PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

10/04/2025
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Phấn đấu đến năm 2030, giáo dục tỉnh Bắc Kạn đạt trình độ ngang với các tỉnh trong khu vực
Phát triển giáo dục tỉnh Bắc Kạn từng bước hiện đại, đảm bảo công bằng và bình đẳng trong tiếp cận giáo dục; đến năm 2030, giáo dục tỉnh Bắc Kạn đạt trình độ ngang với các tỉnh trong khu vực và đến năm 2045 đạt trình độ cả nước…

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Phấn đấu đến năm 2030, giáo dục tỉnh Bắc Kạn đạt trình độ ngang với các tỉnh trong khu vực
và đến năm 2045 đạt trình độ cả nước

Đây là mục tiêu của Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, UBND tỉnh vừa ban hành ngày 28/3/2025.

Theo đó, tỉnh xác định các mục tiêu cụ thể đến năm 2030 đối với các bậc học: Giáo dục mầm non; giáo dục phổ thông; giáo dục đại học, giáo dục thường xuyên.

Cụ thể đối với giáo dục mầm non, phấn đấu hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo; tỷ lệ huy động trẻ đến trường đạt 38% trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ và 99% trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo, riêng trẻ mẫu giáo 5 tuổi duy trì đạt 100%; duy trì 100% trẻ em 5 tuổi hoàn thành chương trình giáo dục mầm non; 100% trẻ em mầm non đến trường được học 2 buổi/ngày; 100% giáo viên mầm non đạt chuẩn trình độ chuẩn được đào tạo theo quy định của Luật Giáo dục; tỷ lệ cơ sở mầm non dân lập, tư thục (trường, nhóm trẻ) đạt 10%, số trẻ em theo học tại các cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục đạt 10%; tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 100%; có 82% trường mầm non đạt chuẩn quốc gia.

Đối với giáo dục phổ thông, duy trì vững chắc kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở; duy trì 100% các huyện, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; 5/8 huyện, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2; 3/8 huyện, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3; tỉnh Bắc Kạn đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2.

Tỷ lệ đi học đúng độ tuổi cấp tiểu học đạt 99,5%, cấp trung học cơ sở đạt 97%; tỷ lệ hoàn thành cấp tiểu học đạt 99,5%, trung học cơ sở đạt 99% và hoàn thành cấp trung học phổ thông đạt 95%; tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông đạt từ 90% trở lên; tỷ lệ chuyển cấp từ tiểu học lên trung học cơ sở đạt 99,5%, từ trung học cơ sở lên trung học phổ thông và các trình độ khác đạt 95%; 100% học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày; 100% giáo viên phổ thông đạt chuẩn trình độ chuẩn được đào tạo theo quy định của Luật Giáo dục.

Phấn đấu có 1 cơ sở giáo dục phổ thông tư thục và số học sinh theo học tại các cơ sở giáo dục phổ thông tư thục đạt 1,0%; tỷ lệ phòng học kiên cố cấp tiểu học, cấp trung học cơ sở, cấp trung học phổ thông đạt 100%; có 88% trường tiểu học, 77% trường trung học cơ sở và 60% trường trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia.

Đối với giáo dục đại học, số sinh viên đại học/vạn dân đạt ít nhất là 250, tỷ lệ sinh viên đại học trong nhóm độ tuổi 18 - 22 đạt ít nhất 35%.

Đối với giáo dục thường xuyên, phấn đấu tỷ lệ người biết chữ mức độ 1 trong độ tuổi từ 15 - 60 đạt 98%; có 100% các huyện, thành phố đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.

Triển khai mô hình thành phố học tập toàn cầu trên địa bàn thành phố Bắc Kạn; có ít nhất 50% huyện/thành phố trực thuộc tỉnh được công nhận danh hiệu huyện/thành phố học tập.

Để hoàn thành các mục tiêu này, tỉnh xác định 9 nhiệm vụ và giải pháp:

(1) Hoàn thiện thể chế

Hoàn thiện cơ chế, chính sách đầu tư cho giáo dục và đào tạo theo hướng Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, đồng thời đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục, huy động sự tham gia hiệu quả của toàn xã hội vào sự nghiệp giáo dục và đào tạo; bảo đảm tính đồng bộ của các văn bản pháp luật liên quan, nhất là về đầu tư, tài chính, tài sản công, ngân sách nhà nước và tuyển dụng, sử dụng, quản lý viên chức trong các cơ sở giáo dục công lập; rà soát, hoàn thiện các chính sách ưu đãi về đất đai, tín dụng và thuế đối với tất cả cơ sở giáo dục; tạo động lực thúc đẩy hợp tác và cạnh tranh bình đẳng trong mạng lưới cơ sở giáo dục công lập và tư thục, khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư phát triển giáo dục.

