PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

04/09/2024
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Ngân Sơn chú trọng phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện Ngân Sơn xảy ra một số loại dịch bệnh trên đàn gia súc, ảnh hưởng đến công tác chăn nuôi của địa phương. Huyện đã tập trung công tác tiêm phòng và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData


Xã Cốc Đán công bố hết dịch từ tháng 3/2024, người dân chú trọng bổ sung thực phẩm để
tăng sức đề kháng cho đàn vật nuôi

Trong 8 tháng đầu năm, trên địa bàn huyện Ngân Sơn xuất hiện 3 dịch bệnh trên đàn vật nuôi là bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, bệnh Viêm da nổi cục trên trâu bò và bệnh Dại trên đàn chó, trong đó nặng nề nhất là bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, theo thống kê của huyện, từ ngày 1/1/2024 đến ngày 26/8/2024, bệnh Dịch xảy ra tại 92 hộ, 31 thôn, 7 xã, thị trấn gồm Cốc Đán, Thuần Mang, Hiệp Lực, Trung Hòa, Bằng Vân, Vân Tùng, Nà Phặc làm 404 con lợn chết, tiêu huỷ với trọng lượng 17.743 kg.

Bệnh Viêm da nổi cục xuất hiện từ tháng 6/2024 trên đàn trâu, bò tại 4 xã, thị trấn gồm: Trung Hòa, Hiệp Lực, Nà Phặc, Vân Tùng, với 74 con mắc bệnh, trong đó có 1 con chết. Đến thời điểm này, tại 4 ổ dịch trên, số trâu, bò ốm đã khỏi hoàn toàn về triệu chứng, đã qua 21 ngày không xảy ra dịch bệnh. Ngày 21/8/2024, cơ quan chuyên môn của huyện đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn thẩm định đủ điều kiện công bố hết bệnh Viêm da nổi cục trên địa bàn.

Bệnh dại động vật xảy ra trên đàn chó tại xã Đức Vân từ tháng 1/2024, ổ dịch ngay sau đó được khống chế, UBND huyện đã công bố hết dịch dại theo quy định. Ngày 29/7/2024, dịch lại xuất hiện tại Tiểu khu phố, thị trấn Vân Tùng, cơ quan chuyên môn đã phối hợp với UBND thị trấn tổ chức tiêm phòng, vệ sinh tiêu độc khử trùng bao vây ổ dịch, hiện nay đã qua 21 ngày không có phát sinh thêm, cơ quan chức năng đang làm thủ tục công bố hết dịch bệnh dại.

Ngay từ đầu năm, huyện đã có văn bản chỉ đạo, tuyên truyền các địa phương tập trung công tác phòng chống dịch bệnh, nhất là khi dịch bệnh xảy ra, công tác dập dịch được triển khai khẩn trương nhằm hạn chế tình trạng dịch bệnh lây lan trên địa bàn.

Qua kiểm tra tại các xã, thị trấn, các đoàn công tác đã làm việc với một số hộ chăn nuôi để nắm bắt thông tin, ý kiến của người dân, những khó khăn, vướng mắc của người dân trong việc phòng, chống dịch bệnh. Cơ bản người dân đều hưởng ứng tiêm phòng vắc xin bảo vệ đàn vật nuôi, tại một số thôn, người dân đã chủ động tự mua vắc xin Dịch tả lợn Châu Phi tiêm phòng cho đàn lợn của gia đình, như ở Hiệp Lực (tiêm được 268 liều), Thuần Mang (tiêm được 96 liều), Trung Hòa (tiêm được 209 liều) và thị trấn Nà Phặc (tiêm được 26 liều)... Tại các địa phương khác, người dân đăng ký và phối hợp với thú y viên để tiêm phòng cho đàn vật nuôi; còn một số địa phương có số lượng đăng ký tiêm ít, các xã đang có phương án tổ chức tiêm phòng để đảm bảo công tác phòng, chống dịch.

Huyện cũng tăng cường công tác phun hóa chất tiêu độc khử trùng. UBND các xã, thị trấn đã cử cán bộ chuyên môn đến Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp để tiếp nhận hóa chất, đồng thời cấp phát đến các trưởng thôn, khu để cấp phát cho người dân tự phun theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Tổng số hóa chất khử trùng các xã, thị trấn triển khai tiếp nhận và sử dụng từ đầu năm đến hết tháng 8 là 2.418 lít các loại.

Từ nay đến cuối năm, huyện tiếp tục chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, triển khai công tác phun tiêu độc khử trùng và tiêm phòng cho đàn vật nuôi, phấn đấu duy trì và phát triển đàn vật nuôi của huyện./.

Hương Lan