PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

08/04/2025
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Tạo lập môi trường pháp lý công bằng, bền vững để thu hút đầu tư
Thu hút đầu tư đang là chiến lược phát triển cốt lõi của Việt Nam trong nhiều thập kỷ qua với những thành tựu đáng mừng. Tuy nhiên, để thu hút mạnh hơn nữa nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cũng như các nguồn vốn trong nước, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo lập môi trường pháp lý công bằng, bền vững.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Tạo lập môi trường pháp lý công bằng, bền vững để thu hút đầu tư- Ảnh 1.

Tiếp tục tạo lập môi trường pháp lý công bằng, bền vững để thu hút đầu tư. Ảnh minh họa

Theo GS.TS Lê Hồng Hạnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Tổng Biên tập Tạp chí Pháp luật và Phát triển, đầu tư có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển kinh tế-xã hội.

Đối với nền kinh tế, đầu tư trực tiếp giúp tạo ra năng lực sản xuất, phát triển hạ tầng và các dịch vụ công cộng thiết yếu như điện, nước, giao thông… Đối với nhà đầu tư, nhà thầu, đầu tư trực tiếp mang lại nhiều lợi thế do lợi nhuận lớn, an toàn trước những biến động của nền kinh tế.

Chính vì vậy, quốc gia nào cũng hết sức chú trọng hoạt động thu hút đầu tư. Điều này đúng với Việt Nam là nước đang phát triển và có khát vọng vươn lên, bứt phá trong bối cảnh hiện tại. Thu hút đầu tư đang là chiến lược phát triển cốt lõi của Việt Nam trong nhiều thập kỷ vừa qua với những thành tựu đáng mừng.

Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước, theo GS. TS Lê Hồng Hạnh, Việt Nam cần phải thu hút mạnh hơn nữa FDI cũng như các nguồn vốn trong nước bằng việc hoàn thiện thể chế, tháo gỡ điểm nghẽn đang cản trở tính cạnh tranh trong thu hút đầu tư.

Một trong những giải pháp cần được thực hiện ngay và hiệu quả là hoàn thiện thể chế để bảo đảm thực hiện nguyên tắc lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu ngày càng phát triển và nhu cầu đầu tư vào cơ sở hạ tầng ngày càng tăng, đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) là một công cụ quan trọng nhằm thu hút nguồn vốn từ khu vực tư nhân vào các dự án công. Chia sẻ về một số quy định của Luật Đầu tư PPP năm 2020 (sửa đổi năm 2024), Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Tài chính) Vũ Quỳnh Lê cho hay, Luật Đầu tư PPP hứa hẹn tạo lập khung pháp lý hoàn thiện hơn, giúp cân bằng lợi ích giữa các bên tham gia, đồng thời giảm thiểu rủi ro trong quá trình thực hiện dự án.

Điều này không chỉ góp phần nâng cao sự hấp dẫn của môi trường đầu tư mà còn thúc đẩy sự phát triển đồng bộ và bền vững trong lĩnh vực hạ tầng.

"Trong tương lai, việc tiếp tục nghiên cứu và cải thiện chính sách liên quan đến PPP là rất cần thiết, nhằm bảo đảm rằng các dự án không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân, thúc đẩy ứng dụng khoa học, phát triển công nghệ", bà Vũ Quỳnh Lê khẳng định.

Trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, Luật sư Nguyễn Đức Mạnh, Công ty Luật TNHH Bizlink khẳng định, việc hoàn thiện hệ thống pháp luật đối với lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản không chỉ nhằm bảo đảm quyền lợi của nhà đầu tư mà còn góp phần tạo lập một thị trường bất động sản phát triển bền vững.

Để tháo gỡ các vướng mắc trong thực tiễn, bảo đảm sự hài hòa về lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và xã hội, theo ông Mạnh, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng.

"Việc áp dụng các cơ chế linh hoạt, minh bạch và ổn định sẽ giúp thúc đẩy sự phát triển của thị trường, tạo động lực cho đầu tư và góp phần vào tăng trưởng kinh tế dài hạn", Luật sư Nguyễn Đức Mạnh nhấn mạnh.

Mới đây, chia sẻ tại hội thảo quốc tế "Hoàn thiện thể chế nhằm hiện thực hóa nguyên tắc "Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ" trong lĩnh vực đầu tư trực tiếp" tổ chức tại Quảng Ninh, từ thực tiễn địa phương, Phó Giám đốc Sở Tài chính Quảng Ninh Nguyễn Việt Hùng cho rằng, điểm then chốt khi nhắc đến hài hòa lợi ích của Nhà nước và doanh nghiệp đó chính là yếu tố môi trường.

Trong quá trình phát triển, tỉnh Quảng Ninh thể hiện rõ quyết tâm 'không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng nóng', phát triển gắn liền giữa lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường.

'Chia sẻ rủi ro' được thể hiện rõ nét qua hình thức 'đối tác công - tư' là một ví dụ điển hình cho việc phân bổ rủi ro, tăng tính khả thi trong quá trình thực hiện dự án. Với phương châm 'lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư', bảo đảmhài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và xã hội, tỉnh Quảng Ninh đã huy động nguồn lực lớn theo hình thức đối tác công - tư (PPP).

Đầu tư theo hình thức này đã trở thành giải pháp đột phá để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, hiện đại, điển hình là các công trình Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng tàu khách quốc tế Hòn Gai...

Thời gian tới, Quảng Ninh sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong quá trình phát triển bền vững trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, với tinh thần "cùng chung tay, cùng thắng, cùng phát triển"…

Theo baochinhphu.vn