Triển khai thực hiện cơ chế, chính sách tiền lương, tuyển dụng, sử dụng, quản lý, đãi ngộ, thu hút, trọng dụng nhân tài đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Nghiên cứu, tham mưu xây dựng chính sách động viên kịp thời đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục công tác tại vùng núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, nhất là nhà giáo, cán bộ quản lý là nữ, người dân tộc thiểu số; có chính sách khuyến khích, ưu đãi đối với nhà giáo công tác tại cơ sở giáo dục chuyên biệt…

(2) Đổi mới quản lý giáo dục và quản trị nhà trường

Tiếp tục đổi mới công tác quản lý nhà nước về giáo dục; đổi mới bộ máy quản lý theo hướng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, đảm bảo tính hệ thống, đồng bộ, liên thông trong quản lý nhà nước từ trung ương tới địa phương và các cơ sở giáo dục, trong hệ thống giáo dục quốc dân từ giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông đến giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp; thực hiện thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến. Hoàn thiện cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quản lý giáo dục các cấp; tăng cường năng lực thực thi; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; tăng cường vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo trong việc quyết định về biên chế, tổ chức bộ máy, chính sách đối với nhà giáo và phân bổ ngân sách nhà nước cho ngành giáo dục.

Tiếp tục đổi mới cơ chế quản trị cơ sở giáo dục theo hướng khoa học, hiện đại phù hợp với quá trình hội nhập quốc tế và thực tiễn của tỉnh; tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm gắn với nâng cao trách nhiệm giải trình, phát huy dân chủ của các cơ sở giáo dục; bảo đảm việc tham gia của người học, gia đình và xã hội trong giám sát các cơ sở giáo dục; đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quản lý giáo dục và quản trị nhà trường. Xây dựng môi trường văn hóa - giáo dục lành mạnh, phù hợp với yêu cầu của gia đình và xã hội. Thực hiện việc bí thư cấp ủy kiêm chủ tịch hội đồng trường công lập. Đánh giá toàn diện việc thực hiện chủ trương sắp xếp, sáp nhập trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh để có giải pháp phù hợp, tạo thuận lợi cho công tác quản lý và phát triển hệ thống này trong thời gian tới.

Tăng cường và nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về giáo dục; thực hiện đúng và đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn về công tác thanh tra, kiểm tra, góp phần nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo…

(3) Thực hiện công bằng trong tiếp cận giáo dục

Thực hiện công bằng và bình đẳng trong cơ hội tiếp cận giáo dục có chất lượng đáp ứng nhu cầu học tập của Nhân dân, nhất là của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, các đối tượng là trẻ mồ côi, trẻ em không nơi nương tựa, người khuyết tật, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, phụ nữ và trẻ em gái, những đối tượng yếu thế khác. Tăng cường dạy học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số, gìn giữ và phát huy giá trị ngôn ngữ, văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số, tăng cường chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ em người dân tộc thiểu số trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ.

Có chính sách hỗ trợ trẻ dưới 36 tháng tuổi được vào học ở nhà trẻ, nhất là vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đô thị đông dân cư. Nâng cao hiệu quả công tác xóa mù chữ, tiến tới xóa mù chức năng.

Tiếp tục hoàn thiện chính sách hỗ trợ cho người học là đối tượng chính sách xã hội, người dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, trẻ mồ côi, trẻ em không nơi nương tựa, người khuyết tật, người thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo; chính sách tín dụng giáo dục, học bổng, trợ cấp xã hội cho người học; chính sách miễn, giảm học phí và hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt, tạo cơ hội học tập công bằng cho mọi người; chính sách cho sinh viên theo chế độ cử tuyển, học sinh trường dự bị đại học, người học là người dân tộc thiểu số rất ít người.

Bảo đảm quyền được tiếp cận giáo dục có chất lượng cho người khuyết tật. Tiếp tục triển khai có hiệu quả ba phương thức giáo dục cho người khuyết tật là phương thức giáo dục hòa nhập, bán hòa nhập và chuyên biệt, trong đó đặc biệt quan tâm đến phương thức giáo dục hòa nhập.

