PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

17/11/2022
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Triển vọng từ mô hình liên kết sản xuất lúa theo hướng hữu cơ
Từ kinh phí hoạt động quản lý, sử dụng đất trồng lúa năm 2022 theo Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 của Chính phủ, Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng đã triển khai “Mô hình liên kết sản xuất lúa chất lượng theo hướng hữu cơ gắn với tiêu thụ sản phẩm năm 2022” tại các xã Yên Phong (Chợ Đồn), Hà Hiệu (Ba Bể) và Thượng Quan (Ngân Sơn). Qua đó, giúp người dân làm quen với các yêu cầu kỹ thuật sản xuất lúa theo tiêu chuẩn hữu cơ, góp phần thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Bà con thu hoạch Khẩu nua lương tại xã Hà Hiệu (Ba Bể)

Tham gia mô hình, các hộ dân được tập huấn kỹ thuật sản xuất lúa theo tiêu chuẩn hữu cơ và kỹ thuật chăm sóc cây lúa hữu cơ theo từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển; được hỗ trợ về vật tư nông nghiệp gồm phân bón hữu cơ, chế phẩm vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng trong sản xuất lúa hữu cơ; được cấp chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm; hỗ trợ liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Tại xã Yên Phong, mô hình sử dụng giống lúa bao thai được triển khai với diện tích 17,2 ha, tại 5 thôn: Pác Là, Phiêng Quắc, Pác Toong, Khau Tọoc, Bản Tắm. Là một trong 90 hộ dân tham gia mô hình, bà Ma Thị Vàng tại thôn Pác Toong cho biết, vụ mùa này gia đình bà tham gia mô hình với diện tích 0,3 ha. Qua thực tế sản xuất cho thấy, trước đây dùng phân vô cơ, cây lúa phát triển nhanh nhưng sau một thời gian bị bệnh đạo ôn, cây lúa không cứng cáp, không đẻ nhánh. Khi tham gia mô hình, sử dụng phân hữu cơ vào sản xuất, cây lúa phát triển từ từ, đẻ nhánh khỏe, cây cứng cáp và sạch bệnh, bông lúa rất đều và chắc hạt. Tới đây, bà sẽ vận động bà con trong thôn cùng sản xuất lúa hữu cơ vì vụ xuân gia đình bà cũng đã tham gia mô hình 0,3 ha với giống lúa J02 và thấy hiệu quả hơn hẳn mọi năm canh tác sử dụng phân hóa học.

Tại xã Hà Hiệu, mô hình sử dụng giống lúa nếp Khẩu nua lương được triển khai tại 7 thôn: Bản Mới, Nà Vài, Cốc Lót, Nà Ma, Nà Mèo, Lủng Cháng, Đông Đăm; quy mô 16,8 ha; 102 hộ dân tham gia.

Theo đánh giá của Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng, các hộ dân đã nắm được những yêu cầu kỹ thuật sản xuất lúa theo tiêu chuẩn hữu cơ và kỹ thuật chăm sóc cây lúa hữu cơ theo từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển; chủ động, thường xuyên thăm đồng, kiểm tra, đánh giá tình hình sinh trưởng phát triển cũng như diễn biến sâu bệnh hại để đưa ra các biện pháp tác động kịp thời, hợp lý; áp dụng kỹ thuật sản xuất lúa hữu cơ nên cây lúa khỏe, khả năng chống chịu với sâu bệnh hại tốt hơn. Trong vụ, phát sinh một số đối tượng sâu bệnh hại như bọ rầy, bệnh đạo ôn lá, bệnh khô vằn, tuy nhiên, mật độ rầy và tỷ lệ bệnh hại thấp, diện tích của mô hình không phải phun trừ sâu, bệnh hại.

Những ruộng thuộc mô hình, cây lúa ở giai đoạn đầu sinh trưởng và phát triển chậm hơn ruộng bón phân vô cơ, tuy nhiên ở giai đoạn sau phát triển tương đương, cho số bông hữu hiệu, số hạt/bông và năng suất tương đương với ruộng ngoài mô hình. Năng suất ruộng sản xuất lúa theo hướng hữu cơ tương đương với bón phân vô cơ, trung bình là 5,7 tấn thóc tươi/ha. Cá biệt những chân ruộng tốt, bón đủ phân chuồng hoai mục, năng suất đạt 6 tấn thóc tươi/ha.

