PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

20/10/2022
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Bắc Kạn thúc đẩy phát triển kinh tế theo hướng xanh và bền vững
Tỉnh Bắc Kạn đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn để đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững, đồng thời góp phần giảm thiểu suy thoái môi trường, nâng cao sức chống chịu và cạnh tranh của nền kinh tế nhằm đạt mục tiêu của Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu đến năm 2050.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Thời gian qua, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp nhằm phát triển kinh tế - xã hội; giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các ngành, địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã, đặc biệt là triển khai nhiều giải pháp khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào nông nghiệp xanh, sạch, nông nghiệp công nghệ cao. Theo đó, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đã thực hiện sản xuất các loại nông sản theo mô hình nhà kính, nhà lưới, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.

Bắc Kạn chú trọng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp (Ảnh: Mô hình trồng dưa nhà lưới của HTX Dương Quang, thành phố Bắc Kạn) 

Tỉnh cũng ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, phát triển năng lượng tái tạo như thủy điện, điện gió, điện sinh khối; quan tâm thu hút đầu tư phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, khám phá thiên nhiên tại Khu du lịch hồ Ba Bể, động Hua Mạ, hang Thẳm Làng, hồ Nặm Cắt, Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ, Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc, khu rừng nguyên sinh Nà Noọc,... với những cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn, hoang sơ và cấu tạo địa chất độc đáo, hệ sinh thái đa dạng.

Tỉnh cũng chú trọng phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng (Ảnh: Khách du lịch tại Khu du lịch hồ Ba Bể)

Công tác phát triển rừng được tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện; cơ quan chuyên môn thường xuyên tuyên truyền, vận động Nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng rừng, chỉ đạo lựa chọn trồng các loài cây phù hợp từng điều kiện lập địa, trong đó ưu tiên trồng các loài cây gỗ lớn đa mục đích, cây bản địa nhằm nâng cao chất lượng rừng trồng; đồng thời thúc đẩy sản xuất lâm nghiệp hàng hóa theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển lâm nghiệp bền vững bằng việc cấp chứng chỉ rừng FSC. Hiện nay, toàn tỉnh đã cấp chứng chỉ rừng FSC cho 322 chủ rừng với tổng diện tích 921,41 ha tại huyện Chợ Mới. Chỉ tính riêng giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh trồng được hơn 34.000 ha rừng, trung bình mỗi năm trồng hơn 6.807 ha rừng.

Ngoài ra, tỉnh cũng chú trọng đầu tư rất nhiều vào các dự án nghiên cứu khoa học, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ công tác bảo tồn tại các khu bảo tồn, vùng đệm của các khu bảo tồn. Điển hình như hoạt động cải tạo, nâng cấp các tuyến đường để hoàn thiện hệ thống giao thông phục vụ đi lại, tuần tra, giám sát, phòng cháy chữa cháy rừng xung quanh khu vực Vườn Quốc gia Ba Bể, xây dựng các tuyến đường lâm nghiệp...

Trong giai đoạn 2010 - 2020, tỉnh Bắc Kạn chú trọng phát triển công nghiệp chế biến, nhất là chế biến nông - lâm sản và dược liệu, tập trung thu hút đầu tư các dự án chế biến sâu khoáng sản phục vụ xuất khẩu. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là ngành kinh tế chủ lực chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu ngành công nghiệp của tỉnh, đạt mức tăng trưởng bình quân 4,66%/năm. Giá trị sản xuất năm 2020 đạt 845,44 tỷ đồng (giá so sánh), tăng 1,5 lần so với năm 2010 và tăng 2,18 lần so với năm 2015, chiếm tỷ trọng 66,5% trong cơ cấu ngành công nghiệp. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 200 cơ sở, doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, chế biến lâm sản đang hoạt động, nổi bật là các doanh nghiệp chế biến gỗ tại Khu Công nghiệp Thanh Bình: Công ty Cổ phần đầu tư Govina sản xuất sản phẩm ván gỗ dán các loại cung cấp ra thị trường trong nước và xuất khẩu; Công ty TNHH Leechenwood Việt Nam sản xuất gỗ ván ép… Trong quá trình thẩm định các dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, tỉnh chú trọng đến yếu tố bảo vệ môi trường, thường xuyên yêu cầu các chủ đầu tư phải tuân thủ nghiêm quy định bảo vệ môi trường trong báo cáo đánh giá tác động môi trường; đối với các dự án đầu tư khai thác khoáng sản, yêu cầu phải ký cam kết phục hồi môi trường trong và sau quá trình khai thác.

