PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

10/09/2024
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Pác Nặm quan tâm thực hiện chính sách, pháp luật về phụ nữ và trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi
Những năm qua, huyện Pác Nặm đã triển khai thực hiện tốt các chính sách dân tộc, nhất là các chính sách đối với phụ nữ và trẻ em, qua đó góp phần cải thiện, nâng cao mọi mặt đời sống của đồng bào dân tộc trên địa bàn.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData


Công tác trẻ em được tỉnh, huyện quan tâm
 (Ảnh: Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Duy Hưng trao quà cho học sinh của huyện đầu năm học mới 2024 - 2025)

Theo thống kê, huyện có 9.208 trẻ em dưới 16 tuổi, chiếm 25,5% trên tổng dân số, trong đó, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt 129 em, trẻ có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt 3.896 em, có 3.304 em sống trong gia đình nghèo, cận nghèo. Toàn huyện có 11 cơ sở Hội Phụ nữ với tổng số 5.585 hội viên.

Những năm qua, nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các đề án, chỉ thị, nghị quyết, phương án phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, huyện được triển khai đã tạo sinh kế bền vững cho người dân. Các chủ trương, chính sách về công tác dân tộc, chính sách dân tộc đã được tuyên truyền, phổ biến đến đồng bào dân tộc thiểu số với nội dung và hình thức phù hợp, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội. Người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã chủ động nắm bắt, sàng lọc thông tin trên các trang thông tin đại chúng, cảnh giác với các luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, cùng chung tay xây dựng khu dân cư văn hóa, gia đình văn hóa.

Phụ nữ và trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương, thời gian qua, nhiều cơ quan, đơn vị đã tổ chức các hoạt động văn hóa - thể thao, các buổi nói chuyện chuyên đề, tập huấn kỹ năng tự kiểm soát bản thân với nhóm đối tượng có nguy cơ cao gây bạo lực, kỹ năng phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, thu hút đông đảo nữ cán bộ, công chức, viên chức, lao động tham gia. 

Thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2025”, huyện Pác Nặm đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các cấp, các ngành và cán bộ, đảng viên trong việc giáo dục, ngăn ngừa, giảm thiểu tình trạng tảo hôn, trong đó tập trung vào nhóm đối tượng nữ giới, thanh, thiếu niên và vùng có nguy cơ cao về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Huyện đã xây dựng nhóm nòng cốt thực hiện Mô hình điểm “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” năm 2023, triển khai Mô hình điểm tại 3 xã Bằng Thành, Nhạn Môn, Giáo Hiệu để từ đó đánh giá, triển khai nhân rộng trên địa bàn. Giai đoạn 2021 - 2023, trên địa bàn huyện không xảy ra trường hợp kết hôn cận huyết thống, tuy nhiên, tình trạng tảo hôn vẫn còn diễn ra, theo thống kê, tổng số vụ tảo hôn năm 2021 đến 2023 là 58 vụ.

Bên cạnh đó, công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn huyện được đặc biệt quan tâm. Nhiều hoạt động hướng về trẻ em được triển khai thông qua các hoạt động thăm, tặng quà trẻ em nhân dịp Tết Nguyên đán, Tết Thiếu nhi, Tết Trung thu, tặng học bổng trẻ em nghèo, vượt khó học giỏi trên địa bàn. Hằng năm, có hàng nghìn suất quà tặng đã đến với trẻ em của huyện, góp phần chia sẻ khó khăn với địa phương. Công tác khám, chữa bệnh cho trẻ em dưới 6 tuổi được triển khai ở tất cả cơ sở y tế từ trung tâm y tế huyện xuống đến trạm y tế xã; 100% trẻ em khi đi khám, chữa bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế được đảm bảo được quyền lợi theo quy định.

Công tác giáo dục trẻ em nhận được sự quan tâm của các cấp, ban, ngành, đoàn thể và toàn xã hội. Tỷ lệ trẻ em đi học đúng độ tuổi ở các cấp học ngày càng tăng, tỷ lệ trẻ em 5 tuổi đi học giáo dục mầm non đạt 100%; tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ được chăm sóc, giáo dục tại các cơ sở giáo dục mầm non chiếm khoảng 33,2%; tỷ lệ trẻ em đi học đúng độ tuổi ở bậc tiểu học đạt 100%; tỷ lệ trẻ em đi học đúng độ tuổi ở bậc trung học cơ sở chiếm khoảng 80,3%... Cùng với đó, huyện cũng triển khai tốt các chính sách, bảo đảm các điều kiện vui chơi, giải trí, truyền thông, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao cho trẻ em.

Thông qua triển khai thực hiện tốt các chính sách, pháp luật về phụ nữ và trẻ em đã góp phần đảm bảo an sinh xã hội, qua đó thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn./.

Hương Lan