Độ tương phản
Chiều 26/3, tại Vĩnh Phúc, Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, UBND tỉnh Vĩnh Phúc, Trường ĐH Công nghệ Giao thông vận tải và Công ty Cổ phần Công nghệ Giáo dục Nova tổ chức Ngày hội Khởi nghiệp Quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ IV (SV_STARTUP).
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu tại Phiên khai mạc. Cùng dự còn có lãnh đạo Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội; lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo địa phương.
Đây là sự kiện được tổ chức hằng năm với với mục tiêu thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của học sinh, sinh viên (HSSV); giúp HSSV thay đổi tư duy, nhận thức, dám nghĩ, dám làm và có khát vọng lớn để biến ước mơ, ý tưởng thành hiện thực. Tăng cường các hoạt động kết nối, xúc tiến đầu tư đối với các ý tưởng, dự án khởi nghiệp của HSSV có tính khả thi cao. Tôn vinh các cá nhân, tập thể có những ý tưởng sáng tạo, giải pháp kinh doanh mới, phù hợp thực tiễn. Ghi nhận sự đóng góp tích cực của các cơ sở giáo dục và đào tạo, các cơ quan, doanh nghiệp, các cá nhân đã quan tâm, ủng hộ, đồng hành và hỗ trợ tích cực cho các hoạt động khởi nghiệp của HSSV.
Đảng, Nhà nước luôn quan tâm tới phong trào đổi mới, sáng tạo
Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Chúng ta đang sống trong một thế giới thay đổi nhanh chóng. Khoa học công nghệ phát triển như vũ bão. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã tác động sâu sắc tới mọi mặt của đời sống xã hội. Các quốc gia, các doanh nghiệp và từng cá nhân muốn phát triển phải không ngừng đổi mới, sáng tạo.
Tinh thần khởi nghiệp, chủ động tiếp cận với những thay đổi chưa có tiền lệ, chưa từng xảy ra đã trở thành xu thế chung của các quốc gia hiện nay. Trên thế giới đã có những kinh nghiệm hay, bài học quý, cách làm hiệu quả về quốc gia khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo với những “không gian startup”, “vườn ươm khởi nghiệp”, các quỹ đầu tư mạo hiểm nổi tiếng.
Thủ tướng khẳng định: Đảng và Nhà nước luôn quan tâm tới phong trào đổi mới, sáng tạo; có nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách, đề án, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho khởi nghiệp. Đặc biệt là Kết luận số 14-KL/TW, ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung và các Đề án 844, 939, 1665 của Chính phủ hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia, hỗ trợ phụ nữ, sinh viên khởi nghiệp. Các bộ, ban, ngành, cơ quan, địa phương đều có các chương trình, đề án riêng nhằm thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, tạo sức lan tỏa, thu hút đông đảo thành phần tham gia, đóng góp tích cực cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội.
Năm 2021, Việt Nam xếp thứ 44/132 quốc gia và nền kinh tế về đổi mới sáng tạo toàn cầu, tiếp tục giữ vị trí đứng đầu trong 34 quốc gia có thu nhập trung bình thấp. Hiện có hơn 1.000 tổ chức có năng lực hỗ trợ khởi nghiệp, 100% các cơ sở đào tạo có kế hoạch hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp. Ngân hàng thế giới đánh giá Việt Nam là một trong số ít các quốc gia Đông Á đầu tư cho đổi mới sáng tạo, có số lượng bằng sáng chế bằng hoặc cao hơn kỳ vọng trước đây.
Tuy nhiên, Thủ tướng thẳng thắn chỉ rõ, Việt Nam là một nước có xuất phát điểm chậm hơn về khởi nghiệp, hệ sinh thái khởi nghiệp vẫn còn có khoảng cách so với nhiều nước trên thế giới, cơ chế chính sách còn một số bất cập. Quan điểm chấp nhận rủi ro và vốn đầu tư cho khởi nghiệp còn hạn chế. Số lượng, chất lượng các dự án, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khởi nghiệp sáng tạo chưa tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng.
Tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo chưa lan tỏa mạnh mẽ đến tất cả các cấp, các ngành, người dân, ngay cả trong thế hệ trẻ. Sự gắn kết giữa đào tạo, nghiên cứu khoa học với đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp còn hạn chế. Giáo dục đào tạo còn nặng về lý thuyết, nhẹ về thực hành, chưa quan tâm đúng mức đến kỹ năng, sáng tạo, khát vọng, tầm nhìn, chưa chú trọng phát huy năng lực đặc thù của từng học sinh, sinh viên.
Khuyến khích tư duy đổi mới sáng tạo, phá vỡ những định kiến, rào cản, lối mòn
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, dự báo tình hình thời gian tới có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Để phục hồi nhanh, phát triển bền vững, xây dựng nền kinh tế tự lực, tự cường, theo Thủ tướng, phải thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra. Trong đó có nhiệm vụ quan trọng là phải tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; xây dựng nguồn nhân lực mạnh cả về số lượng và chất lượng theo tinh thần lấy tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam làm trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, để phong trào khởi nghiệp chuyển sang một giai đoạn mới cao hơn cả về chất và lượng, nhanh chóng đưa Việt Nam trở thành một quốc gia mạnh về khởi nghiệp, chúng ta phải coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị, không phải nhiệm vụ của riêng một bộ, ban, ngành, địa phương nào. Phải đẩy mạnh truyền thông về đổi mới sáng tạo, khuyến khích tư duy đổi mới sáng tạo, phá vỡ những định kiến, rào cản, lối mòn trong tư duy.
