PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

11/10/2024
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Ngân hàng Thế giới lập Quỹ hỗ trợ Ukraine
Ngày 10/10, Ban Điều hành Ngân hàng Thế giới (WB) đã bỏ phiếu thông qua việc lập một quỹ trung gian tài chính (FIF) để hỗ trợ Ukraine, với sự đóng góp dự kiến từ Mỹ, Canada và Nhật Bản.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Ngày 10/10, Ban Điều hành Ngân hàng Thế giới (WB) đã bỏ phiếu thông qua việc lập một quỹ trung gian tài chính (FIF) để hỗ trợ Ukraine, với sự đóng góp dự kiến từ Mỹ, Canada và Nhật Bản.

 Quảng trường Độc lập tại thủ đô Kiev, Ukraine. (Ảnh: Reuters)

Theo đó, quỹ FIF do WB quản lý sẽ giúp thực hiện cam kết của thành viên Nhóm các nước công nghiệp và phát triển (G7) là tài trợ cho Ukraine 50 tỷ USD vào cuối năm nay.

Thông báo của Hội đồng châu Âu cho biết, quyết định này của WB, tiếp nối thỏa thuận giữa các phái viên của Liên minh châu Âu (EU) đồng ý cấp 35 tỷ Euro (38,3 tỷ USD) cho Ukraine trong khuôn khổ khoản cho vay lớn hơn theo kế hoạch từ các nước G7. Khoản cho vay này cũng được lấy một phần trong số tiền thu được từ các tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga bị đóng băng.

Ông Josh Lipsky, Giám đốc cấp cao tại Trung tâm Địa Kinh tế của Hội đồng Đại Tây Dương, cho biết các biện pháp hỗ trợ mới này sẽ cung cấp một nguồn tài chính đáng kể cho Ukraine. Ông đánh giá đây là một số tiền có thể thay đổi cục diện tình hình xung đột, đặc biệt khi chi phí quân sự của Ukraine trong năm 2023 đã lên tới khoảng 80 - 90 tỷ USD.

Trước đó, hồi tháng 6, G7 và EU tuyên bố sẽ cấp cho Ukraine một khoản vay trị giá 50 tỷ USD, được tài trợ bằng lợi nhuận thu được từ tài sản Nga bị đóng băng ở phương Tây. Những tài sản này đã bị đóng băng ngay sau khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022.

Hơn 75% số tài sản, khoảng 210 tỷ Euro, đang bị mắc kẹt trong EU và phần lớn trong số đó do công ty thanh toán Euroclear (Bỉ) nắm giữ. Với thỏa thuận đạt được hôm 9/10, EU có thể dựa vào dự trữ ngân sách của mình làm bảo đảm trong trường hợp các hạn chế đối với tài sản bị dỡ bỏ.

Tuy nhiên, lệnh trừng phạt của EU đối với việc đóng băng tài sản của Nga phải được gia hạn 6 tháng/lần theo sự nhất trí của tất cả 27 quốc gia thành viên. Điều này có nghĩa là, bất cứ lúc nào, một quốc gia thành viên cũng có thể ngăn cản việc gia hạn. Trước lo ngại của Mỹ về tình huống trên, EU đang tìm cách nâng thời hạn định kỳ để kéo dài lệnh trừng phạt từ 6 tháng lên 36 tháng thông qua một cuộc bỏ phiếu sẽ được tiến hành trong tháng này.

Giới chuyên gia cho rằng, tuyên bố của Hungary mới đây về việc không ủng hộ kéo dài thời gian gia hạn lệnh trừng phạt của EU đối với tài sản bị phong tỏa của Nga có thể sẽ khiến EU không thể thông qua quyết định này./.

Theo dangcongsan.vn