PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

28/04/2023
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Ngành Giáo dục và Đào tạo nỗ lực chuyển đổi số
Trước xu thế tất yếu của chuyển đổi số (CĐS), ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã và đang triển khai nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy tiến trình CĐS, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Hiện nay, ngành GD&ĐT đang sử dụng một số phân hệ của hệ sinh thái giáo dục thông minh vnedu do VNPT hỗ trợ để xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu riêng của Ngành và thực hiện công tác CĐS. Các nội dung đã và đang triển khai thực hiện trên hệ thống vnedu đều đem lại hiệu quả cao, đảm bảo chính xác, công khai, minh bạch, đồng thời hỗ trợ hiệu quả cho công tác quản lý, giám sát, điều hành, giảm bớt thời gian, công sức cũng như kinh phí cho các cơ quan và người dân.    

Bên cạnh đó, Ngành đã tổ chức nghiên cứu và triển khai thí điểm các phân hệ trên hệ sinh thái giáo dục thông minh vnedu, chủ động phối hợp cùng VNPT chỉnh sửa các tính năng phần mềm như phần mềm tuyển sinh đầu cấp hoàn toàn trực tuyến, ứng dụng hỗ trợ đăng ký thi tốt nghiệp THPT trên điện thoại, hệ thống phần mềm dạy học trực tuyến, hệ thống phần mềm quản lý các kỳ thi. Đồng thời triển khai việc xác thực dữ liệu cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, người lao động và học sinh của tỉnh để xác thực điện tử; đồng bộ, kết nối, chia sẻ dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đạt 98,14%.

Công tác đảm bảo an toàn thông tin và an ninh mạng được đảm bảo, có 4 hệ thống thông tin của Ngành đã được UBND tỉnh phê duyệt đạt cấp độ 3 gồm hệ thống mạng nội bộ, hệ thống cơ sở dữ liệu ngành GD&ĐT vnedu, hệ thống quản lý văn bằng chứng chỉ, hệ thống cổng thông tin điện tử. Để tổ chức triển khai hiệu quả nhiệm vụ có liên quan của Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030", các cơ sở giáo dục thực hiện việc rà soát, cập nhật dữ liệu, cập nhật bổ sung thông tin, mã định danh cho học sinh ở các cấp học thường xuyên và định kỳ; hướng dẫn cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, người lao động và học sinh từ 14 tuổi trở lên đăng ký sử dụng ứng dụng VNEID và kích hoạt tài khoản định danh điện tử.

Sở GD&ĐT khuyến khích các đơn vị thực hiện các khoản thu bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Hiện nay, các đơn vị đã tổ chức triển khai mở tài khoản tại ngân hàng thương mại để thu học phí và các khoản thu khác qua ngân hàng, một số trường học đang thực hiện mở tài khoản để chi trả chế độ chính sách cho học sinh bằng hình thức chuyển khoản. Ngành GD&ĐT cũng triển khai và cấp tài khoản dạy học trực tuyến trên nền tảng Microsoft Team cho 151 cơ sở giáo dục với 52.935 tài khoản cho giáo viên và học sinh, sẵn sàng cho công tác học và họp trực tuyến.

Học sinh Trường THPT Chuyên được hướng dẫn đăng ký dự thi tốt nghiệp năm 2023 theo hình thức trực tuyến

Hiện nay, các cơ sở giáo dục tích cực triển khai CĐS, ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động, tiêu biểu như Trường THPT Chuyên Bắc Kạn. Theo thầy giáo Lê Xuân Thứ - Hiệu trưởng nhà trường, thực hiện chỉ đạo của Sở GD&ĐT, Trường đã tích cực, chủ động trong thực hiện công tác CĐS, thường xuyên cập nhật dữ liệu cơ sở ngành, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, hồ sơ của nhà trường được số hóa. Các thầy cô giáo đã chủ động khai thác, tìm tòi các phần mềm ứng dụng trong dạy học để nâng cao hiệu quả dạy và học cho học sinh.

Cô giáo Triệu Thị Thu Hằng - Giáo viên phụ trách công nghệ thông tin của Trường THPT Chuyên cho biết, việc triển khai ứng dụng đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh trực tuyến bằng ứng dụng vnedu Connect đã giúp cho học sinh, cán bộ phụ trách công tác tuyển sinh của Trường hạn chế được tối đa những sai sót trong khai báo thông tin của học sinh, giảm được rất nhiều thời gian, công sức và chi phí trong việc hoàn thiện hồ sơ so với hồ sơ viết tay như trước đây.

Em Hoàng Ngân Hà - Học sinh lớp 12 chuyên Sử, Trường THPT Chuyên cho biết, được các thầy cô hướng dẫn nên em có thể tự đăng ký hồ sơ tuyển sinh trên hệ thống. Hầu hết các thao tác đơn giản, dễ dàng, có thể làm trên điện thoại hoặc các thiết bị thông minh khác.

Cùng với những kết quả đã đạt được, hoạt động CĐS của Ngành hiện cũng gặp một số khó khăn. Các cơ sở giáo dục thiếu cán bộ phụ trách công nghệ thông tin, khả năng sử dụng cũng như ứng dụng công nghệ thông tin của một số công chức, viên chức còn hạn chế, nhiều hệ thống cơ sở dữ liệu có kết nối nhưng chưa hoàn thiện nên hiệu quả còn thấp, mất nhiều thời gian.

Để tiếp tục triển khai hiệu quả công tác ứng dụng công nghệ thông tin, CĐS trong giáo dục, Ngành đang tiếp tục thực hiện tốt công tác truyền thông. Tăng cường triển khai các hệ thống trực tuyến, các ứng dụng và dịch vụ trực tuyến. Thường xuyên cập nhật cơ sở dữ liệu của của Ngành trên hệ thống vnedu đầy đủ để đảm bảo dữ liệu “sống, sạch”. Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực khai thác và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, công tác dạy và học. Tiếp tục khai thác có hiệu quả, triệt để các hệ thống phần mềm đã và đang triển khai trong toàn Ngành…/.

Ngọc Tú