PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

24/10/2023
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Trang bị công cụ cho người dân tham gia môi trường số
Là một trong những địa phương đầu tiên trong toàn quốc thực hiện Chương trình hỗ trợ phổ cập điện thoại thông minh cho người dân trưởng thành, Bắc Kạn đã thực hiện đúng quan điểm “lấy người dân làm trung tâm” trong chuyển đổi số. Chương trình bước đầu đã nhận được sự quan tâm, đồng thuận, ủng hộ của toàn hệ thống chính trị, doanh nghiệp, người dân.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Trao tặng điện thoại thông minh cho đối tượng thụ hưởng tại xã Nghĩa Tá (Chợ Đồn)

Theo số liệu thống kê của Cục Viễn thông, tính đến hết năm 2022, tỷ lệ thuê bao sử dụng điện thoại thông minh trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn là 84,9%, đứng thứ 7/63 tỉnh thành phố, cao hơn trung bình cả nước 79,13%, còn 15,1% thuê bao chưa có điều kiện trang bị điện thoại thông minh để phục vụ nhu cầu thông tin liên lạc, sử dụng dịch vụ công trực tuyến, cài đặt các ứng dụng cá nhân, thanh toán không dùng tiền mặt. Số người dân chưa có điện thoại thông minh chủ yếu là thành viên các hộ nghèo, cận nghèo, người dân thuộc xã có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Với mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2024, mỗi hộ gia đình có ít nhất 1 điện thoại thông minh, tiến tới mỗi người dân trưởng thành có 1 điện thoại thông minh, Bắc Kạn xác định tập trung xây dựng mô hình chuyển đổi số cấp xã gắn liền với phổ cập điện thoại thông minh tới người dân, từ đó góp phần thu hẹp khoảng cách số giữa khu vực nông thôn và thành thị, miền núi và miền xuôi, tổ chức triển khai chuyển đổi số một cách bài bản, vững chắc.

Trên cơ sở tình hình thực tế của địa phương, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 369/KH-UBND ngày 14/6/2023 về việc thí điểm triển khai thực hiện chuyển đổi số tại 8 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh năm 2023 và Kế hoạch số 506/KH-UBNB ngày 28/7/2023 về việc triển khai Chương trình hỗ trợ phổ cập điện thoại thông minh cho người dân trưởng thành tại 8 xã/phường thực hiện thí điểm chuyển đổi số năm 2023.

Sau hơn 3 tháng phát động, Chương trình phổ cập điện thoại thông minh cho người dân trưởng thành đã nhận được sự tham gia ủng hộ tích cực với số tiền gần 470 triệu đồng từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn. Đến cuối tháng 8/2023, thông qua Sở Thông tin và Truyền thông, tỉnh đã tiếp nhận, tổ chức trao 176 chiếc điện thoại thông minh cho các huyện, thành phố trong tỉnh để chuyển đến cho người dân thuộc đối tượng được thụ hưởng.

Hỗ trợ người dân phường Sông Cầu (thành phố Bắc Kạn) cài đặt chữ ký số cá nhân trên điện thoại thông minh

Ông Nguyễn Văn Viết, tổ 8, phường Sông Cầu (thành phố Bắc Kạn) chia sẻ: “Giờ chỉ với chiếc điện thoại thông minh tôi có thể cập nhật nhiều tin tức bổ ích, giải trí, nhất là giải quyết thủ tục hành chính thông qua việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến”.

Còn đối với bà Phạm Thị Nhung ở tổ 19, phường Sông Cầu, bà rất vui khi được trao tặng điện thoại thông minh. Do gia đình không có ti vi nên với chiếc điện thoại được tặng sẽ giúp bà xem được nhiều thông tin. Tuy nhiên, đến nay bà vẫn chưa biết dùng các chức năng của điện thoại thông minh.

Ông Nông Đức Dũng, Chủ tịch UBND phường Sông Cầu cho biết, địa phương đang đẩy mạnh hướng dẫn người dân làm quen ứng dụng điện thoại thông minh trong hoạt động chuyển đổi số. Đồng thời phát động Chiến dịch cấp chữ ký số công cộng cho người dân, phấn đấu đến hết 31/10/2023, toàn bộ các tổ dân phố sẽ thực hiện xong việc cài đặt phần mềm chữ ký số công cộng cho người dân trưởng thành, có điện thoại thông minh để người dân sẵn sàng tham gia, thụ hưởng các thông tin, dịch vụ công trên không gian mạng.

Có thể thấy, giá trị vật chất thu được qua Chương trình hỗ trợ điện thoại thông minh tại Bắc Kạn đến thời điểm này chưa phải là lớn nhưng rất đáng trân trọng, nhất là đối với một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn. Qua ghi nhận, Chương trình đã tạo được hiệu ứng truyền thông lan tỏa sâu rộng, thúc đẩy tinh thần học tập nâng cao nhận thức và khai thác các ứng dụng số trong Nhân dân. Việc hỗ trợ điện thoại thông minh cho người dân trưởng thành vận dụng với điều kiện của tỉnh là phù hợp, cần được nhân rộng để góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân miền núi từ việc tiếp cận công nghệ số, đóng góp thiết thực vào lộ trình chuyển đổi số tại địa phương./.

Thu Trang