PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

21/01/2025
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Sở Tài nguyên và Môi trường trả lời kiến nghị nội dung liên quan đến việc cấp phép mỏ đá vôi Nà Chảo, xã Công Bằng, huyện Pác Nặm
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về giải quyết kiến nghị sau Kỳ họp thường lệ cuối năm 2024, HĐND tỉnh khóa X, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản trả lời cử tri Ma Thị Bài, Phó Bí thư Đảng ủy xã Công Bằng, huyện Pác Nặm kiến nghị nội dung liên quan đến việc cấp phép mỏ đá vôi Nà Chảo, xã Công Bằng, huyện Pác Nặm.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Theo đó, cử tri kiến nghị: “UBND xã Công Bằng nhận được Quyết định số 2129/QĐ-UBND ngày 29/11/2024 của UBND tỉnh về việc phê duyệt giá khởi điểm, bước giá, tiền đặt trước và dự toán chi phí đầu tư thăm dò khoáng sản khu vực đá vôi Nà Chảo, xã Công Bằng, huyện Pác Nặm. Tuy nhiên, trước đó, vào ngày 16/8/2024, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Công Bằng đã tổ chức lấy ý kiến Nhân dân có diện tích đất trong dự kiến thăm dò khu vực đá vôi, chỉ có 16/21 hộ có mặt, trong đó có 14/16 hộ có mặt không nhất trí, có 2/16 hộ có mặt nhất trí. Do vậy, đề nghị UBND tỉnh xem xét việc ra Quyết định số 2129/QĐ-UBND nêu trên khi chưa có sự đồng thuận của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân địa phương”.

Trên cơ sở kiến nghị của cử tri, ngày 15/1/2025, Sở Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp làm việc với UBND huyện Pác Nặm, UBND xã Công Bằng và cử tri Ma Thị Bài, Phó Bí thư Đảng ủy xã Công Bằng, cử tri cho biết, hiện nay, người dân thôn Nà Chảo đang có ý kiến lo ngại nếu cấp phép mỏ đá vôi Nà Chảo sẽ tác động đến người dân trong khu vực gồm tuyến đường vận chuyển, khói bụi từ hoạt động khai thác, chế biến, tiếng ồn từ hoạt động khai thác sẽ ảnh hưởng đến khu dân cư, trường học, đồng thời quy hoạch xã Công Bằng có mỏ đá Nà Chảo chưa?

Sau khi rà soát các nội dung liên quan, Sở Tài nguyên và Môi trường trả lời như sau:

Về quy hoạch: Mỏ đá vôi Nà Chảo đưa ra đấu giá có diện tích 6,0 ha, nằm trong Quy hoạch tỉnh Bắc Kạn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1288/QĐ-TTg ngày 3/11/2023; nằm trong Quy hoạch chung xã Công Bằng đã được UBND huyện Pác Nặm phê duyệt tại Quyết định số 3979/QĐ-UBND ngày 28/12/2023. Đối với tuyến đường vào mỏ và khu vực phụ trợ đã được xác định trong hồ sơ điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất huyện Pác Nặm giai đoạn 2021 - 2030 do UBND huyện Pác Nặm lập và được Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định (UBND huyện Pác Nặm đang hoàn thiện hồ sơ để trình UBND tỉnh phê duyệt).

Về công tác đấu giá: Thực hiện quy trình lập hồ sơ đấu giá, ngày 28/3/2024, Sở Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, UBND huyện Pác Nặm và UBND xã Công Bằng tổ chức kiểm tra thực địa tại mỏ đá vôi Nà Chảo. Kết quả kiểm tra cho thấy, mỏ đá vôi Nà Chảo nằm cách xa khu dân cư, trường học (cách điểm gần nhất khoảng 840 m, cách khu trung tâm của mỏ khoảng 1.010 m). Tại buổi làm việc, UBND huyện Pác Nặm và UBND xã Công Bằng nhất trí việc cấp phép mỏ đá vôi Nà Chảo để cung cấp vật liệu cho các công trình xây dựng trên địa bàn huyện Pác Nặm do trên địa bàn huyện có duy nhất mỏ đá vôi Kéo Pựt tại xã Nhạn Môn đang khai thác với công suất nhỏ 10.000m3/năm, nhưng mỏ sẽ hết hạn tháng 9/2025 nên sẽ thiếu vật liệu xây dựng các công trình thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia. Do đó, các sở, ngành và UBND huyện Pác Nặm, UBND xã Công Bằng nhất trí thực hiện công tác đấu giá để cấp phép thăm dò, khai thác mỏ đá vôi Nà Chảo theo quy định.

