Độ tương phản
Ứng dụng công nghệ số trong cuộc sống
Bà Mạc Thị Miên, phường Nguyễn Thị Minh Khai, thành phố Bắc Kạn chia sẻ: “Những năm trước đây, để thanh toán tiền điện, tiền nước, gia đình tôi phải ra các điểm giao dịch. Lắm lúc bận việc này việc kia quên mất, bị gọi điện nhắc nhở có khi lại thấy phiền. Nay dùng điện thoại thông minh, có tài khoản ngân hàng, rồi cài các phần mềm thanh toán nhanh gọn mà không mất bất kỳ chi phí phát sinh nào”.
Để tăng tính tiện ích, tạo thuận lợi tối đa cho khách hàng, thời gian qua, Điện lực thành phố Bắc Kạn đã chủ động triển khai đa dạng hóa các hình thức thanh toán tiền điện. Giờ đây, khách hàng có thể thanh toán tiền điện mọi lúc, mọi nơi, an toàn và không cần giao dịch tiền mặt. Thông qua áp dụng phương thức internet banking, smart banking, ATM của các ngân hàng, hoặc qua các ví điện tử như ViettelPay, ZaloPay, VNPay, Momo… là khách hàng có thể dễ dàng thanh toán hóa đơn tiền điện mà không cần phải đến trực tiếp các điểm giao dịch như trước. Nhờ tăng cường chuyển đổi số, Điện lực thành phố Bắc Kạn đã hoàn thành việc cung cấp 100% dịch vụ điện trực tuyến mức độ 4, điều này giúp khách hàng tiết kiệm thời gian và dễ dàng thanh toán trực tuyến phí, lệ phí qua môi trường mạng, quản lý thông tin. Đến nay, 100% hợp đồng mua bán điện của khách hàng đã được số hóa, tạo thuận tiện trong việc tìm kiếm quản lý hồ sơ khách hàng. Số lượng khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt hằng tháng đạt trên 80%. Việc thanh toán qua các ứng dụng trực tuyến giúp giảm bớt phiền phức trong quá trình thanh toán và tối ưu hóa quy trình giao dịch.
Không chỉ mỗi Điện lực mà các doanh nghiệp và người dân trên địa bàn thành phố đều quan tâm, hưởng ứng các hoạt động chuyển đổi số như: Sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt, ứng dụng các nền tảng số…
Các ngành, lĩnh vực đều được các cơ quan, đơn vị nhà nước của thành phố triển khai hiệu quả thông qua các nền tảng, phần mềm dùng chung của bộ, ngành Trung ương liên thông đến cấp xã. Đến giữa tháng 9/2024, số lượng dịch vụ công trực tuyến của thành phố là 189 thủ tục hành chính, chiếm 73,54%, trong đó dịch vụ công trực tuyến toàn trình chiếm 80%, dịch vụ công trực tuyến một phần chiếm 20%. Tỷ lệ số hoá hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đạt 78,4%. Từ đầu năm đến nay, các đơn vị của thành phố đã vận động, hỗ trợ hơn 2.000 người đang hưởng lương hưu chuyển sang dùng hình thức thanh toán qua tài khoản. Hiện thành phố có 6,8% người dân trong độ tuổi lao động đã có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử công cộng.
VNPT Bắc Kạn hướng dẫn người dân thành phố Bắc Kạn đăng ký chữ ký số
Phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin trong chuyển đổi số
Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Đăng Trưởng cho biết, thành phố xác định sự hưởng ứng, sử dụng các nền tảng số của người dân sẽ trở thành một tác nhân quan trọng thúc đẩy ngược lại để chính quyền chuyển đổi số mạnh mẽ hơn, vì vậy, thành phố đang tập trung vào tổ chức các hoạt động hỗ trợ người dân cài đặt, sử dụng sản phẩm, dịch vụ số, nhân rộng các mô hình chuyển đổi số, thúc đẩy sử dụng sản phẩm, dịch vụ số…
Từ đầu năm đến nay, thành phố đã tổ chức ra quân, phổ biến hỗ trợ người dân cài đặt, sử dụng ứng dụng hồ sơ sức khỏe điện tử; hướng dẫn người dân thanh toán không dùng tiền mặt, đăng ký dịch vụ thu tiền điện, nước… qua tài khoản ngân hàng; tạo mã QR, cài đặt, sử dụng ứng dụng VNeID, ứng dụng bảo hiểm xã hội VssID, cài đặt chữ ký số công cộng, chuẩn hóa thông tin di động. Phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông, ngân hàng trên địa bàn thực hiện việc hỗ trợ người dân chuyển dịch sim từ 2G lên 4G, hỗ trợ giá cho người dân khi nâng cấp điện thoại từ 2G lên 4G; hỗ trợ, hướng dẫn đăng ký gian hàng trên nền tảng thương mại điện tử; chuẩn hóa thông tin thuê bao để đồng nhất dữ liệu trên hành chính công…
Đồng thời đẩy mạnh việc sử dụng, cung cấp các nền tảng số phục vụ người dân và doanh nghiệp trong lĩnh vực quản lý của cơ quan, địa phương. Tích cực vận động, khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn ủng hộ, đồng hành cùng các cấp chính quyền để tích cực triển khai các chương trình, kế hoạch về chuyển đổi số; nâng cao nhận thức của mỗi cá nhân về chuyển đổi số, thường xuyên sử dụng, ứng dụng các nền tảng số trong cuộc sống hằng ngày, kịp thời thông tin, góp ý, chung tay cùng chính quyền để công tác chuyển đổi số được thực hiện kịp thời, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, cơ sở.
Phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin trong chuyển đổi số được coi là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước và cả hệ thống chính trị giai đoạn hiện nay. Vì vậy, thời gian tới, thành phố tiếp tục rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng cho phát triển kinh tế số, chuyển đổi số; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong quản lý, vận hành hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng cơ sở dữ liệu…, từng bước đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số trên địa bàn./.
Đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất kinh doanh (17/10/2024)
Chuyển đổi số tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội (09/10/2024)
Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho Tổ công nghệ số cộng đồng (26/09/2024)
Gương cán bộ có nhiều sáng kiến trong chuyển đổi số (19/09/2024)
Triển khai đăng ký khai sinh và đăng ký khai tử liên thông trên địa bàn tỉnh từ ngày 16/9/2024 (13/09/2024)