Độ tương phản
Toàn huyện hiện có hơn 8.800 hộ sản xuất nông nghiệp, trong đó có hơn 7.000 hội viên nông dân. Xác định đây là nguồn lực quan trọng để đẩy mạnh kinh tế nông nghiệp, huyện tổ chức nhiều hoạt động dịch vụ, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, nâng cao đời sống. Đồng thời, xây dựng các mô hình phát triển sản xuất, giúp nông dân tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến bảo quản, chế biến, tiêu thụ nông sản theo hướng phát triển các hình thức kinh tế tập thể. Các chương trình hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, chính sách cho vay ưu đãi đối với hộ nghèo, cận nghèo của Nhà nước đã góp phần giúp người nông dân phát triển sản xuất, cải thiện đời sống, giữ vững ổn định chính trị, xã hội ở nông thôn. Trước những diễn biến phức tạp của thiên tai, dịch bệnh, nông dân trong huyện đã phát huy tinh thần đoàn kết, chủ động khắc phục khó khăn, duy trì lao động sản xuất, tích cực đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Đến nay, tổng diện tích gieo trồng hằng năm toàn huyện đạt hơn 9.000 ha; tổng sản lượng lương thực hằng năm đạt trên 34.000 tấn; bình quân lương thực đầu người đạt hơn 820 kg/người/năm. Diện tích một số loại cây lương thực có hạt đạt hơn 7.000 ha; diện tích cây trồng có bột đạt trên 400 ha; có hơn 600 ha cây công nghiệp; hơn 800 ha rau, đậu đỗ các loại; trên 856 ha diện tích trồng cây ăn quả, chủ yếu là cây cam, quýt, hồng không hạt... Các mô hình khảo nghiệm, thử nghiệm các loại giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao được quan tâm thực hiện và nhân rộng, diện tích tăng mạnh qua các năm.
Đối với lĩnh vực chăn nuôi, tổng đàn trâu, bò của huyện phát triển ổn định với gần 10.000 con; tổng đàn lợn, gia cầm, dê tăng mạnh. Diện tích ao, hồ nuôi thủy sản các loại được mở rộng, đến nay, toàn huyện có 347 ha với sản lượng nuôi trồng hằng năm đạt hơn 1.000 tấn. Huyện cũng thường xuyên quan tâm tuyên truyền, vận động nông dân tham gia trồng rừng, chăm sóc, bảo vệ rừng. Diện tích trồng rừng bình quân/năm đạt 607,78 ha; tỷ lệ che phủ rừng đạt 79,7%.
Hằng năm, huyện tích cực tuyên truyền, phát động phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Trong 5 năm (2018 - 2023), đã có 113 hộ được giúp đỡ và đã thoát nghèo, có 6.108 lượt hộ đăng ký, kết quả có 1.926 lượt hộ đạt hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Từ phong trào thi đua đã xuất hiện những tấm gương nông dân điển hình tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ hiện đại vào sản xuất.
Huyện cũng tích cực tổ chức tuyên truyền kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng và thực hiện được nhiều mô hình về trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm. Nhiều mô hình mang lại kết quả tốt và hiện nay đang được nhân rộng trên địa bàn huyện. Tiêu biểu như mô hình trồng cây ăn quả của hộ ông Đinh Duy Lý ở thôn Khuổi Nằn II, thị trấn Yến Lạc; mô hình nuôi trâu vỗ béo, ngựa bạch, hồng không hạt của hộ ông Hứa Văn Liàng, Hoàng Văn Việt ở xã Sơn Thành; mô hình trồng cây ăn quả của bà Đào Thị Huyền ở xã Kim Lư…
Hội Nông dân huyện chủ động, tích cực phối hợp với chính quyền, các ban ngành tư vấn, vận động, hướng dẫn hội viên, nông dân tham gia xây dựng và phát triển các hình thức kinh tế tập thể phù hợp với địa phương. Trong 5 năm (2018 - 2023) đã tư vấn, hướng dẫn thành lập được 9 hợp tác xã, hướng dẫn thành lập 145 tổ hợp tác với 1.776 thành viên tham gia với các ngành hàng chủ yếu là chăn nuôi lợn, trâu, bò vỗ béo, trồng kiệu, dong riềng, hồng không hạt, thạch đen… Trực tiếp hướng dẫn xây dựng 8 sản phẩm OCOP, góp phần nâng số lượng sản phẩm OCOP toàn huyện lên 23 sản phẩm được cấp chứng nhận OCOP; trong đó có sản phẩm miến dong của Hợp tác xã Tài Hoan đạt 5 sao và 22 sản phẩm đạt 3 sao.
