PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

30/11/2020
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Thành phố Bắc Kạn tích cực hỗ trợ, thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể gắn với phát triền sản phẩm OCOP
Hiện nay, trên địa bàn thành phố có trên 30 HTX, trong đó có nhiều HTX hoạt động hiệu quả, bước đầu đã có đóng góp cho tăng trưởng kinh tế cũng như góp phần thúc đẩy tiến trình tái cơ cấu nông nghiệp, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Trong những năm qua, thực hiện chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về xây dựng hợp tác xã (HTX) kiểu mới giai đoạn 2016-2020, thành phố Bắc Kạn đã tập trung phát triển kinh tế tập thể mà nòng cốt là HTX.

Trước hết, thành phố đã tập trung vào công tác tuyên tuyền, định hướng phát triển kinh tế tập thể nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, sức cạnh tranh trên thị trường với nhiều hình thức như: Tuyên truyền qua các cuộc họp giao ban, qua các buổi tập huấn khoa học kỹ thuật, hội thảo và phát trên loa truyền thanh, trên cổng thông tin điện tử; đăng tin, bài, ảnh tuyên dương và giới thiệu gương điển hình làm kinh tế giỏi, các HTX sản xuất, chế biến sản phẩm an toàn. Ngoài ra, UBND thành phố tổ chức gặp mặt trực tiếp định kỳ 02 lần/năm với các tổ chức kinh tế để thông tin các chính sách của Đảng, Nhà nước và tháo gỡ khó khăn trong phát triển sản xuất, kinh doanh.

Thành phố đã hỗ trợ các tổ chức kinh tế tiếp cận được các chính sách hỗ trợ, các nguồn vốn vay để phát triển sản xuất như: Theo Nghị quyết số 08/2017/NQ-HĐND ngày 11/4/2017 của HĐND tỉnh có 04 tổ chức kinh tế (HTX nông nghiệp Tân Thành, HTX Đại Thành, HTX Tân Dân, hộ ông Hà Sỹ Phúc phát triển trang trại lợn tại xã Nông Thượng) được hỗ trợ với số tiền trên 2,313 tỷ đồng; có 08 HTX được hỗ trợ nguồn nhân lực với số tiền 3,09 triệu đồng/HTX/tháng, hiện nay vẫn tiếp tục duy trì và thực hiện tốt; HTX Minh Anh, phường Xuất Hóa được hỗ trợ thực hiện theo Đề án “Phát triển 15.000 HTX, Liên hiệp HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020” với tổng số tiền hỗ trợ là 430 triệu đồng. Từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, có 02 HTX được hỗ trợ với số tiền 110 triệu đồng. Từ nguồn quỹ của Liên minh HTX Việt Nam và HTX tỉnh, đã có 06 HTX được vay vốn với số tiền trên 2,6 tỷ đồng...

Các chính sách hỗ trợ trên đã góp phần tạo động lực cho các HTX, tổ hợp tác đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Nhờ vậy, trong 5 năm qua, kinh tế hợp tác trên địa bàn thành phố bước đầu có sự phát triển cả về số lượng và chất lượng; từ chỗ chỉ có 08 HTX, đến nay, toàn thành phố Bấc Kạn đã có trên 30 HTX, trong đó nhiều HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả, bước đầu đã có đóng góp cho tăng trưởng kinh tế cũng như góp phần thúc đẩy tiến trình tái cơ cấu nông nghiệp, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Đáng chú ý, một số HTX có cách làm bứt phá, mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, tích cực tham gia vào các hoạt động an sinh xã hội, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, giúp nhiều hộ thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Có thể kể đến như: HTX Nông nghiệp Tân Thành, HTX Tân Dân... , doanh thu bình quân của các HTX đạt 1,5 tỷ đồng/năm, thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong các HTX từ 4,5 - 5 triệu đồng/người/tháng, giải quyết việc làm cho trên 300 lao động thường xuyên tại các HTX, tổ hợp tác và trên 70 lao động thời vụ.


