PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

15/11/2023
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Tỉnh Bắc Kạn tham dự Hội nghị “Phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững”
Sáng 15/11, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến “Phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững” với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Cùng dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bắc Kạn có Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đăng Bình; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Duy Hưng; lãnh đạo các sở, ngành có liên quan và lãnh đạo UBND các huyện, thành phố.

Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh Bắc Kạn

Ngày 15/3/2023, Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị toàn quốc về du lịch với chủ đề “Đẩy nhanh phục hồi - Tăng tốc phát triển”. Từ thời điểm đó đến nay, bối cảnh thị trường du lịch thế giới và trong nước có nhiều biến động, xuất hiện những khó khăn, thách thức cũng như thuận lợi và cơ hội mới. Với sự chỉ đạo sâu sát của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp của các bộ, ngành và nỗ lực toàn Ngành, hoạt động du lịch đã dần khôi phục trở lại, đặc biệt là du lịch nội địa. Việc phục hồi, phát triển du lịch từ đầu năm 2023 đến nay đạt được một số kết quả tích cực. Lượng khách du lịch quốc tế tính đến hết tháng 10/2023 đã vượt chỉ tiêu kế hoạch cả năm. Các hoạt động, sự kiện du lịch diễn ra sôi động tại các địa phương, nhận thức của toàn xã hội về tác động lan tỏa của ngành du lịch có chuyển biến tích cực. Sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, quyết tâm chính trị của nhiều địa phương, sự nỗ lực của các doanh nghiệp du lịch đã tạo ra nội lực tăng trưởng và phục hồi. Các vấn đề tạo thuận lợi cho khách du lịch quốc tế đã được nhận diện từ nhiều năm trước như quản lý xuất nhập cảnh, thị thực điện tử, thời hạn của thị thực miễn đơn phương... đã có những chuyển biến mạnh mẽ. Sản phẩm du lịch được làm mới, tăng sức hấp dẫn và khả năng cạnh tranh. Nhiều điểm đến mới được đầu tư, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật và kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch được cải thiện.

Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, trong 10 tháng đầu năm 2023, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 9,97 triệu lượt, vượt kế hoạch năm 2023; khách nội địa đạt 98,7 triệu lượt khách; tổng thu từ khách du lịch đạt 582,6 nghìn tỷ đồng. Theo báo cáo đánh giá của Tổng cục Thống kê, du lịch là một điểm sáng trong phục hồi nền kinh tế, kết quả phục hồi du lịch có tác động lan tỏa tới nhiều lĩnh vực, góp phần cải thiện ba động lực tăng trưởng của nền kinh tế là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng. Du lịch Việt Nam nhận 54 giải thưởng tại Lễ trao giải thưởng khu vực châu Á Thái Bình Dương năm 2023 của Giải thưởng World Travel Awards, tiếp tục khẳng định thương hiệu và vị thế của du lịch Việt Nam trên trên bản đồ du lịch thế giới.

Tuy nhiên, tỷ lệ phục hồi lượng khách du lịch quốc tế còn thấp so với năm 2019 và so với năng lực cung của Ngành. Các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch của Việt Nam chưa đảm bảo yêu cầu về tần suất, độ phủ tới các thị trường trọng điểm, chưa tổ chức được các hoạt động xúc tiến du lịch quy mô và tầm vóc quốc gia. Nguồn lực quảng bá, xúc tiến du lịch chưa phát huy được hiệu quả. Mặc dù chính sách thị thực đã có nhiều cải tiến nhưng so với một số quốc gia và vùng lãnh thổ, Việt Nam vẫn còn thiếu chính sách thị thực có tính linh hoạt, cạnh tranh trong bối cảnh mới sau dịch Covid-19. Sản phẩm du lịch chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh, giá trị gia tăng thấp, chưa thực sự đa dạng, hấp dẫn đối với một số thị trường khách du lịch trong bối cảnh mới. Hiệu quả liên kết giữa các vùng, các địa phương, các ngành còn thấp…

Nhằm tranh thủ tốt thời cơ, hóa giải khó khăn, thách thức, tạo ra đột phá trong phục hồi và phát triển du lịch nhanh, bền vững, trong thời gian tới, ngành Du lịch sẽ tập trung chỉ đạo quyết liệt thực hiện 5 giải pháp trọng tâm và định hướng lớn, gồm: (1) Thúc đẩy liên kết hợp tác giữa các doanh nghiệp du lịch, tạo môi trường kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh, chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng dịch vụ trong chuỗi giá trị sản phẩm du lịch; (2) Đẩy mạnh phối hợp liên vùng, liên địa phương, hình thành chuỗi giá trị, sản phẩm du lịch và xây dựng môi trường du lịch văn minh, an toàn, thân thiện; (3) Tiếp tục tăng cường phối hợp liên ngành, nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách tạo thuận lợi hơn nữa cho việc phục hồi, phát triển du lịch; (4) Đẩy nhanh cơ cấu lại thị trường, tập trung triển khai quyết liệt các hoạt động xúc tiến du lịch, đẩy nhanh tốc độ phục hồi thị trường khách du lịch quốc tế; (5) Phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch có thương hiệu, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh cao, thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển nguồn nhân lực du lịch.