Hợp tác xã Tài Hoan (xã Côn Minh) hiện đang sản xuất trên quy mô 6.000 m2 và đang mở thêm xưởng sản xuất mới rộng 4.000 m2. Trung bình mỗi ngày, Hợp tác xã sản xuất khoảng 2 tấn miến, ngoài thị trường trong nước, sản phẩm miến dong của Hợp tác xã đã được xuất khẩu sang thị trường châu Âu, châu Mỹ, Úc.
Chị Nguyễn Thị Hoan - Giám đốc Hợp tác xã cho biết, được tiếp cận với nguồn vốn của trung ương và của tỉnh, hiện nay, Hợp tác xã được đầu tư dây chuyền tráng miến sấy bánh dẻo và nhà màng phơi bằng năng lượng mặt trời. Nhờ đó, việc sản xuất được thuận lợi, không bị phụ thuộc vào thời tiết nhưng vẫn đảm bảo tốt chất lượng miến. Hợp tác xã đang tạo công ăn việc làm cho 20 lao động thường xuyên với mức thu nhập trung bình từ 6,5 - 7 triệu đồng/tháng. Thời gian tới, Hợp tác xã tiếp tục mở rộng diện tích vùng trồng nguyên liệu, quy mô sản xuất để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Từ năm 2018 - 2023, Hội Nông dân các cấp trong huyện đã phối hợp cung ứng phân bón trả chậm cho hội viên nông dân để sản xuất với số lượng 365.825 tấn; tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật được 329 lớp với 33.020 lượt hội viên tham gia; hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong nông nghiệp và kết nối, tiêu thụ nông sản cho hội viên, nông dân thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử Postmart.vn; đến nay, đã hỗ trợ được 9 sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động sản xuất nông nghiệp của huyện cũng gặp một số khó khăn. Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững mặc dù đạt được những kết quả nhất định, song số hộ đạt tiêu chuẩn sản xuất kinh doanh giỏi còn thấp, số hộ hội viên nghèo còn cao. Hiệu quả của việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi còn hạn chế, các mô hình điểm về phát triển kinh tế chưa nhiều…
Hiện nay, huyện Na Rì đang tiếp tục hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, nâng cao đời sống; xây dựng các mô hình phát triển sản xuất, giúp nông dân tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị. Vận động cán bộ, hội viên, nông dân tích cực chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng nông nghiệp - lâm nghiệp - công nghiệp và dịch vụ; phát triển các loại cây trồng, vật nuôi có lợi thế của huyện thành vùng sản xuất chuyên canh tạo sản phẩm hàng hóa, tăng thu nhập đảm bảo an sinh xã hội và nâng cao đời sống của hội viên, nông dân…/.
Chuyển đổi số ở Pác Nặm: Còn đó những khó khăn (04/10/2024)
Bạch Thông tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng (27/09/2024)
Lần đầu tiên tổ chức "Hội cốm ATK Chợ Đồn" (25/09/2024)
Thanh niên Na Rì với khát vọng cống hiến và phát triển (23/09/2024)
Không tổ chức sự kiện “Sắc thu hồ Ba Bể” năm 2024 (17/09/2024)