Bà Hà Thị Thơ, thôn Lủng Cháng cho biết, tham gia mô hình, bà cùng nhiều hộ dân đã được hướng dẫn áp dụng kỹ thuật SRI từ khâu làm mạ, gieo cấy và chăm sóc. Quá trình sản xuất lúa sử dụng hoàn toàn phân bón hữu cơ, bông lúa đẹp hơn, mặc dù chưa “phơi khô quạt sạch” nhưng theo kinh nghiệm của bà, sản lượng vụ này chắc chắn cao hơn mọi năm sản xuất dùng phân bón hữu cơ. Sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ không dùng thuốc bảo vệ thực vật, nhưng tỷ lệ rầy nâu rất thấp, không phải phun thuốc trừ.

Cũng theo bà Thơ, đây là mô hình sản xuất rất hiệu quả nhưng hiện nay, bà băn khoăn về nguồn cung cấp phân bón hữu cơ để tiếp tục sản xuất. Bà bày tỏ mong muốn sau khi kết thúc mô hình, những năm tới, Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng tiếp tục cung cấp nguồn phân bón hữu cơ cho người dân để sản xuất gạo có chất lượng gạo tốt hơn. 

Lúa Khẩu nua lếch tại cánh đồng Nà Ngần, xã Thượng Quan được sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ

Tại xã Thượng Quan, mô hình sử dụng giống lúa Khẩu nua lếch được thực hiện trên diện tích 3,25 ha tập trung ở khu đồng Nà Ngần, với 21 hộ tham gia. Qua thực tế sản xuất cho thấy, áp dụng kỹ thuật sản xuất lúa hữu cơ cây lúa khỏe, khả năng chống chịu với sâu bệnh hại tốt hơn. Trong vụ, phần lớn diện tích của mô hình hầu như không phải phun trừ sâu, bệnh hại trong khi nhiều diện tích ngoài mô hình sử dụng phân bón vô cơ phải phun trừ đạo ôn lá từ 1 - 2 lần, có ruộng bị bệnh cháy đầu lá với tỷ lệ 20 - 30% số lá. Đây là vụ đầu tiên chuyển đổi từ bón phân vô cơ sang chỉ bón phân hữu cơ (giai đoạn cải tạo đất) nên một số ruộng trong mô hình nghèo dinh dưỡng, thiếu phân chuồng hoai mục thì năng suất thấp hơn so với những ruộng bón phân vô cơ. Nhưng một số ruộng bón đủ phân theo hướng dẫn (có phân chuồng hoai mục bón lót) thì năng suất tương đương với ruộng tốt của bón phân vô cơ, đạt 5,8 tấn thóc tươi/ha.

Được biết, thực hiện kế hoạch triển khai “Mô hình liên kết sản xuất lúa chất lượng theo hướng hữu cơ gắn với tiêu thụ sản phẩm năm 2022”, vụ xuân 2022, Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng đã triển khai mô hình sử dụng giống lúa J02 tại xã Yên Thịnh 17,2 ha và xã Hà Hiệu 16,8 ha. Qua đánh giá, mô hình đạt năng suất trung bình từ 7,6 - 8 tấn thóc tươi/ ha, toàn bộ số thóc này được doanh nghiệp tư nhân kinh doanh giống cây trồng Quốc Anh thu mua.

Theo ông Hoàng Thanh Bình - Chi cục Phó Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng, khi sản xuất hữu cơ, ngoài việc gia tăng giá trị cho các sản phẩm tham gia thị trường thì lúa gạo hữu cơ góp phần đảm bảo sức khỏe, bảo vệ môi trường cho chính người nông dân và cộng đồng nơi áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ. Để các mô hình đạt kết quả cao, đơn vị đã phối hợp với UBND các xã tiến hành khảo sát, lựa chọn địa điểm, hợp tác xã, chọn hộ dân tham gia. Bên cạnh đó, đơn vị còn tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật canh tác lúa theo tiêu chuẩn hữu cơ; cấp phát vật tư nông nghiệp và hướng dẫn nông dân thực hiện theo đúng kỹ thuật được tập huấn; hướng dẫn, giám sát nông dân tham gia mô hình thực hiện các biện pháp chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại theo quy trình sản xuất lúa hữu cơ.

Thành công của các mô hình trong năm 2022 là cơ sở để Chi cục báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục nhân rộng mô hình ra các địa phương trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, từng bước tạo ra sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm và đạt các tiêu chuẩn đáp ứng nhu cầu của các thị trường lớn./.

Hương Dịu