Quá trình lập hồ sơ đấu giá mỏ đá vôi Nà Chảo, Sở Tài nguyên và Môi trường có Văn bản số 3552/STNMT-KS ngày 4/11/2024 xin ý kiến UBND huyện Pác Nặm, theo đó, UBND huyện Pác Nặm có ý kiến nhất trí tại Văn bản số 2791/UBND-TNMT ngày 22/11/2024. Trên cơ sở đó, Sở Tài nguyên và Môi trường trình UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2129/STNMT-KS ngày 29/11/2024 về việc phê duyệt giá khởi điểm, bước giá, tiền đặt trước và dự toán chi phí đầu tư thăm dò khoáng sản khu vực đá vôi Nà Chảo, xã Công Bằng, huyện Pác Nặm.

Về tuyến đường vận chuyển: Theo hồ sơ điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất huyện Pác Nặm giai đoạn 2021 - 2030 do UBND huyện Pác Nặm lập, vị trí và diện tích tuyến đường vào khu vực mỏ và diện tích công ích công trình phụ trợ đã được xác định trong quy hoạch (quy hoạch xác định tuyến đường mở mới, không ảnh hưởng đến tuyến đường đi lại của người dân).

Về ảnh hưởng của tiếng ồn, khói bụi từ hoạt động khai thác và chế biến đá vôi: Trong quá trình hoạt động, việc khai thác (nổ mìn) và chế biến (nghiền đá) sẽ phát sinh tiếng ồn và khói bụi. Khi lập báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án, đơn vị được cấp phép sẽ lập hồ sơ trình Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định (thành phần thẩm định gồm cả chính quyền địa phương cấp huyện, cấp xã), cho ý kiến cụ thể, đảm bảo đúng quy định mới trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Với khoảng cách từ 800 m đến 1.000 m thì tiếng ồn phát sinh từ hoạt động khai thác, chế biến mỏ đá vôi sẽ không ảnh hưởng đến khu dân cư và trường học.

Về nguồn nước sinh hoạt: Tại buổi làm việc, theo ý kiến của Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Pác Nặm, hiện nay, trên địa bàn xã Công Bằng đang được Nhà nước đầu tư công trình nước sạch nên việc ảnh hưởng từ hoạt động khai thác đá đến nguồn nước là không có nguy cơ xảy ra.

Về hiện trạng hoạt động khoáng sản và nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng trên địa bàn huyện Pác Nặm: Hiện nay, trên địa bàn huyện Pác Nặm có duy nhất mỏ đá vôi Kéo Pựt, xã Nhạn Môn đang hoạt động, tuy nhiên, đến tháng 9/2025, mỏ đá vôi Kéo Pựt sẽ hết hạn, đóng cửa mỏ. Do vậy, trên địa bàn huyện Pác Nặm nói chung và các xã lân cận sẽ không có nguồn vật liệu đá xây dựng cung cấp cho các công trình xây dựng, nhất là các công trình có vốn đầu tư sử dụng ngân sách nhà nước trên địa bàn. Do đó, nếu không có mỏ khác cấp phép thay thế thì địa bàn huyện Pác Nặm, các xã sẽ thiếu nguồn vật liệu cung cấp cho các công trình và việc vận chuyển vật liệu từ địa phương khác (như huyện Ba Bể, Ngân Sơn) sẽ tăng chi phí xây dựng, ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư. Nếu mỏ đá vôi Nà Chảo đưa vào cấp phép tuân thủ đầy đủ các quy định sẽ tạo thuận lợi cho xã Công Bằng trong việc cung cấp nguyên vật liệu xây dựng cho các công trình trên địa bàn, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Từ nội dung nêu trên, Sở Tài nguyên và Môi trường thấy rằng, cử tri lo ngại về việc cấp phép mỏ đá vôi Nà Chảo gây ảnh hưởng đến khu vực xung quanh là có cơ sở, tuy nhiên, do khoảng cách mỏ Nà Chảo đến khu dân cư, trường học là khá xa (khoảng từ 840 m đến hơn 1.000 m), khi cấp phép hoạt động khoáng sản, các cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương sẽ hướng dẫn, đôn đốc doanh nghiệp thực hiện đầy đủ các thủ tục quy định, đảm bảo không ảnh hưởng đến người dân.

Sở Tài nguyên và Môi trường trả lời để cử tri được biết và đề nghị UBND huyện Pác Nặm, UBND xã Công Bằng chỉ đạo công chức xã tăng cường công tác nghiên cứu hồ sơ, tài liệu, kịp thời tuyên truyền đầy đủ cho người dân biết, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương./.

DT