PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

25/05/2022
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Trong đó nổi bật là 5 phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã phát động: “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020”; “Cả nước đoàn kết chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19”; “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”; “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”; “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”.

Cùng với cả nước, phong trào thi đua "Bắc Kạn chung sức xây dựng nông thôn mới" đã được cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở vào cuộc, được Nhân dân đồng thuận chung tay cùng thực hiện. Trên địa bàn tỉnh, thời gian qua, các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh đã chủ động đăng ký, giúp đỡ các xã khó khăn trong xây dựng nông thôn mới. Các cấp, ngành, đoàn thể tích cực lồng ghép các phong trào, cuộc vận động của ngành, đơn vị mình vào công cuộc xây dựng nông thôn mới, điển hình như các phong trào: “5 không 3 sạch”, “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi” của Hội Nông dân tỉnh; “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình văn hóa”, “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế xóa đói, giảm nghèo” của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh; “Cựu chiến binh gương mẫu”, “Cựu chiến binh thi đua làm kinh tế giỏi” của Hội Cựu chiến binh tỉnh; “Năm xung kích phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc”, “Bốn đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp”, xây dựng công trình “Thắp sáng đường quê”, cuộc vận động “Tuổi trẻ Bắc Kạn chung tay xây dựng nông thôn mới” của Tỉnh đoàn... 

Qua các hoạt động thi đua đã xuất hiện nhiều mô hình, điển hình tiên tiến trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế để thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng; tham gia hiến đất làm các công trình công cộng; đóng góp công sức lao động xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Nhờ vậy, bộ mặt nông thôn ngày các khởi sắc, các xã trên địa bàn tỉnh từng bước hoàn thành các tiêu chí về cơ sở vật chất, xây dựng các thiết chế văn hóa, giảm tỷ lệ hộ nghèo... Nếu như năm 2015, Bắc Kạn chưa có xã đạt chuẩn nông thôn mới thì đến nay toàn tỉnh đã có 21/96 xã đạt chuẩn.

Thời gian mới đây, một phong trào thi đua đã khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái cao đẹp trong toàn thể đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh đó chính là phong trào thi đua đặc biệt trong phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19. Phong trào đã thực sự lan tỏa đến mọi tầng lớp nhân dân, được Nhân dân đồng lòng hưởng ứng và tham gia tích cực. Điều này được thể hiện qua những con số ấn tượng: Sau gần 2 năm, đã huy động được 15,7 tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch Covid-19; chỉ sau 5 ngày phát động (từ 23 - 27/8/2021), Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Kạn đã tiếp nhận hơn 350 tấn hàng hóa và nhiều mặt hàng thiết yếu được quyên góp từ các thôn, xóm, bản làng, cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp ủng hộ, giúp đỡ Nhân dân miền Nam phòng, chống dịch Covid-19 (vượt 7 lần so với kế hoạch); 5 đoàn công tác của tỉnh Bắc Kạn với 85 lượt bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên y tế đã lần lượt lên đường tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch tại các tỉnh Bắc Giang, Bình Dương, Đồng Nai và Thành phố Hồ Chí Minh… Toàn tỉnh đã vận hành cao nhất các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 ở tất cả các cấp, ngành, địa phương, với các kịch bản, quy trình linh hoạt, phù hợp tình hình thực tế. Nhờ vậy, dịch bệnh luôn được kiểm soát, tình hình xã hội được duy trì ổn định, nền kinh tế vẫn có sự phát triển với tốc độ tăng trưởng dương.

Trong phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, các sở, ban, ngành, địa phương, doanh nghiệp... đã tham gia hưởng ứng với nhiều việc làm ý nghĩa, thiết thực như: Tham gia ủng hộ, đóng góp xây dựng Quỹ “Vì người nghèo”; đóng góp công sức, tạo việc làm, hỗ trợ vốn, đào tạo tập huấn kỹ thuật cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo để từng bước cải thiện cuộc sống; giới thiệu kinh nghiệm làm ăn, kiến thức khoa học kỹ thuật… Tại các thôn, bản, tổ dân phố, cộng đồng dân cư đã đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo và từng bước làm giàu với các hình thức hỗ trợ, tạo việc làm cho người nghèo phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống và thoát nghèo, điển hình như: Thôn Bản Ỏm, xã Ngọc Phái (Chợ Đồn); thôn Nà Tậu, xã Công Bằng (Pác Nặm); thôn Nà Kén, xã Vũ Muộn và thôn Quăn, xã Nguyên Phúc (Bạch Thông); thôn Đồng Tâm, xã Kim Lư (Na Rì)…

Hưởng ứng phong trào thi đua “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển” và phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”, các sở, ban, ngành, UBND huyện, thành phố đã tích cực thi đua cải cách hành chính; đơn giản hóa, rút ngắn thời gian xử lý các thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp; đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp thông qua việc tham mưu thực hiện tốt các cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nhân, doanh nghiệp phát triển. Công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan, đơn vị trong tỉnh nâng cao ý thức tu dưỡng, rèn luyện chuẩn mực về đạo đức, lối sống; chấp hành nghiêm túc kỷ cương, kỷ luật hành chính… qua đó góp phần nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Dưới sự lãnh đạo sâu sát của các cấp ủy đảng, điều hành linh hoạt của chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể các cấp và sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân, các phong trào thi đua yêu nước đã được đẩy mạnh, triển khai đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở. Các phong trào được phát động với nội dung, tiêu chí rõ ràng, cụ thể gắn với các đợt thi đua cao điểm, các sự kiện chính trị, các ngày lễ lớn, tạo thành động lực to lớn, có sức lan tỏa, động viên các tầng lớp nhân dân tích cực học tập, hăng say lao động sản xuất, công tác, nỗ lực phấn đấu vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao./.

Thu Cúc