PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

08/01/2024
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Số hóa để bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số
Bắc Kạn có 7 dân tộc cùng sinh sống, phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số. Qua nhiều thế hệ, những di sản văn hóa của các dân tộc vẫn được lưu giữ khá nhiều trong cộng đồng, nhất là thư tịch cổ, di vật, cổ vật, tài liệu, trong đó nhiều tài liệu là độc bản song đang đứng trước nguy cơ mai một.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Nhận thức được sự cần thiết phải bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc, năm 2018, tỉnh Bắc Kạn đầu tư 250 triệu đồng, giao Thư viện tỉnh thực hiện nhiệm vụ sưu tầm, số hóa tài liệu các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Việc số hóa được thực hiện theo phương pháp chụp ảnh, quét thành dữ liệu lưu trên máy tính, bảo đảm thông tin đúng hiện trạng, nội dung từng tài liệu cổ. Từ sự tài trợ của Quỹ Bill & Melinda Gates (Mỹ), Thư viện tỉnh được trang bị máy chủ, máy chiếu, máy quét ảnh, 40 máy tính, thiết bị ngoại vi… đáp ứng cho việc số hóa các tài liệu, thư tịch cổ.

Chị Lương Thu Hoài (áo nâu) cùng đồng nghiệp Thư viện tỉnh thực hiện việc sao chụp thư tịch cổ tại nhà 
người dân ở xã Phương Viên (Chợ Đồn)

Hơn 5 năm qua, chị Lương Thu Hoài cùng đồng nghiệp ở Thư viện tỉnh Bắc Kạn rong ruổi trên chiếc xe máy, mang theo máy ảnh lặn lội đến từng thôn, bản xa để chụp lại thư tịch cổ. Thư tịch cổ, tài liệu chữ Nôm thì nhiều nhưng không phải cuốn nào cũng được các già làng, thầy Tào lưu giữ. Nhiều cuốn dù được truyền đời nhưng đến con cháu không biết chữ, không đọc được nên nằm ở một góc tủ trong nhà nào đó.

Chị Hoài chia sẻ, nhiều thôn, bản phải lặn lội đi bộ mới tới. Có khi tới thì chủ nhà không ở nhà lại phải đợi cả buổi. Nhiều cuốn sách cổ khi đem trong tủ ra đã mục, nát, có trang bị rách phải nâng niu, chụp cẩn thận. Khó nhất là không phải gia đình nào cũng đồng thuận, tạo điều kiện vì họ cho rằng lý do tâm linh nên không cho phép sao chụp hết, chỉ được chụp những cuốn thông dụng.

Đến nay, tổng số tài liệu sưu tầm được là 200 cuốn sách với hơn 35.500 trang tư liệu. Nội dung thể hiện về phong tục tập quán, nghi lễ truyền thống, văn hóa tâm linh, tín ngưỡng, trang phục, đạo cụ… của các dân tộc thiểu số. Tài liệu hầu hết là bản thảo viết tay bằng chữ Nôm được truyền nhiều đời. Từ các trang tư liệu này, Thư viện tỉnh Bắc Kạn đã số hóa được 29.000 trang lưu giữ trong ổ cứng và đưa lên phần mềm thư viện số Dspace do Quỹ Bill & Melinda Gates tài trợ để phục vụ tại Thư viện tỉnh.

Với những trang thư tịch cổ đã được sao lưu, số hóa, nỗi lo về những trang giấy dần bạc màu, mục nát theo thời gian đã tạm qua đi. Với những lớp dạy chữ Nôm ở các bản làng, nỗi lo không còn người biết chữ Nôm Dao, Nôm Tày cũng đã tạm lắng. Và lúc này, đòi hỏi đặt ra là làm thế nào để phát huy giá trị của chữ Nôm.

Câu chuyện bảo tồn, phát huy giá trị chữ Nôm đã được tỉnh quan tâm. Nhờ vậy, mạch chữ Nôm đã không còn ngắt quãng và được kỳ vọng sẽ phát huy giá trị trong thời gian tới. Với nỗ lực nghiên cứu, xây dựng hồ sơ, đến nay, Bắc Kạn có 2 di sản văn hóa thuộc loại hình di sản tiếng nói, chữ viết đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là “Chữ Nôm của người Dao” (xã Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn) và “Chữ Nôm của người Tày” (xã Bộc Bố, huyện Pác Nặm). Số di sản nhận diện được ở loại hình tiếng nói, chữ viết có 3 di sản thuộc các dân tộc Tày, Nùng, Dao. Các địa phương cũng có thêm sự hỗ trợ cho các lớp dạy chữ Nôm.

Ông Triệu Xuân Minh, thôn Bản Cuôn, xã Ngọc Phái (Chợ Đồn) sưu tầm tài liệu chữ Nôm Dao và mở lớp truyền
dạy cho bà con 

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang tiếp tục rà soát, thống kê, lập danh sách các nghệ nhân, người nắm giữ tri thức, thực hành về tiếng nói, chữ viết của các dân tộc, từ đó nghiên cứu có chính sách đãi ngộ, khuyến khích các nghệ nhân hiện đang thực hành di sản mở lớp truyền dạy tiếng nói, chữ viết của dân tộc cho các thế hệ trẻ; nghiên cứu, sưu tầm, hệ thống hóa những bản sách chữ Nôm Tày, Nôm Dao hiện còn lưu giữ trong Nhân dân.

“Các tài liệu sưu tầm, số hóa mới đang ở bước lưu giữ, bảo quản và chỉ phục vụ tại thư viện nên giới hạn đối tượng và phạm vi phục vụ, chưa giới thiệu, quảng bá đến người dùng tra cứu, khai thác trên mạng internet. Muốn phục vụ hiệu quả thì các tư liệu này phải được dịch thuật nhưng kinh phí dịch thuật rất lớn, lên tới 150.000 đồng/trang tư liệu. Để phát huy những tư liệu quý này, chúng tôi đang nỗ lực tham mưu tỉnh xây dựng hệ thống phần mềm thư viện số, cổng thông tin thư viện và sẽ cố gắng bổ sung kinh phí để dịch thuật toàn bộ” - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Thị Dung trăn trở.

Trong thời gian tới, ngành phấn đấu thực hiện thành công, hiệu quả nhiệm vụ sưu tầm, số hóa tài liệu các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số ngày càng tốt hơn. Cùng với việc số hóa để bảo tồn, lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch mong muốn tỉnh và các đơn vị tài trợ quan tâm công tác dịch thuật để có thể bảo tồn, phát huy bền vững những di sản vật thể ý nghĩa này./.

Thu Trang