Theo kết quả quan trắc môi trường năm 2020 cho thấy, chất lượng môi trường không khí trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn hiện rất tốt, môi trường nước đều nằm trong giới hạn cho phép. Trong đó, cường độ tiếng ồn và hàm lượng các chất gây ô nhiễm (CO, NO2, SO2, Bụi TSP) trong môi trường không khí tại các vị trí quan trắc đều thấp hơn giá trị cho phép. Nồng độ các chất trong môi trường không khí xung quanh đều có xu hướng giảm. Tỉnh không có điểm nóng về ô nhiễm không khí; không có khu vực ô nhiễm môi trường nước nghiêm trọng, nồng độ các chất trong môi trường nước mặt đều có xu hướng giảm…

Mặc dù vậy, do xuất phát điểm của nền kinh tế thấp nên quy mô nền kinh tế của tỉnh nhỏ, khả năng thu hút đầu tư còn hạn chế, đặc biệt là các nguồn vốn FDI; ngành công nghiệp khai khoáng vẫn chiếm tỷ trọng cao trong GRDP, công nghệ chưa hiện đại; sản xuất nông, lâm nghiệp quy mô nhỏ, chưa có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp xanh theo tiêu chuẩn hữu cơ; nhận thức của cán bộ, Nhân dân trên địa bàn tỉnh đối với phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn còn mới…

Để đẩy mạnh phục hồi và phát triển kinh tế theo hướng xanh và bền vững trong thời gian tới, tỉnh Bắc Kạn xác định tăng trưởng xanh gắn liền với chuyển đổi mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế, đưa kinh tế của tỉnh từ tăng trưởng theo chiều rộng sang tăng trưởng theo chiều sâu, dựa trên đặc điểm tự nhiên của tỉnh, cơ sở khoa học và công nghệ hiện đại, nguồn nhân lực chất lượng cao, phù hợp với điều kiện của tỉnh, của vùng và Việt Nam. Trong đó, tập trung phát triển mạnh kinh tế về rừng; sử dụng năng lượng tái tạo; tham gia thị trường các bon, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng, tài nguyên thiên nhiên.

Theo đó, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao năng lực, nhận thức của cán bộ, Nhân dân về phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; nâng cao năng lực của hệ thống quản lý nhà nước về thích ứng với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh, đặc biệt là năng lực của cấp huyện và xã/phường. Nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp, cộng đồng và người dân về sự cần thiết và lợi ích của việc sử dụng năng lượng hiệu quả, tiết kiệm năng lượng và tài nguyên, tiêu dùng xanh, lối sống xanh, thân thiện với môi trường. Tổ chức tập huấn, hướng dẫn doanh nghiệp và hộ gia đình tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm xanh và tiêu dùng xanh. Nghiên cứu và đưa vào giảng dạy các nội dung về tăng trưởng xanh, giảm phát thải khí nhà kính, tiết kiệm năng lượng, áp dụng công nghệ xanh trong nông nghiệp, khai thác tài nguyên bền vững… vào các cấp học, bậc học phù hợp.

Chỉ đạo xây dựng phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn ngay từ bước đầu lập quy hoạch, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế. Trong công tác lập quy hoạch đảm bảo các điều kiện để phát triển kinh tế có tính đến các yếu tố về môi trường, cảnh quan cây xanh; hình thành các khu, cụm công nghiệp xanh, khu đô thị xanh,… từ đó đảm bảo được mục đích phát triển kinh tế thích ứng với biến đổi khí hậu và cải thiện môi trường sinh sống, làm việc của người dân trong các khu, cụm công nghiệp. Hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chuyển đổi hình thức sản xuất sang hữu cơ, duy trì canh tác hữu cơ, hỗ trợ quá trình sản xuất, quảng bá và chế biến sản phẩm hữu cơ. Duy trì mật độ che phủ rừng ở mức độ phù hợp, tích cực trồng rừng và bảo vệ rừng, tham gia vào thị trường cacbon, tạo sinh kế bền vững từ kinh tế rừng.

Tỉnh cũng chỉ đạo phát triển các ngành kinh tế theo hướng xanh, tận dụng tối đa các thành tựu khoa học công nghệ, khuyến khích đổi mới sáng tạo, phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất chế biến nông nghiệp và công nghiệp; khai thác hợp lý và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản, ưu tiên thu hút đầu tư vào các dự án tài nguyên có khả năng tái tạo, áp dụng công nghệ cao trong khai thác và chế biến để tận thu tài nguyên và bảo vệ môi trường; nhân rộng mô hình sản xuất sạch cho cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực chế biến khoáng sản và phục hồi môi trường; từng bước thu hút đầu tư phát triển các dự án trong ngành công nghiệp điện tử, công nghiệp công nghệ cao sử dụng nguyên, vật liệu đầu vào từ ngành công nghiệp khai khoáng và chế biến khoáng sản. Phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp hàng hóa, sản xuất an toàn, hữu cơ, xanh, sạch, đặc sản; hình thành vùng chuyên canh với quy mô thích hợp, dựa trên các chuỗi giá trị sản phẩm bản địa, chủ lực, OCOP,… có lợi thế của tỉnh. Phát triển công nghiệp phải gắn với bảo vệ môi trường, trọng tâm là công nghiệp chế biến, chế tạo, phát triển hài hòa ngành công nghiệp năng lượng tái tạo phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh. Phát triển dịch vụ và thương mại theo hướng nâng cao chất lượng và đa dạng hóa, đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc./.

Bích Huệ