12,5%; tỷ lệ giảm nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn còn 20%.

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo đề ra, cùng với các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội chung, huyện Bạch Thông xác định triển khai đồng bộ các chương trình, giải pháp giảm nghèo, thực hiện giảm nghèo đa chiều, bền vững; ưu tiên các nguồn vốn thực hiện các chương trình, dự án, đề án phát triển kinh tế - xã hội gắn với tạo việc làm cho lao động tại các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao.

Trong thời gian tới, huyện tập trung các giải pháp đào tạo nghề, thực hiện công tác hướng nghiệp ngay từ trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên...; đẩy mạnh phối hợp liên kết đào tạo với các doanh nghiệp, trường nghề nhằm đa dạng hóa ngành nghề đào tạo và hình thức đào tạo; nâng cao chất lượng lao động nông thôn; tăng cường nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm; phát triển các ngành nghề phi nông nghiệp để tạo việc làm thêm cho lao động nông thôn./.

Hương Dịu