PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

10/01/2024
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Tập trung, ưu tiên nguồn lực cho chuyển đổi số
Quán triệt quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ “nhiệm vụ phát triển kinh tế số, xã hội số được đặt mức ưu tiên cao…”, chỉ tính riêng từ năm 2021 đến năm 2023, tỉnh Bắc Kạn đã bố trí từ ngân sách hơn 117 tỷ đồng thực hiện trên 60 nhiệm vụ/dự án chuyển đổi số nhằm xây dựng, từng bước hoàn thiện hạ tầng số, nền tảng số, dữ liệu số, nhân lực số...

 PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

UBND tỉnh cho biết, chỉ tính riêng năm 2023, tỉnh đã bố trí 67.766 triệu đồng để thực hiện 42 nhiệm vụ/dự án ưu tiên về chuyển đổi số; đến giữa tháng 12/2023, đã có 21/42 nhiệm vụ hoàn thành, theo đó, điểm Chỉ số chuyển đổi số (DTI) của tỉnh đạt 433/1.000 điểm (tăng 39 điểm so với năm 2022). 

Đến nay, 100% xã, phường, thị trấn được phủ sóng di động 2G/3G/4G; quang hóa 100% hạ tầng đường truyền tới các cơ quan, đơn vị, địa phương; 100% cơ quan, đơn vị, địa phương được kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng và được chuẩn hóa kết nối giám sát 4 cấp hành chính; mật độ điện thoại đạt 90,5 máy/100 dân; tỷ lệ người dùng internet cáp quang đạt 80,07%. Đáng chú ý, các tỷ lệ này qua đối chiếu đều cao hơn so với mức bình quân của cả nước. 

Trung tâm Tích hợp dữ liệu của tỉnh được đầu tư, nâng cấp bảo đảm dung lượng lưu trữ và an toàn thông tin để triển khai cài đặt các phần mềm, cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh và của các sở, ngành. Trong năm 2023, đã có thêm 9 hệ thống thông tin của các Sở: Tài chính, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Lao động - Thương binh và Xã hội, Thông tin và Truyền thông, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giáo dục và Đào tạo và Ban Dân tộc tỉnh được cài đặt, vận hành tại Trung tâm, nâng tổng số được cài đặt lên 17 hệ thống. 

Tỉnh đã duy trì, cập nhật 12 cơ sở dữ liệu gồm: Số hóa tài liệu; cơ sở dữ liệu về cán bộ, công chức, viên chức và lao động hợp đồng; cơ sở dữ liệu đất đai; cơ sở dữ liệu môi trường; kho cơ sở dữ liệu tài nguyên môi trường; cơ sở dữ liệu ngành giáo dục; cơ sở dữ liệu quản lý giấy phép lái xe; cơ sở dữ liệu về giá; cơ sở dữ liệu hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử người dân; cơ sở dữ liệu công chứng; cơ sở dữ liệu quy hoạch xây dựng; cơ sở dữ liệu du lịch. Hiện nay, cơ quan chuyên môn đang triển khai xây dựng 12 cơ sở dữ liệu của các sở, ngành.

Để đảm bảo an toàn an ninh mạng, tỉnh cũng đã triển khai, phê duyệt cấp độ an toàn thông tin cho 24 hệ thống thông tin (cấp độ 1 là 3 hệ thống; cấp độ 2 có 17 hệ thống; cấp độ 3 có 4 hệ thống). 

Qua thống kê rà soát, hiện nay, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đang khai thác, sử dụng 95 hệ thống thông tin, phần mềm, cơ sở dữ liệu khác nhau để phục vụ hoạt động chỉ đạo, điều hành, giải quyết thủ tục hành chính, hỗ trợ nghiệp vụ...; trong đó có 45 hệ thống thông tin, phần mềm, cơ sở dữ liệu do các bộ, ngành trung ương triển khai, 40 hệ thống do tỉnh đầu tư triển khai và 10 hệ thống đang được các đơn vị dùng thử. 


Hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng dịch vụ số tại Ngày hội ĐĐK thôn Nam Yên, Nguyên Phúc, Bạch Thông

Các huyện, thành phố đã thành lập được 108 Tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã với 1.014 thành viên tham gia; 1.292 Tổ công nghệ số cộng đồng cấp thôn với 5.689 thành viên tham gia. Trong năm 2023, trên 90% tổ/thôn/bản tổ chức lồng ghép tuyên truyền về chuyển đổi số trong Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc. Tại Ngày hội này, thành viên các Tổ công nghệ số cộng đồng, lực lượng đoàn thanh niên, công an, bảo hiểm xã hội cùng với nhân viên của các doanh nghiệp viễn thông, ngân hàng đã trực tiếp hướng dẫn, hỗ trợ người dân cài đặt, sử dụng các dịch vụ số phổ biến hiện nay như mở tài khoản thanh toán điện tử, cài đặt và sử dụng ứng dụng VNeID, hồ sơ sức khỏe, VSSID,... 

Tính đến ngày 15/11/2023, toàn tỉnh đã tiếp nhận 280.110 thẻ căn cước công dân, trả cho công dân sử dụng 279.917 thẻ; đã kích hoạt 162.842 tài khoản định danh điện tử mức độ 1 và 2. Tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình đạt trên 80%. 

Đến nay, 98% hồ sơ sức khoẻ của người dân trên địa bàn tỉnh đã được khởi tạo trên hệ thống phần mềm hồ sơ sức khỏe toàn dân; 104.933 hộ sản xuất nông nghiệp có tài khoản trên sàn thương mại điện tử; 91.881 hộ được đào tạo kỹ năng số; 973 sản phẩm được đưa lên sàn thương mại điện tử; 27.176 giao dịch trên sàn thương mại điện tử, đạt tỷ lệ 26% tổng số giao dịch/tổng số tài khoản được tạo trên sàn thương mại điện tử https://voso.vn và https://postmart.vn.

Tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa được sử dụng các tài liệu hướng dẫn, công cụ tự đánh giá mức độ sẵn sàng chuyển đổi số, hỗ trợ đào tạo, tư vấn, thuê, mua các giải pháp chuyển đổi số đạt 4,5%. 

Tính đến nay, tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác đạt 51%; tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử trên địa bàn tỉnh đạt 100%. Toàn tỉnh có 2.916/10.992 người hưởng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng (chiếm tỷ lệ 26,53%); có 227/275 người hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần (chiếm tỷ lệ 82,55%) và 100% số người hưởng trợ cấp thất nghiệp sử dụng hình thức thanh toán trực tuyến qua tài khoản cá nhân. 

Năm 2024, UBND tỉnh dự kiến thực hiện 38 nhiệm vụ/dự án với tổng số kinh phí trên 73 tỷ đồng. Trong đó tập trung ưu tiên số 1 cho các nhiệm vụ/dự án chuyển đổi số thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ người dân, doanh nghiệp, phục vụ công tác giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến; ưu tiên các nhiệm vụ/dự án chuyển đổi số góp phần nâng cao hiệu quả quản lý của các ngành, lĩnh vực... 

Việc triển khai, hoàn thành đưa vào sử dụng hiệu quả các nhiệm vụ/dự án về chuyển đổi số sẽ từng bước hoàn thiện hạ tầng số, bảo đảm an toàn thông tin của tỉnh, tạo lập các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu trực tiếp phục vụ người dân, doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước, nhất là trong cải cách hành chính, triển khai Đề án 06, kết nối, chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành; đồng thời góp phần nâng cao điểm số trong đánh giá Chỉ số cải cách hành chính, Chỉ số DTI của tỉnh./.

BH