Phải thúc đẩy mạnh mẽ hệ sinh thái khởi nghiệp ngành giáo dục nói chung, nhất là hệ sinh thái khởi nghiệp trong các trường đại học, cao đẳng nói riêng. Nhà trường và các thầy, cô giáo phải là người truyền cảm hứng, truyền lửa để học sinh, sinh viên xác định rõ mục đích của việc học tập, có tinh thần học tập, thay đổi tâm thế khi ra trường. Đồng thời, khuyến khích sinh viên có những sáng kiến, đổi mới sáng tạo, tạo ra những mô hình kinh doanh mới, có những đề tài nghiên cứu ứng dụng có thể thương mại hóa hoặc áp dụng vào thực tế, hình thành các doanh nghiệp khởi nghiệp, tạo ra giá trị cho cộng đồng và cho toàn xã hội.
Với mong muốn thúc đẩy khởi nghiệp trong HSSV và thế hệ trẻ, Thủ tướng lưu ý, tiếp tục phát huy truyền thống con người Việt Nam thông minh, cần cù, sáng tạo, bản lĩnh, dám đương đầu với những khó khăn, thử thách để thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Mặt khác, sớm khắc phục những tư duy, cách nghĩ không phù hợp ảnh hưởng tiêu cực tới quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa nói chung và tới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nói riêng. Đó là tâm lý “tiểu nông”; nếp nghĩ theo kinh nghiệm, ngại thay đổi, tầm nhìn thiển cận; không dám thể hiện chính kiến; thụ động, “an phận thủ thường”; cục bộ, địa phương, dòng họ; tâm lý bình quân chủ nghĩa “xấu đều hơn tốt lỏi”, “đèn nhà ai nhà ấy rạng”; tùy tiện, ý thức kỷ luật kém… Thành công sẽ đến với ai làm việc bằng đam mê và sáng tạo với tinh thần tận hiến cho cộng đồng, làm những việc mà người khác không làm được.
Bên cạnh đó, phát huy tối đa nguồn lực con người, thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp sáng tạo; muốn có khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thì phải có giáo dục đổi mới sáng tạo; tạo môi trường, thu hút nguồn lực thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh hợp tác, mở rộng liên kết, kết nối trong nước và quốc tế; Các địa phương từng bước xây dựng cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các cơ sở đào tạo nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương theo hướng xanh và bền vững.
Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh có giải pháp tạo môi trường, tăng cường truyền thông về khởi nghiệp sáng tạo. Đẩy mạnh việc thành lập các đơn vị chuyên trách hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp. Xây dựng giải pháp hỗ trợ tài năng trẻ trong khởi nghiệp, đặc biệt tại vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số. Tăng cường thu hút nguồn lực cho khởi nghiệp sáng tạo; quản lý, sử dụng hiệu quả Quỹ quốc gia hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp của Trung ương Đoàn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo không phải là chuyện ngày một, ngày hai, mà là một quá trình lâu dài, đòi hỏi tầm nhìn, giải pháp căn cơ, chiến lược. Mặc dù vậy, các nước đi sau vẫn có thể rút ngắn được quá trình này nếu học hỏi và áp dụng được kinh nghiệm của các nước đi trước. Muốn thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phải có chính quyền đổi mới sáng tạo, xã hội đổi mới sáng tạo, giáo dục đổi mới sáng tạo, con người đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đối diện với rủi ro vì lợi ích chung.
Nhấn mạnh điều này, Thủ tướng một lần nữa khẳng định về sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước và cá nhân Thủ tướng đến thế hệ trẻ, đến các bạn học sinh, sinh viên. Đây không chỉ là người chủ tương lai của đất nước, là tiềm năng, là nguồn lực, động lực đưa đất nước ta sánh vai cùng các cường quốc năm châu. Chính phủ sẽ tạo mọi điều kiện để có một môi trường khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thuận lợi nhất; đồng thời tin tưởng, bằng sức trẻ, một ngày không xa các bạn sẽ tạo ra những giá trị to lớn cho không chỉ Việt Nam mà cho cả thế giới.
Được biết, sau 04 năm triển khai thực hiện Đề án “Hỗ trợ HSSV khởi nghiệp đến năm 2025”, với nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả cùng với sự nỗ lực chung tay của các bộ, ngành, địa phương và của các cơ sở đào tạo, Đề án 1665 đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ.
Tỉ lệ 75% cơ sở đào tạo đã tổ chức các lớp kỹ năng khởi nghiệp cho sinh viên; hình thành các quỹ hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, điển hình Quỹ BK-Funds của Trường- ĐH Bách khoa Hà Nội. Số lượng, chất lượng ý tưởng, dự án ngày càng tăng, cụ thể, trong 4 năm tổ chức đã thu hút được hơn 1.600 dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên; một số ý tưởng, dự án của sinh viên đã được thành lập doanh nghiệp hoặc được các doanh nghiệp lớn mua lại./.
Tháo gỡ nhiều khó khăn khi ngành Giáo dục được chủ động tuyển dụng nhà giáo (20/11/2024)
Thủ tướng và Phu nhân bắt đầu chuyến thăm chính thức Cộng hòa Dominicana (20/11/2024)
Việt Nam phải làm chủ công nghệ đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam (20/11/2024)
Tiếp tục đẩy mạnh triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước (19/11/2024)
Thủ tướng đề xuất 3 bảo đảm chiến lược cho công cuộc xóa đói nghèo trên toàn cầu (19/11/2024)