HTX Nông nghiệp Tân Thành là một trong những HTX tiêu biểu
hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả

Thành phố xác định, phát triển kinh tế tập thể gắn với các sản phẩm OCOP nên trong thời gian qua, cùng với sự nỗ lực phấn đấu vượt bậc của các tổ chức kinh tế, năm 2018 và 2019, thành phố Bắc Kạn có 24 sản phẩm của 05 tổ chức kinh tế được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh xêp hạng đạt từ 3 sao trở lên. Thông qua các hoạt động giới thiệu sản phẩm OCOP và sản phẩm nông nghiệp sạch được tổ chức trong và ngoài nước, các sản phẩm luôn được đánh giá cao, qua đó, các đơn vị đã ký kết được một số hợp đồng bao tiêu sản phẩm; đặc biệt là 07 sản phẩm được công nhận đạt 4 sao (Vi-cumax Nano Curcumin; Trịnh Năng curcumin; Trịnh Năng gừng; tinh nghệ Bắc Kạn; Imusnano Curcumin; tinh bột nghệ nếp đỏ cao cấp Bắc Kạn; tinh bột nghệ nếp đen cao cấp Bắc Kạn tiêu thụ thị trường trong nước). Đến nay, thành phố đã có 15 sản phẩm của 03 tổ chức kinh tế (HTX nông nghiệp Tân Thành; Công ty Cổ phần Nông sản Bắc Kạn; Công ty Cổ phần TNHH Nhà máy curcumin Bắc Hà) được ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan... và được thị trường các nước tin dùng. Trong năm 2020, thành phố tiếp tục hướng dẫn, giúp đỡ 06 tổ chức kinh tế hoàn thiện hồ sơ 27 sản phẩm để tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP.

Với những kết quả đạt được trong 5 năm qua có thể thấy, việc phát triển kinh tế tập thể mà nòng cốt là HTX trên địa bàn thành phố được triển khai, thực hiện theo đúng định hướng. Các HTX đã không ngừng đổi mới và chủ động hoàn thiện các sản phẩm, bao bì, nhãn mác và tích cực tìm kiếm thị trường, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn thành phố còn một số tồn tại, hạn chế như: Một số địa phương, đơn vị chưa thực sự quan tâm đúng mức đến công tác phát triển kinh tế tập thể, cũng như việc phát triển các sản phẩm OCOP trên địa bàn; nhận thức về HTX kiểu mới của một số ít cán bộ chưa được đầy đủ; trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý một số HTX còn hạn chế, chủ yếu mới chỉ được tham gia tập huấn nghiệp vụ ngắn hạn; hoạt động sản xuất kinh doanh của các HTX chưa bền vững, lượng hàng hóa nhỏ lẻ, một số sản phẩm OCOP có sản lượng chưa đáp ứng nhu cầu thị trường…

Để tiếp tục thực hiện hỗ trợ, thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể gắn với phát triển các sản phẩm OCOP, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường trong thời gian tới, Phòng Kinh tế thành phố đã đề xuất một số giải pháp:

Tiếp tục đẩy mạnh và đổi mới công tác tuyên truyền, nhằm nâng cao nhận thức của người dân và cả hệ thống chính trị về bản chất, cơ chế hoạt động của HTX kiểu mới, vai trò và lợi ích của kinh tế tập thể, HTX mang lại cho các thành viên, đóng góp phát triển kinh tế, xã hội... Tuyên truyền cách làm hay, mô hình HTX, tổ hợp tác hoạt động hiệu quả tham gia chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP) để tạo sức lan tỏa trong xã hội.

Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong phát triển kinh tế tập thể; trong đó cần tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự phối hợp chặt chẽ, có trách nhiệm của các ban, ngành, MTTQ và các đoàn thể, đồng thời phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể các cấp trong việc hướng dẫn, kiểm tra và đôn đốc thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, của tỉnh và thành phố về phát triển kinh tế tập thể.

Đẩy mạnh huy động các nguồn lực hỗ trợ, thúc đẩy phát triến kinh tế tập thể, HTX phù hợp. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với kinh tế tập thể. Đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ các tổ chức kinh tế tiếp lục hoàn thiện và không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP để chiếm được niềm tin của người tiêu dùng. Tích cực tham gia hoạt động xúc tiến thương mại, quáng bá giới thiệu, tiêu thụ các sản phẩm, có cơ hội cọ sát, nâng cao, mở rộng tư duy, tầm nhìn, xây dựng định hướng chiến lược, kế hoạch phát triển sản xuất kinh doanh dài hạn…/.

Hương Dịu