Tiếp tục củng cố, phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú nhằm duy trì kết quả phổ cập giáo dục và tạo nguồn đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn…

(4) Phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đáp ứng nhu cầu học tập của người dân

Phát triển hệ thống giáo dục theo hướng mở; linh hoạt, đa dạng hoá các mô hình đào tạo, chương trình giáo dục, phương thức học tập, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong giáo dục để phù hợp với mọi đối tượng người học, thúc đẩy học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập. Gắn kết liên thông giữa giáo dục phổ thông với giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học.

Tiếp tục rà soát, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của mỗi địa phương, tạo công bằng trong tiếp cận giáo dục, bảo đảm đủ trường, lớp học và trang thiết bị dạy học, đáp ứng yêu cầu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo, tiểu học và trung học cơ sở tiến tới thực hiện giáo dục bắt buộc 9 năm. Nghiên cứu phát triển các mô hình mới như trường học số, trường học thông minh, trường học hạnh phúc, trường chất lượng cao, trường công lập tự chủ...

Rà soát, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục thường xuyên theo hướng giáo dục mở, linh hoạt, hiệu quả bảo đảm đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của mọi người dân, xây dựng xã hội học tập.

Triển khai hiệu quả hoạt động của Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh Bắc Kạn đáp ứng nhu cầu tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ giáo dục có chất lượng cho người khuyết tật…

(5) Đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, kiểm tra và đánh giá chất lượng giáo dục

Đổi mới Chương trình giáo dục mầm non bảo đảm đồng bộ về nội dung và phương pháp, tiếp cận xu hướng tiên tiến về phát triển chương trình, phù hợp với tình hình thực tiễn, liên thông với đổi mới giáo dục phổ thông; tăng cường quản lý việc thực hiện Chương trình trong các cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục, quan tâm hỗ trợ chuyên môn đối với nhóm trẻ, lớp mẫu giáo, lớp mầm non độc lập; chuẩn bị đủ các điều kiện đội ngũ, cơ sở vật chất, đồ dùng, đồ chơi, học liệu, thiết bị dạy học để triển khai thực hiện Chương trình giáo dục mầm non mới.

Thực hiện có hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông hướng đến phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực từng cá nhân người học; đẩy mạnh phương thức giáo dục tích hợp Khoa học, Kỹ thuật, Công nghệ, Toán học (STEM) và nghiên cứu khoa học trong trường phổ thông; nâng cao năng lực tự học và ý thức học tập suốt đời; khả năng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực, sở thích, điều kiện của bản thân.

Tổ chức thực hiện tốt công tác giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh; khuyến khích các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các doanh nghiệp tham gia xây dựng chương trình, tài liệu, đánh giá kết quả giáo dục hướng nghiệp ở trường phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên. Tăng cường lồng ghép, tích hợp giáo dục khởi nghiệp vào các môn học và hoạt động giáo dục.

Đổi mới chương trình xóa mù chữ và chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở, cấp trung học phổ thông phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông.

Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục quốc phòng và an ninh, xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, ý thức, trách nhiệm đối với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cho học sinh, sinh viên. Tăng cường công tác giáo dục thể chất, hoạt động thể thao, xây dựng trường học an toàn, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe trẻ em, học sinh toàn diện cả về thể chất và tinh thần. Xây dựng các tiêu chí, yêu cầu cần đạt để đánh giá tính tích cực, chủ động của học sinh, sinh viên khi tham gia các hoạt động.

Đổi mới đánh giá người học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực; thúc đẩy môi trường học tập hài hoà, hạnh phúc, giảm nhẹ áp lực học tập, phát huy tối đa tiềm năng của người học, khuyến khích học theo đam mê và sở thích. Hoàn thiện các phương thức đánh giá, tiếp cận các thông lệ tốt của quốc tế, ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin và tăng cường phân tích kết quả đánh giá phục vụ dạy học và quản lý giáo dục.

Nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ ở tất cả các cấp học và trình độ đào tạo; từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học; khuyến khích dạy học một số môn học bằng ngoại ngữ trong giáo dục phổ thông.

Nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, kiểm tra và đánh giá chất lượng giáo dục…

(6) Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục

Xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên ngành giáo dục đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng, hợp lý và đồng bộ về cơ cấu đội ngũ, đạt chuẩn nghề nghiệp.

Đổi mới cơ chế tuyển dụng, sử dụng giáo viên đảm bảo các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên được bố trí đủ định mức giáo viên theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đảm bảo thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục mầm non mới, Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Chương trình giáo dục thường xuyên.

Đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý và nhân viên ngành giáo dục theo hướng phát triển năng lực và đạo đức nghề nghiệp.

Đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách tuyển dụng, quản lý sử dụng, đãi ngộ, trọng dụng nhân tài, bảo đảm các điều kiện cần thiết về vật chất và tinh thần để nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành giáo dục thực hiện tốt vai trò và nhiệm vụ của mình, yên tâm công tác và cống hiến; đồng thời thu hút được người giỏi vào ngành giáo dục và tạo động lực cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành giáo dục phát triển; nghiên cứu, xây dựng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao về giáo dục đào tạo ở các cấp học gắn với hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển đội ngũ. Có chính sách khuyến khích, ưu đãi đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành giáo dục công tác tại vùng núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; nhất là nhà giáo, cán bộ quản lý là nữ, người dân tộc thiểu số, nhà giáo đang công tác trong các cơ sở giáo dục chuyên biệt. Thực hiện chủ trương lương của nhà giáo được ưu tiên cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng.

(7) Bảo đảm nguồn lực tài chính và cơ sở vật chất cho phát triển giáo dục

Bố trí ngân sách nhà nước chi cho giáo dục, đào tạo bảo đảm đạt tối thiểu 20% tổng chi ngân sách nhà nước theo quy định và quản lý sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính cho phát triển giáo dục và đào tạo. Kịp thời điều chỉnh tăng mức chi ngân sách cho giáo dục và đào tạo phù hợp với tăng trưởng của nền kinh tế. Ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí cho giáo dục bắt buộc, giáo dục phổ cập, miễn học phí cho trẻ em mẫu giáo 5 tuổi, xóa mù chữ, phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông, các nhiệm vụ trọng điểm, các chương trình mục tiêu, các ngành nghề mũi nhọn; ưu tiên đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích cộng đồng, xã hội tham gia phát triển giáo dục, nhất là đầu tư phát triển các loại hình cơ sở giáo dục tư thục đáp ứng nhu cầu xã hội, nhất là loại hình tư thục chất lượng cao và không vì lợi nhuận.

Tăng cường huy động và thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước cho phát triển giáo dục. Huy động đa dạng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn vay ưu đãi, viện trợ không hoàn lại, vốn đầu tư, tài trợ của tổ chức, cá nhân và các nguồn kinh phí hợp pháp khác; phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn đầu tư công để gia tăng thu hút các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển các cơ sở giáo dục...

(8). Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và tăng cường chuyển đổi số trong giáo dục

Triển khai Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030 vào lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quản trị, quản lý giáo dục; hoàn thiện hệ thống thông tin quản lý và cơ sở dữ liệu toàn ngành giáo dục, đồng bộ, thống nhất kết nối dữ liệu từ các cơ sở giáo dục, các cấp quản lý giáo dục, kết nối dữ liệu giữa ngành giáo dục với các cơ sở dữ liệu quốc gia; tất cả cơ sở giáo dục triển khai dạy học, quản lý nhà trường trên nền tảng số bảo đảm thiết thực và hiệu quả, tạo nên hệ sinh thái chuyển đổi số trong các cơ sở giáo dục.

Xây dựng và khai thác nguồn tài nguyên giáo dục mở, đáp ứng cơ hội học tập suốt đời cho người dân. Phát triển kho học liệu số dùng chung toàn ngành. Đẩy mạnh đào tạo trực tuyến theo chuẩn quốc tế. Khuyến khích phát triển và khai thác dữ liệu lớn, áp dụng trí tuệ nhân tạo vào lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Nghiên cứu, thí điểm và triển khai các mô hình trường học mới như trường học số, trường học thông minh; triển khai mạnh mẽ mô hình giáo dục đại học số nhằm phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số.

Đảm bảo các điều kiện về nhân lực và hạ tầng số, đường truyền, băng thông, nền tảng tích hợp - chia sẻ dữ liệu, đảm bảo an toàn thông tin, ưu tiên hỗ trợ các cơ sở giáo dục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong hợp tác nghiên cứu, triển khai ứng dụng và thu hút nguồn vốn đầu tư xây dựng các hệ thống công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong ngành giáo dục.

(9). Tăng cường hội nhập quốc tế

Quan tâm hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển tỉnh trong giai đoạn mới.

Đẩy mạnh hợp tác và đầu tư với nước ngoài, phát triển các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông chất lượng cao./.

BH