Tại tỉnh Bắc Kạn, với quyết tâm cao và sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng hướng, kịp thời, sâu sát của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự nỗ lực của các ngành, doanh nghiệp và Nhân dân trong tỉnh, trong giai đoạn 2021 - 2023, tỉnh đã ban hành hệ thống các văn bản chỉ đạo, điều hành, triển khai các nhiệm vụ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh. Trong đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XII) đã ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển du lịch tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Tỉnh Bắc Kạn phấn đấu đến năm 2025, Khu du lịch Ba Bể trở thành khu du lịch quốc gia, du lịch hồ Nặm Cắt trở thành khu du lịch cấp tỉnh; mỗi huyện, thành phố có ít nhất 1 điểm, khu du lịch được công nhận; đón ít nhất 32.000 lượt khách quốc tế và 1.000.000 lượt khách nội địa; tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm của khách du lịch đạt 13%; tổng thu từ khách du lịch đạt trên 1.000 tỷ đồng, tương đương với 5% GRDP toàn tỉnh; có 40% nguồn nhân lực du lịch được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh hiện có 237 cơ sở lưu trú với tổng số 2.304 phòng, trong đó có 31 khách sạn, 35 nhà nghỉ du lịch, 119 Homestay. Tỉnh đang phát triển các sản phẩm du lịch chính là du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng; du lịch lịch sử - văn hóa… Cùng với đó triển khai các dự án phục dựng và bảo tồn một số lễ hội, nghề truyền thống và những di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào các dân tộc tỉnh Bắc Kạn để thu hút du khách.

Tỉnh đã thu hút được 5 dự án đầu tư ngoài ngân sách trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ với tổng vốn đăng ký 633 tỷ đồng. Tỉnh đang tập trung nguồn lực đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông, trong đó có 5 dự án trọng điểm gồm: Dự án xây dựng tuyến đường thành phố Bắc Kạn - hồ Ba Bể kết nối sang Na Hang, Tuyên Quang; Dự án xây dựng tuyến đường Quảng Khê - Khang Ninh, Ba Bể; Dự án xây dựng hạ tầng giao thông khu vực xung quanh hồ Ba Bể; Dự án đường vào hồ Nặm Cắt; Dự án tuyến Quốc lộ 3 Chợ Mới - thành phố Bắc Kạn.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hoan nghênh các ý kiến đóng góp tại Hội nghị và cho rằng đây là những ý kiến đầy tâm huyết, có trách nhiệm nhằm gợi mở những vấn đề, những giải pháp để phát triển du lịch của cả nước trong thời gian tới.

Thủ tướng nhấn mạnh, phát triển du lịch phải đặt trong tổng thể với phát triển kinh tế - xã hội với vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn. Tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức, tận dụng cơ hội phát triển du lịch nhanh, bền vững, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển các ngành và lĩnh vực khác, góp phần quan trọng chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế theo hướng hiện đại.

Phát triển du lịch là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành và toàn xã hội dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp ủy đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước; phát huy mạnh mẽ vai trò động lực của doanh nghiệp và cộng đồng dân cư…

Về các nhiệm vụ trọng tâm để phát triển du lịch trong thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo cần thực hiện liên kết toàn diện, hiệu quả, phân công trách nhiệm rõ ràng, phát huy vai trò định hướng của cơ quan du lịch quốc gia, vai trò đầu tàu, dẫn dắt của các trung tâm du lịch lớn, hình thành các liên kết vùng động lực tăng trưởng du lịch. Tiếp tục đầu tư, phát triển đồng bộ hạ tầng kinh tế xã hội, nhất là hạ tầng logistics theo hướng tăng cường liên kết tỉnh, liên vùng, liên kết trong nước với quốc tế. Chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch, bảo đảm đủ về số lượng, cân đối về cơ cấu ngành nghề và chất lượng, phù hợp với yêu cầu của cạnh tranh và hội nhập. Xây dựng các mô hình, sản phẩm du lịch mới, độc đáo trên cơ sở tiềm năng khác biệt, lợi thế cạnh tranh. Nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến, quảng bá du lịch. Tăng cường quản lý môi trường du lịch, bảo tồn và phát huy các giá trị tự nhiên, văn hóa. Đẩy nhanh chuyển đổi số; hình thành và phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh ở Việt Nam…/.

Hương Dịu