PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

02/04/2025
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Bạch Thông phát huy vai trò của thanh niên trong phát triển kinh tế
Thời gian qua, nhiều thanh niên trên địa bàn huyện Bạch Thông với sức trẻ cùng khát khao lập thân, lập nghiệp tại quê hương đã năng động, mạnh dạn tìm tòi hướng đi mới để phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu. Chính vì vậy, trên địa bàn huyện đã có nhiều mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ mang lại hiệu quả kinh tế cao.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Anh Đức nhận mã QR chỉ dẫn tới vườn hoa đào của Tổ hợp tác Đức Duyên do Huyện đoàn hỗ trợ 

Là một bí thư đoàn xã, một đảng viên trẻ, anh Phạm Minh Đức - Bí thư đoàn xã Tân Tú không chỉ năng động trong công tác Đoàn, luôn tiên phong đi đầu trong việc tuyên truyền, vận động, tập hợp đoàn viên thanh niên tham gia các hoạt động, chủ động sáng tạo các phần việc, công trình thiết thực phù hợp tại các thôn, bản mà còn là tấm gương xung kích trong phát triển kinh tế tại địa phương để các đoàn viên thanh niên noi theo.

Hiện nay, anh Phạm Minh Đức đang là Tổ trưởng Tổ hợp tác Đức Duyên với 5 thành viên đều là thanh niên, sản xuất rượu men lá với sản lượng 15.000 lít/năm. Tổ hợp tác đã thu mua gạo, đảm bảo đầu ra cho người nông dân trồng lúa với sản lượng 15 tấn gạo/năm. Năm 2023, sản phẩm “Rượu men lá Tân Tú” của Tổ hợp tác đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao và là sản phẩm đầu tiên của xã tham gia vào chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị, nâng cao thu nhập của cư dân nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới. Sản phẩm có mã QR và mã vạch truy xuất nguồn gốc, xuất xứ, đảm bảo chất lượng, nhận được nhiều phản hồi tốt của người tiêu dùng, đến nay đã có mặt tại khắp các tỉnh, thành trong nước. Ngoài ra, tận dụng nguồn bỗng rượu để chăn nuôi, từ năm 2023 đến nay, anh Đức đã phát triển chăn nuôi lợn với quy mô 4 lợn nái sinh sản, mỗi năm cho thu nhập trên 100 triệu đồng.

Mỗi năm vườn đào của anh Đức duy trì hơn 200 gốc đào để phục vụ nhu cầu đào Tết của người dân

Bên cạnh đó, nhận thấy cây đào phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương và đem lại giá trị kinh tế cao, năm 2023, anh Đức đã chuyển đổi toàn bộ diện tích đất nông nghiệp của gia đình để trồng đào. Hằng năm, vườn đào nhà anh đều duy trì hơn 200 gốc đào bích, đào phai… phục vụ người tiêu dùng dịp Tết, không chỉ ở địa bàn trong xã, huyện mà còn vươn ra các địa phương khác nhờ nắm bắt được xu hướng quảng cáo bằng định vị trên hệ thống GPRS gửi tọa độ và đánh dấu vị trí trên bản đồ. Mỗi năm, từ bán đào dịp Tết, anh Đạt thu lãi trên 50 triệu đồng.

Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, anh Đạt còn hướng dẫn người dân địa phương cùng ứng dụng công nghệ số trong sản xuất kinh doanh. Năm 2024, anh đã hướng dẫn các chủ thể tại địa phương sản xuất sản phẩm “Hương truyền thống” theo hướng sử dụng máy móc thay cho sức người nhưng vẫn giữ được nét truyền thống để phát triển ngành nghề địa phương, giải quyết việc làm tại chỗ cho người dân, đặc biệt là những người cao tuổi vẫn còn khả năng lao động. Đối với một số sản phẩm nông nghiệp tại địa phương đang được sản xuất hàng hóa, bản thân anh Đức cũng đã và đang xây dựng các mã QR, mã vạch cho từng sản phẩm, từng bước đưa các sản phẩm ra ngoài tỉnh để thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.

Cũng mong muốn lập nghiệp trên chính mảnh đất quê hương, anh Hoàng Phương Nam (xã Sỹ Bình) đã mạnh dạn thành lập Hợp tác xã Phương Nam trên cơ sở là Tổ hợp tác thanh niên đã hoạt động từ năm 2022 với 9 thành viên. Tận dụng công nghệ và nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương, Hợp tác xã Phương Nam hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt. Hợp tác xã đang duy trì mô hình nuôi lợn siêu nạc với quy mô hơn 20 con lợn nái, hằng trăm con lợn thịt và dê thương phẩm; xây dựng được mô hình nuôi giun, trùn quế, tạo phân hữu cơ từ chất thải chăn nuôi và phế phụ phẩm nông nghiệp.

Theo chia sẻ của anh Hoàng Phương Nam - Giám đốc Hợp tác xã Phương Nam, là đơn vị mới được thành lập, Hợp tác xã Phương Nam có khá nhiều kế hoạch thực hiện. Bước đầu, Hợp tác xã mạnh dạn tham gia chương trình khởi nghiệp của Tỉnh đoàn, từ đó đã có suy nghĩ khác về vấn đề lập nghiệp như phải có sự liên kết và đồng hành cùng nhiều người mới có thể thực hiện thành công được.

Huyện Bạch Thông hiện có trên 7.000 thanh niên trong độ tuổi từ 16 đến 30, chiếm hơn 22,9% dân số, chiếm hơn 27% lực lượng lao động xã hội. Với tư duy đổi mới, nghị lực, ý chí của tuổi trẻ, nhiều ý tưởng, dự án khởi nghiệp sáng tạo của thanh niên đã được triển khai và đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo sinh kế cho Nhân dân địa phương. Đến nay, huyện Bạch Thông duy trì và thành lập mới 5 hợp tác xã, 3 tổ hợp tác và 20 mô hình phát triển kinh tế do thanh niên làm chủ.

Anh Bùi Văn Tô - Giám đốc HTX Đại Hà (xã Quang Thuận) là một trong những thanh niên nhanh nhạy, sáng tạo
trong phát triển kinh tế ở địa phương với việc thành lập HTX sản xuất kinh doanh rau, quả ứng dụng công nghệ cao...

Chị Hoàng Thị Hạ - Bí thư Huyện đoàn Bạch Thông cho biết, thời gian qua, Huyện đoàn đã triển khai có hiệu quả nhiều chương trình đồng hành với thanh niên trong học tập, nghề nghiệp, việc làm... ; đến nay, 100% Đoàn Thanh niên cấp xã tham gia quản lý các tổ tiết kiệm và vay vốn. Thông qua đó, phong trào thanh niên lập thân, lập nghiệp đã lan tỏa trong cộng đồng, giúp thanh niên phát huy sức trẻ, sự năng động, sáng tạo, không ngừng đổi mới, tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất, đem lại nguồn thu nhập ổn định; tiếp tục khẳng định vai trò của lực lượng thanh niên trong phát triển kinh tế, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp…/.

Hương Dịu