Độ tương phản
Bước ngoặt lịch sử
Năm 1858, thực dân Pháp xâm lược Việt Nam và từng bước thiết lập bộ máy thống trị, biến nước ta từ một quốc gia phong kiến thành một xứ thuộc địa, dân ta là vong quốc nô, Tổ quốc ta bị giày xéo dưới gót sắt của kẻ thù hung ác.
Trước sự xâm lược của thực dân Pháp, các cuộc khởi nghĩa, các phong trào đấu tranh của Nhân dân ta diễn ra liên tục và mạnh mẽ như phong trào Cần Vương do Phan Đình Phùng lãnh đạo, phong trào nông dân Yên Thế của Hoàng Hoa Thám, phong trào yêu nước do các cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Lương Văn Can lãnh đạo, cuộc khởi nghĩa Yên Bái do Nguyễn Thái Học lãnh đạo… đều bị thất bại. Cách mạng Việt Nam chìm trong cuộc khủng hoảng sâu sắc về đường lối cứu nước.
Giữa lúc dân tộc ta đứng trước cuộc khủng hoảng về đường lối cứu nước, ngày 5/6/1911, người thanh niên Nguyễn Tất Thành (tức Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh sau này) ra đi tìm đường cứu nước theo phương hướng mới. Với khát vọng cháy bỏng giành độc lập tự do cho dân, cho nước, Nguyễn Tất Thành đã bất chấp mọi nguy hiểm, gian khổ, đi qua nhiều nước của châu Âu, châu Phi, châu Mỹ và đã rút ra chân lý: Chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc thực dân là cội nguồn mọi đau khổ của công nhân và Nhân dân lao động ở chính quốc cũng như ở các nước thuộc địa.
Trên hành trình buôn ba tìm đường cứu nước, Người đã đến với Chủ nghĩa Mác - Lênin. Năm 1920, Nguyễn Ái Quốc được đọc bản “Sơ thảo lần thứ nhất những Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của Lênin đăng trên báo Nhân đạo (Pháp) và cũng chính từ đây đã giải đáp cho Người con đường đấu tranh giành độc lập tự do thực sự do dân tộc, cho đồng bào mình. Người khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”.
Từ năm 1921 - 1930, Nguyễn Ái Quốc vừa tiếp tục hoạt động trong Đảng Cộng sản Pháp, nghiên cứu bổ sung và hoàn thiện tư tưởng cứu nước, vừa tích cực truyền bà chủ nghĩa Mác - Lênin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam. Cách mạng Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ.
Nhằm đáp ứng những đòi hỏi của thực tiễn cách mạng, từ ngày 3 - 7/2/1930, Nguyễn Ái Quốc đã chủ động triệu tập và chủ trì Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản để thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam tại Cửu Long (Hương Cảng, Trung Quốc). Hội nghị có ý nghĩa như là một đại hội thành lập Đảng, các văn kiện được thông qua tại Hội nghị do Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc khởi thảo chính là Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng. Cương lĩnh đã đặt ra và giải quyết những vấn đề cơ bản, cấp thiết và định hướng chiến lược đúng đắn cho tiến trình phát triển của cách mạng Việt Nam. Sự kiện thành lập Đảng được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng quyết định lấy ngày 3/2 dương lịch hằng năm là ngày kỷ niệm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Sự kiện thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam là một bước ngoặt vô cùng quan trọng của lịch sử cách mạng Việt Nam, quyết định sự phát triển của dân tộc, chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối và tổ chức lãnh đạo của phong trào yêu nước Việt Nam đầu thế kỷ XX. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời với Cương lĩnh chính trị đầu tiên đã mở ra thời kỳ mới cho cách mạng Việt Nam - thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc tiến lên chủ nghĩa xã hội. Cương lĩnh đầu tiên của Đảng ra đời đã xác định được những nội dung cơ bản nhất của con đường cách mạng Việt Nam; đáp ứng được những nhu cầu bức thiết của lịch sử và trở thành ngọn cờ tập hợp, đoàn kết thống nhất các tổ chức cộng sản, các lực lượng cách mạng và toàn thể dân tộc.
95 năm vinh quang của Đảng
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thế hệ lãnh đạo ưu tú, Nhân dân ta đã lần lượt đánh bại thực dân và đế quốc, làm nên Cách mạng tháng Tám thành công, lập nên nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, giành thắng lợi trong các cuộc kháng chiến để giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.
Sau gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo; với ý chí độc lập, tự chủ, tự cường, khát vọng xây dựng và phát triển đất nước, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân quyết tâm xây dựng nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, Nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, trình độ thấp, bị bao vây, cấm vận, nước ta đã trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình, hội nhập sâu, rộng vào nền chính trị thế giới, nền kinh tế toàn cầu, nền văn minh nhân loại, đảm nhiệm nhiều trọng trách quốc tế. Độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững, lợi ích quốc gia, dân tộc được bảo đảm. Quy mô nền kinh tế nước ta đã tăng 96 lần so với năm 1986, lọt Top 40 nền kinh tế hàng đầu, quy mô thương mại Top 20 quốc gia trên thế giới, mắt xích quan trọng trong 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA) gắn kết 60 nền kinh tế chủ chốt ở khu vực. Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 194 quốc gia vùng lãnh thổ trên thế giới, có quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với 30 nước, trong đó có toàn bộ thành viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và các nền kinh tế nhóm G7. Đời sống của người dân được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, hoàn thành về đích sớm các mục tiêu Thiên niên kỷ. Tiềm lực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội khoa học - công nghệ, quốc phòng - an ninh ngày càng được nâng cao. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị có bước đột phá; khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được củng cố; độc lập, chủ quyền được giữ vững; vị thế và uy tín của đất nước ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế.
Với những chiến công to lớn đó, Đảng ta chính là mùa Xuân của đất nước, của con người Việt Nam. Đảng đã sống trong lòng dân tộc, tiếp tục trưởng thành cùng đất nước, không phụ lòng uỷ thác của Nhân dân, xứng đáng với niềm tin cậy của bầu bạn năm châu./.
Tỉnh Bắc Ninh trao 500 triệu đồng cho người nghèo tỉnh Bắc Kạn (24/01/2025)
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Thu Trang thăm, động viên trực Tết tại Viễn thông Bắc Kạn và Viettel Bắc Kạn (24/01/2025)
Sắp xếp, tinh gọn bộ máy hành chính quyết liệt, khẩn trương, tạo thế và lực mới (23/01/2025)
Đánh giá, xếp loại chất lượng Đảng bộ tỉnh năm 2024 (21/01/2025)
Bắc Kạn hoàn thành việc sáp nhập, đổi tên thôn, tổ dân phố (20/01/2025)